Bấy giờ là vào những ngày đầu xuân năm 1975, sau khi toàn bộ vùng Tây Nguyên được giải phóng, văn phòng đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an - Trần Quốc Hoàn trở nên sôi động khác thường. Hàng ngày, theo chỉ thị của đồng chí Bộ trưởng, mấy đồng chí thư ký giúp việc Bộ trưởng thay nhau trực và chờ đợi các tin chiến thắng của quân và dân ta từ miền Nam điện về. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các tin do các chiến sỹ tình báo của ta đang hoạt động trong các cơ quan đầu não của địch.
- Vào một buổi sáng đầu xuân năm 1975, như thường lệ, chúng tôi vừa đến cơ quan thì anh Hoàn đã đẩy cửa phòng làm việc và mời tôi sang phòng anh làm việc. Giữa lúc tôi còn đang ngỡ ngàng, chưa hiểu anh sẽ giao cho việc gì thì anh đã chủ động kéo ghế mời tôi ngồi. Vẫn bằng giọng chậm rãi, anh ôn tồn nói: “Cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn chót. Địch đang trong thế tuyệt vọng. Cùng với quân đội, các lực lượng Công an nhân dân từ hàng chục năm nay theo chỉ thị của Bộ Chính trị đã bồi dưỡng và chi viện cho miền Nam hàng vạn cán bộ, chiến sỹ. Bây giờ chúng ta đang chạy đua với thời gian để giải phóng phần đất còn lại. Một ngày không xa nữa, Sài Gòn và những vùng đất còn lại ở Nam Bộ sẽ giải phóng. Do vậy, cũng như khi tiếp quản Thủ đô vào tháng 10 năm 1954, công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng”.
Nói đến đây, anh Hoàn ngừng lời, rút điếu thuốc mời tôi hút rồi nói tiếp: “Ngay sau buổi làm việc này, tôi giao cho anh soạn thảo nội dung kế hoạch chuyến đi công tác miền Nam. Chậm trễ lúc này, dù chỉ là giây phút, chúng ta sẽ không còn cơ hội để được chứng kiến sự kiện sụp đổ của chế độ Sài Gòn”.
Rời phòng làm việc của đồng chí Bộ trưởng, tôi bắt tay ngay vào việc chuẩn bị nội dung các công việc xung quanh chuyến đi công tác miền Nam. Trong kế hoạch tôi đặc biệt đề cập đến lịch trình và nội dung công tác trên đường đi, sau đó là thành phần của đoàn. Sau hai ngày chuẩn bị, đoàn chúng tôi gồm các anh: Kinh Chi (nguyên Cục trưởng Cục An ninh quân đội); anh Đường - cán bộ Cục Cảnh vệ; anh Bách (bác sỹ); anh Hoàn và tôi. Sáng hôm đó, trời nắng đẹp. Như kế hoạch, bảy giờ ba mươi phút tất cả chúng tôi đều ăn vận trang phục chiến sỹ giải phóng quân.
Trong số chúng tôi, đêm hôm trước hầu như ai cũng thao thức và mong cho trời sáng để lên đường. Khi chúng tôi đến đã thấy các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ có mặt tiễn đoàn chúng tôi. Quả thực lúc đó, lòng mỗi người chúng tôi vừa bồi hồi, vừa xúc động. Sau vài phút dặn dò và bàn giao công việc ở nhà, chiếc xe U-oát đưa đoàn chúng tôi đến sân bay Gia Lâm. Tại đây, chiếc máy bay quân sự C-130 đã chờ sẵn. Gần hai giờ bay, đoàn chúng tôi đã đến Đà Nẵng.
Vừa bước ra khỏi chân cầu thang máy bay, chúng tôi đã được các đồng chí trong Ủy ban Quân quản và lãnh đạo An ninh thành phố ra đón. Cảm tưởng đầu tiên của chúng tôi là nghẹn ngào như muốn khóc.
Chúng tôi ôm chặt lấy nhau bởi sau bao năm, nay mới được gặp lại. Thoáng nhìn quang cảnh sân bay còn ngổn ngang cờ ba que, quần áo rằn ri, đồ dung, vũ khí và các khí tài quân sự, cùng với tài liệu do địch tháo chạy bỏ lại, chúng tôi tạm gác những câu chuyện riêng tư và bắt tay ngay vào công việc. Sau khi nghe các đồng chí trong Ủy ban Quân quản và chỉ huy An ninh thành phố báo cáo về công tác tiếp quản cũng như vấn đề đảm bảo an ninh, trật tự trong những ngày đầu giải phóng, anh Trần Quốc Hoàn đã cho ý kiến: “Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai ở miền Nam.
Đây còn là một trong hai trung tâm quân sự và tình báo lớn nhất ở miền Nam. Do vậy, môt trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng bộ và các lực lượng vũ trang ta là phải dựa vào quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng để sớm đưa thành phố vào thế ổn định về các mặt đời sống, kinh tế và xã hội. Riêng về công tác bảo vệ an ninh, lực lượng Công an phải phối hợp chặt chẽ với quân đội, dựa hẳn vào nhân dân cùng với chính quyền cơ sở làm tốt công tác tiếp nhận các loại đối tượng ra trình diện, phát hiện và ngăn chặn các hành vi tội ác của bọn phản động, bọn tình báo, gián điệp cũng như bọn tội phạm hình sự”.
Sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Công an thành phố Đà Nẵng, theo yêu cầu của anh Hoàn, các đồng chí An ninh Đà Nẵng đưa chúng tôi đến dinh thự của tên trung tướng Ngộ Quang Tưởng. Tại đây, chúng tôi vẫn còn thấy máy điều hòa nhiệt độ, quạt trần đang chạy. Trên bàn làm việc của hắn còn bày la liệt các công văn, điện tín, chỉ thị… Các đồng chí An ninh Đà Nẵng cho biết: “Mới cách đó vài giờ, hắn còn tuyên bố trên Đài phát thanh sẽ tử thủ ở mảnh đất này. Vậy mà khi quân ta mới tiến vào cửa ngõ thành phố, hắn đã lên máy bay chuồn ra biển”.
Đêm đó, đêm đầu tiên chúng tôi thức với nhân dân thành phố Đà Nẵng. Cả thành phố hầu như không ngủ. Trên các đường phố lớn, từng tốp, từng tốp người đứng vây chặt các chiến sỹ Quân giải phóng. Chúng tôi có cảm tưởng, hình như từ lâu, nhân dân chỉ mong đợi những giờ phút này. Sáng hôm sau, chiếc xe U-oát lại đưa đoàn chúng tôi tiến sau vào dải đất miền Trung thân thương. Ở đâu, chúng tôi cũng bắt gặp những khuôn mặt hồ hởi và vui tươi, xen vào đó là những lá cờ nửa xanh, nửa đỏ vừa được cắm trên các đoàn xe xuôi ngược. Đến thị xã Tuy Hòa, thấy chúng tôi ăn mặc quần áo giải phóng, bà con từ hai bên đường ùa tới chào hỏi: Ai cũng bảo “Quân giải phóng mình giỏi thiệt. Đã thắng quân xâm lược lại còn làm tan rã các băng cướp ở thị xã.”
Qua thị xã Phan Thiết, chúng tôi đến một vùng ở gần thành phố Biên Hòa. Tại đây, sau khi được các đồng chí trong Ban An ninh Miền cho biết, chúng tôi mới vỡ lẽ đó là địa phận Hố Nai. Nơi này khi chưa giải phóng, tập trung khá đông đối tượng lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng. Nhưng nay trước khí thế áp đảo của cách mạng, bọn chúng run sợ.
Một số tên đã bỏ trốn, còn một số tên nằm im “như rắn mồng năm” vậy. Ở đây được một ngày một đêm đến mười một giờ sáng hôm sau, chúng tôi nhận được tin: Địch đã đầu hàng vô điều kiện, lá cờ giải phóng đã phấp phới trên nóc dinh Độc Lập. Anh Hoàn đề nghị các đồng chí An ninh Miền cho anh vào Sài Gòn ngay.
Song vì lý do trong thành phố chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975 chưa được tốt lắm, lẻ tẻ vẫn còn các ổ đề kháng của tàn quân ngụy, nên mãi đến sáng 1 tháng 5, anh Hoàn và chúng tôi mới đến Sài Gòn. Cũng như ở các địa phương khác, Sài Gòn vào giờ này chứng kiến không khí náo nhiệt khác thường. Hầu như tất cả người dân thành phố đổ ra đường chào đón quân giải phóng. Đêm đến, dòng người và xe nối đuôi nhau. Trên khóe mắt và nụ cười của mỗi một người dân còn đọng mãi những ấn tượng khó quên khi đoàn xe chở các chiến sỹ Quân giải phóng tiến vào Thành phố.
Ở Sài Gòn được hai ngày, theo chỉ thị của anh Hoàn, chúng tôi bắt tay ngay vào việc dự thảo nghị quyết về “công tác đấu tranh chống phản cách mạng và giữ gìn trật tự an toàn xã hội” để kịp trình ra Hội nghị Trung ương Cục.
Cùng thời gian này, để bảo vệ an toàn tuyệt đối ngày lễ mừng chiến thắng miền Nam tổ chức vào ngày 15 tháng 5 năm 1975, theo chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, các chiến sỹ an ninh đã phối hợp với quân đội làm tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương ở thành phố Hồ Chí Minh cùng một lúc tiến hành nhiều biện pháp từ việc tiếp nhận số lính ngụy, bọn ác ôn, sỹ quan tình báo, an ninh, cảnh sát ngụy ra trình diện, vận động quần chúng nhân dân và các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, phát hiện các tên ác ôn, tình báo và cảnh sát ngụy có nhiều nợ máu với nhân dân còn đang lẩn trốn; kịp thời thu hồi vũ khí và các phương tiện chiến tranh cũng như làm tốt công tác tiếp quản và giữ gìn các hồ sơ, tài liệu, phương tiện máy móc của hệ thống cảnh sát, an ninh, tình báo của địch để lại.
Đã bốn mươi năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm về chuyến đi mùa xuân năm ấy vẫn lắng trong mỗi người chúng tôi. Và đó sẽ mãi là kỉ niệm “không thể nào quên” trong cuộc đời hoạt động của chúng tôi.
Lưu Vinh
(Ghi theo lời kể của đồng chí Minh Tiến nguyên Thứ trưởng Bộ Công an)