Kỳ 2: Cạm bẫy mang tên “CTV online”

Chỉ cần có điện thoại di động thông minh, có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu kinh nghiệm, học vấn, công việc đơn giản, làm việc tại nhà, không cọc,… thu nhập hàng tháng lên đến hàng chục triệu đồng… Đó là những lời mời chào hấp dẫn qua tin nhắn tuyển dụng cộng tác viên (CTV) mà các đối tượng tung ra để lừa đảo.

 

Kỳ 2: Cạm bẫy mang tên “CTV online” - Ảnh 1
Các tin nhắn tuyển dụng có dấu hiệu lừa đảo được gửi đến điện thoại nạn nhân

Đánh vào lòng tham của người dân

Trò lừa từ việc tìm CTV online đã xuất hiện từ trước đây rất lâu với đủ các loại hình khác nhau, thường gặp nhất đó là tuyển CTV bán quần áo, mỹ phẩm online. Nạn nhân bị nhắm tới là những người có thu nhập thấp, các bà mẹ không có thu nhập hay sinh viên có hoàn cảnh khó khăn muốn kiếm thêm tiền trang trải. Để tìm con mồi, các đối tượng không ngần ngại đăng bài, chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, quảng cáo google với các từ khóa khá giống nhau đó là “tuyển CTV tuyến dưới đăng bài bán sản phẩm”, “không cần ôm hàng”, “không cần bỏ vốn”, “được phép trả hàng”… Một công việc khá dễ dàng và tưởng như ăn chắc.

Sau khi đăng ký tham gia, nạn nhân phải cung cấp đầy đủ số điện thoại, Facebook cá nhân sẽ đăng bài và địa chỉ nơi sinh sống. Với những người cảnh giác, chỉ nhận ảnh và bài viết có sẵn rồi đăng tải, sau đó để “Cty” tự chuyển hàng để ăn hoa hồng thì chỉ sau vài đơn hàng, họ sẽ bị những “Cty” chặn Facebook và liệt vào con mồi không có tiềm năng.

Nhưng dường như đa phần nạn nhân của hình thức lừa đảo này đều bị mờ mắt trước cách kiếm tiền dễ dàng. Họ sẽ bị các đối tượng liên tục hỏi mua, thậm chí gợi ý đặt các đơn hàng lớn để tặng người thân, gia đình để thêm tin tưởng vào tiềm năng của hình thức kiếm tiền này. Khi đã để lòng tham lấn át lý trí, các nạn nhân sẽ đi vay mượn, xoay xở lấy vốn nhập hàng từ “Cty” để chuyển cho các đơn đã đặt sẵn từ trước đó.

Tuy nhiên, sau khi mất công đóng gói rồi gửi hàng đi, dĩ nhiên đơn hàng đó sẽ không có ai nhận và được trả về cho nạn nhân. Lúc này, nạn nhân sẽ lo sợ và liên lạc với “Cty” để trả hàng. Điều diễn ra tiếp theo đó khá dễ đoán, “Cty” này biến mất không một dấu vết, Facebook thì đã bị chặn và nạn nhân mới nhận ra mình đã bị lừa. Với hình thức này, nạn nhân có thể mất từ hàng triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng tùy theo sự u mê và khả năng xoay xở tiền bạc của mình.

Vẫn có thể bị khởi tố

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, nhiều đối tượng cho rằng lừa đảo người khác số tiền dưới 2.000.000 đồng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do nhận thức hạn chế như vậy nên các đối tượng càng củng cố niềm tin để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền dưới 2.000.000 đồng đối với một nạn nhân.

“Tuy nhiên theo Khoản 1 - Điều 174 - BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, luật sư Thái viện dẫn.

Như vậy, trong trường hợp nêu trên nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người, gây bức xúc trong dư luận, hành vi sẽ được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên dù mỗi nạn nhân bị mất chưa đến 2.000.000 đồng thì vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự để xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Luật sư Thái cũng khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác khi tìm kiếm công việc liên quan đến kinh doanh online. Khi làm CTV kinh doanh online, cần tìm hiểu Cty, DN mình cộng tác. Khi đặt mua hàng hóa, làm CTV cho các DN, tổ chức, cần kiểm tra rõ thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp để có thông tin chính xác. Đặc biệt, cần tỉnh táo, hạn chế giao hàng với số lượng lớn cho những khách lần đầu đặt hàng.

“Trong tình hình dịch bệnh, kinh tế gia đình đang ở giai đoạn khó khăn nên ai cũng muốn làm thêm, kiếm thêm thu nhập. Lợi dụng sự khó khăn này để lừa đảo là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây mất an toàn an ninh và trật tự xã hội. Do đó, cần phải có những biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội để bảo đảm an ninh và duy trì trật tự xã hội, loại bỏ tội phạm ra khỏi đời sống người dân”, luật sư Thái bày tỏ.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm, CA TP Hà Nội đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới này. Khi làm CTV cho các Cty, DN, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Để không trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo, người lao động nên lựa chọn trung tâm dịch vụ việc làm uy tín, tìm tới tận Cty, DN để nộp hồ sơ ứng tuyển. Hiện nay các tỉnh, thành phố đều có trung tâm dịch vụ việc làm, với nhiều địa điểm, các kênh giao dịch. Lao động có thể tìm tới các trung tâm này để được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Khi phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho CQCA để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

CA quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo qua hình thức tuyển CTV thanh toán đơn hàng trên sàn thương mại điện tử. Theo đó, ngày 1-3, chị A, SN 2001, ở Hà Nội, nhận được lời mời làm CTV thanh toán đơn hàng ảo của một sàn thương mại điện tử và sẽ nhận 10% hoa hồng cho mỗi đơn hàng thanh toán. Chị A thanh toán 5 đơn hàng thì bị các đối tượng thông báo chuyển khoản sai nội dung và yêu cầu bị phạt thanh toán thêm 2 đơn hàng thì mới được rút tiền.Tổng số tiền chị A đã thanh toán là hơn 50 triệu đồng. Khi đối tượng yêu cầu phạt đơn hàng 67 triệu đồng, chị A mới nghi ngờ mình bị lừa và đến CQCA trình báo.

(Còn nữa)

Thái An

Pháp Luật và Xã hội
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục