Kinh tế Trung Quốc: 7% cũng khó mà đạt được!

(Kinhdoanhnet) - Dù đã bị coi là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 15 năm qua nhưng mục tiêu 7% với kinh tế Trung Quốc hiện nay cũng khó có thể đạt được.

Reuters dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 15/3 cho biết nước này sẽ không dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7% trong năm nay (2015) như chính phủ đã đề ra, song Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi nỗ lực có thể để đảm bảo kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý.

Kinh tế Trung Quốc: 7% cũng khó mà đạt được!
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường 

Theo Thủ tướng Trung Quốc, nếu cần thiết chính phủ nước này sẽ nới lỏng các chính sách bằng những biện pháp cụ thể để ngăn chặn khả năng nền kinh tế giảm tốc quá mức, hoặc tránh để số lượng việc làm sụt giảm mạnh.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cho rằng khi kinh tế phát triển chậm lại, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về tài chính, song giới chức nước này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được những rủi ro mang tính hệ thống.

Ông Lý Khắc Cường đồng thời lưu ý Chính phủ Trung Quốc vẫn còn sẵn nhiều công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp nền kinh tế vận hành trong một khuôn khổ thích hợp khi quá trình phát triển kinh tế bước vào một giai đoạn “bình thường mới.”

Khác với những năm tăng trưởng vũ bão, trên 14% năm, năm 2014, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt mức 7,5% và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 12, kỳ họp thứ 3, vào cuối năm 2014, đã chốt chỉ tiêu tăng trưởng nền kinh tế năm 2015 là 7%. Trung Quốc đã đưa ra mức mục tiêu tăng trưởng thấp nhất trong hơn 15 năm.

Các nhà phân tích kinh tế thế giới đã khẳng định, những nguy cơ lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc là: nợ và tình trạng rút vốn của nước ngoài, tình trạng sụt giảm xuất khẩu, vấn nạn môi trường. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 7,4% trong năm 2014 xuống mức 6,8% trong năm nay, trong khi Oxford Economics cho rằng năm nay có thể sẽ là năm cuối cùng mà Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng 6%/năm.

Việc rút vốn đầu tư nước ngoài khỏi Trung Quốc cũng là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế nước này. Mặc dù, trong năm 2014, Trung Quốc đã thu hút được tới 128 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài mới, tuy nhiên, chỉ riêng trong tháng 12-2014 đã có 80 tỷ USD vốn rút khỏi Trung Quốc và xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2015 và những năm tới do giá nhân công lên cao, môi trường kinh doanh kém thuận lợi. Việc rút vốn này sẽ khiến đồng tiền của nước này sụt giá mạnh, gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Sự phát triển chậm lại của kinh tế Trung Quốc không phải là một hiện tượng đột ngột, nhất thời, mà là hậu quả của sự phát triển bất chấp hậu quả tương lai, hậu quả của sự thiếu bền vững. Nó có thể kéo dài cả thập kỷ. Ảnh hưởng vì vậy cũng lan tỏa và kéo dài.

Trâm Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục