Kinh doanh gặp khó, Tập đoàn Công Thanh vẫn quyết làm dự án tỷ đô

Mặc dù mảng kinh doanh chính đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên Tập đoàn Công Thanh vẫn quyết làm dự án điện khí LNG 2 tỷ USD tại Thanh Hóa.

Kinh doanh gặp khó, Tập đoàn Công Thanh vẫn quyết làm dự án tỷ đô - Ảnh 1

Chuyển đổi dự án năng lượng tỷ đô chậm tiến độ

Cuối tháng 7, tỉnh Thanh Hóa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính Phủ, đề xuất chuyển đổi từ dự án nhiệt điện sang điện khí LNG đối với Dự án nhiệt điện Công Thanh, tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa. Văn bản này căn cứ trên đề xuất của Công ty nhiệt điện Công Thanh đã gửi trước đó.  

Theo đó, dự án Nhiệt điện Công Thanh được Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 4/11/2010, điều chỉnh lần 2 ngày 5/6/2018. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn như nguồn vốn, và do nhiệt điện than hiện nay không còn là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư của các tổ chức tín dụng, nhiều hạn chế đối với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cam kết giảm phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính tới năm 2030. Vì vậy, dự án vẫn chưa thể thực hiện như kế hoạch ban đầu và xin chuyển đổi sang thành dự án điện khí.

Trong nội dung báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, việc chuyển đổi trên căn cứ Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Trong đó, dự án Nhiệt điện Công Thanh có công suất 600MW tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa được triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030, hiện nằm trong Danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn.

Hình minh họa mô hình một nhà máy điện khí. Ảnh internet.

Hình minh họa mô hình một nhà máy điện khí. Ảnh internet.

Cũng tại Quyết định số 500/QĐ-TTg và Tờ trình số 2842/TTr-BCT ngày 14/5/2023, mà Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII, về cơ bản các dự án đã quá hạn theo quy định không xem xét kéo dài, các dự án khác nếu sau 2 năm trong thể triển khai được thì đề xuất thay thế bằng các nguồn điện LNG hoặc năng lượng tái tạo.

Đồng thời, trong văn bản báo cáo của tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự án Nhiệt điện Công Thanh đã cơ bản hoàn thành việc GPMB, san lấp, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng để đầu tư nhà máy, Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh đã tích cực làm việc với các nhà đầu tư uy tín nước ngoài để nghiên cứu tính khả thi của việc đầu tư dự án. Vì vậy, dự án điện khí của Công Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai và hoàn thành, đi vào vận hành trước năm 2030.

Mặt khác, tại tờ trình số 2842/TTr-BCT ngày 14/5/2023 của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII có nội dung: “xem xét đề nghị chuyển đổi nhiên liệu sang LNG của dự án Công Thanh trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch. Các dự án đã quá hạn theo quy định không xem xét kéo dài, các dự án khác nếu sau 2 năm trong thể triển khai được thì đề xuất thay thế bằng các nguồn điện LNG hoặc năng lượng tái tạo”.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Chính phủ xem xét, thống nhất cho dự án Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất 1500MW thuộc dự án LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn 1.500MW trong Quy hoạch điện VIII và cập nhật dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Dự án tỷ đô nguy cơ "sớm nở tối tàn" 

Trong báo cáo về việc xin chuyển đổi, dự án nhiệt điện Công Thanh sau khi chuyển đổi có tổng vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD, tương đương khoảng 47.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức đầu tư ban đầu 1,2 tỷ USD. Đồng thời, việc chuyển đổi cũng kéo theo nhiều thay đổi khác.

Cụ thể, tổng diện tích dự án sau chuyển đổi tăng lên thành 197,3ha, gồm khu vực Nhà máy chính 64ha, tuyến ống cấp thải nước làm mát và tuyến ống khí 15ha, khu vực kho cảng LNG 18,3ha, diện tích mặt nước cảng LNG 100ha, tổng diện tích sự án tăng khoảng 100ha so với ban đầu. Nhà máy vận hành với xông nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, làm mát bằng nước biển, đồng thời, nhiên liệu chính chuyển từ than sang khí LNG nhập khẩu, với mức tiêu thụ nhiên liệu khoảng 1,2 - 1,5 triệu tấn khí mỗi năm. 

Cổng dự án nhà máy điện khí tỷ đô của Công Thanh.

Cổng dự án nhà máy điện khí tỷ đô của Công Thanh.

Với thay đổi trên cũng giúp công suất nhà máy tăng từ 600 MW lên 1.500 MW, sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm tăng từ 3,9 tỷ kWh lên 9,0 tỷ kWh. Thời gian hoàn thành đưa dự án đi vào vận hành trước năm 2030 (dự kiến trong năm 2028). Đồng thời, dự án dự kiến đấu nối về TBA 500kV Hưng Yên (trong trường hợp tiến độ của TBA 500kV Hưng Yên phù hợp với tiến độ dự án) hoặc đấu nối về TBA 500 kV Nam Hà Nội (trong trường hợp tiến độ của TBA 500kV Nam Hà Nội phù hợp với tiến độ dự án) hoặc đấu nối về TBA 500kV Long Biên.

Như vậy, việc chuyển đổi thực hiện dự án điện khí có nhiều lợi thế và phù hợp chiến lược phát triển của tỉnh Thanh Hóa cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, về phía Tập đoàn Công Thanh hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là ở mảng kinh doanh truyền thống xi măng mà cụ thể là tình hình tài chính "bết bát" tại đơn vị đầu tàu của tập đoàn là Công ty CP Xi Măng Công Thanh (Xi măng Công Thanh). 

Theo báo cáo tài chính năm 2022, tại thời điểm cuối năm, Xi măng Công Thanh ghi nhận tổng tài sản hơn 12.318 tỷ đồng, tuy nhiên, đáng chú ý khi công ty có khoản nợ phải trả lên tới hơn 17.498 tỷ đồng, và vốn chủ sở hữu âm hơn 5.179 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối công ty âm hơn 6.079 tỷ đồng, trong đó, vốn góp ban đầu của chủ sở hữu là 900 tỷ đồng. Năm 2021, Xi măng Công Thanh cũng đã ghi nhận vốn chủ sở hữu âm gần 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 4.898 tỷ đồng. 

Trong năm 2022, Xi măng Công Thanh ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 1.595 tỷ đồng, giảm khoảng 900 tỷ so với mức 2.500 tỷ cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, trong kỳ Xi măng Công Thanh ghi nhận giá vốn 1.748 tỷ, vượt qua cả mức doanh thu trong ky, khiến lợi nhuận gộp âm hơn 153 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 244,4 tỷ đồng. 

Hình ảnh dự án điện khí của Công Thanh.

Hình ảnh dự án điện khí của Công Thanh.

Tuy nhiên, đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Xi măng Công Thanh là khoản mục chi phí tài chính, nhiều năm qua, Xi măng Công Thanh luôn phải chật vật để gánh khoản chi phí khổng lồ này. Cụ thể, năm 2022, công ty ghi nhận tới hơn 846 tỷ đồng chi phí tài chính, có giảm nhẹ so với con số 846 tỷ đồng đầu năm. Khoản chi phí này chủ yếu tới từ chi phí lãi từ các khoản vay, khiến đơn vị đang chịu áp lực rất lớn để duy trì hoạt động cũng như sắp xếp nguồn vốn để đầu tư.

Tính tới thời điểm cuối năm 2022, các khoản vay của Xi măng Công Thanh đang được bảo lãnh bởi 2 đối tác lớn là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng TMCP Sài gòn - Hà Nội (SHB), cùng khoản nợ trái phiếu là khoảng 7.450 tỷ đồng. Đồng thời, để bổ sung vốn lưu động duy trì hoạt động, phía công ty đang có khoản nợ bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, là lãnh đạo công ty với số tiền khoảng 340 tỷ đồng, có giảm khoảng 8 tỷ so với đầu năm. 

Như vậy, với nhiều khó khăn bủa vây, việc Công Thanh quyết tâm thực hiện dự án điện khí hàng chục nghìn tỷ đồng, đã khiến nhiều người hoài nghi về năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư và tính khả thi của dự án năng lượng rất được kỳ vọng tại xứ Thanh.   

Liên quan hoạt động đầu tư, trong một trao đổi với Người Đưa Tin, phía Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, tham mưu xử lý quyết liệt theo quy định đối với các dự án chậm tiến độ. Đồng thời, hàng năm, Sở KHĐT phối hợp với các Sở liên ngành xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra để đề xuất UBND tỉnh xử lý những dự án vi phạm. 

Về việc thẩm định năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư, phía Sở KHĐT cho rằng, mặc dù quy trình rất nghiêm ngặt, nhưng do các biến động phát sinh trong quá trình thực hiện khiến một số dự án bị chậm tiến độ. Đối với dự án chậm tiến độ với lý do khách quan, trên cơ sở các dự án cụ thể các đơn vị, ngành chức năng sẽ tham mưu đề xuất UBND tỉnh gia hạn tiến độ thực hiện.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ có những nhà đầu tư không còn đủ năng lực, xin dự án nhưng không triển khai mà mang tính chất "xí phần" nhằm trục lợi, thông qua lợi dụng các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như gia hạn, điều chỉnh tiến độ,... để không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, tiến độ. Đối với những dự án này, các đơn vị, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết thu hồi đối với các dự án vi phạm các quy định pháp luật tới mức phải thu hồi dự án.

 

Việt Phương

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục