Kinh doanh BĐS và bài học đắt giá sau khủng hoảng

(Kinhdoanhnet) - Thị trường bất động sản vừa trải qua thời kỳ sàng lọc khắc nghiệt nhất. đến thời điểm này, chỉ còn 2 loại doanh nghiệp tồn tại được với “cuộc chơi” bất động sản. Những doanh nghiệp đầu tư theo “phong trào”, đầu tư tràn lan dự án nhưng không triển khai đến đầu đến đũa đã phải trả giá bằng số phận của mình.

Kinh doanh BĐS và bài học đắt giá sau khủng hoảng - Ảnh 1
Thị trường bất đông sản đang có sự điều chỉnh, nhà đầu tư đã hướng vào nhu cầu thực, thay vì đầu tư theo kỳ vọng, phong trào như những năm trước.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP Invest). Theo đó, ông Hiệp cho rằng, thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ phát triển mới sau thời gian dài trầm lắng. Một trong 2 loại doanh nghiệp mà ông Hiệp nhắc tới là những doanh nghiệp thực sự lớn, có tiềm lực rất mạnh như: Vingroup, Him Lam, Bitexco. Và thứ hai là những doanh nghiệp “có nghề” kinh doanh bất động sản, biết tính toán căn cơ với từng dự án, làm dứt dự án này mới triển khai dự án khác.

Đồng ý kiến, ông Đào Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát chia sẻ, 3 năm qua, phần tối nhất của thị trường đã được phơi bày. Có những thời điểm tưởng chừng Hải Phát sẽ phải hầu tòa bởi kiện tụng của khách hàng do doanh nghiệp chậm thực hiện nghĩa vụ bàn giao nhà. Trong hoàn cảnh khó khăn, doanh nghiệp phải bán đi những tài sản quý giá và kết hợp với các đối tác, nhà đầu tư có tiềm lực để giải phóng hàng tồn kho.

“Nhiều dự án đã phải sang tay cho chủ mới, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phải vướng vòng lao lý. Ở thời điểm này, doanh nghiệp nào còn tồn tại được và có hoạt động đầu tư, kinh doanh là có cơ hội phát triển”, ông Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đầu tư Hải Phòng (CDI), đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, xu hướng chính của thị trường bất động sản hiện nay là các sản phẩm nhà ở giá rẻ, nguồn cung lớn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng lớn hơn. Điều này cho thấy, thị trường đã có sự điều chỉnh, nhà đầu tư đã hướng vào nhu cầu thực, thay vì đầu tư theo kỳ vọng, phong trào như những năm trước.

TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhận xét, từ năm 2004 đến 2014 là giai đoạn thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ, nhưng rất nhiều vấn đề của thị trường đã bộc lộ. Thời gian đầu, từ năm 2004 đến 2007, có những nơi, giá bất động sản tăng đến 300%. Từ năm 2011 đến 2013 là giai đoạn giá bất động sản đi xuống, có nơi xuống đến 50%. Niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư khủng hoảng nghiêm trọng, tín dụng đóng băng, thị trường không có tính thanh khoản. Từ tháng 9/2014 đến nay, với những tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô, thị trường ấm dần, giao dịch được cải thiện.

Thời thị trường bất động sản bị thổi giá, các nhà đầu tư đua nhau hùn vốn mua bất động sản nhằm kiếm lời. Tuy nhiên, sau khi thị trường sụt giảm mạnh. Các nhà đầu tư ôm nhiều hàng, giờ không có tiền nộp tiếp theo tiến độ khiến cho chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) đã có dấu hiệu hồi phục trở lại với việc khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở tăng, lượng giao dịch thành công ngày càng tích cực. Tuy nhiên, dù mới chỉ qua cơn bạo bệnh nhưng những mặt xấu của thị trường như đầu cơ, làm loạn giá đã xuất hiện trở lại.

Hầu hết các chuyên gia BĐS, các đơn vị tư vấn đều có chung nhận định, ngay từ giữa năm 2014, hiện tượng đầu cơ bắt đầu nhen nhóm xuất hiện trở lại sau nhiều năm vắng bóng. Thời điểm hiện tại, yếu tố này ngày càng rõ nét hơn khi thị trường đã ổn định, hồi phục song không phải diễn ra ở tất cả các dự án, mà chủ yếu tập trung vào các dự án tiềm năng, có thể tăng giá, thu lợi trong ngắn hạn.

Ông Phạm Thanh Hưng - Chủ tịch Công ty CEN Invest, nhà tư vấn phân phối BĐS lâu năm chia sẻ, dù khách hàng khi mua không nói mục đích sử dụng, song qua cách quan tâm đến những yếu tố cấu thành sản phẩm cũng có thể cảm nhận được. Khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở thường quan tâm đến vị trí, tiện ích, chất lượng căn hộ, còn khách đầu tư chỉ quan tâm đến giá, khả năng sinh lời nhanh. Thực tế, có rất nhiều khách sau khi đặt cọc mua căn hộ, chỉ trong thời gian ngắn đã tìm cách sang tên để thu về khoản lợi nhuận nhất định.

Ở một góc độ khác, Trưởng bộ phận Định giá và Tư vấn Tài chính của Savills Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nhận định: Đầu cơ là hoạt động không thể thiếu được của thị trường. Thậm chí, yếu tố này còn có tác động thúc đẩy thị trường phát triển. Nhưng với BĐS chỉ nên hạn chế ở tỷ lệ nhất định, tránh thị trường sai lệch, méo mó, giá cả bị lũng loạn, bởi đầu cơ chính là đối tượng thổi giá lên đồng thời cũng hạ giá xuống. Hơn nữa, đầu cơ luôn có tâm lý ăn xổi, không kiếm được lợi từ việc bán lại căn hộ sẽ quay ra trì hoãn đóng tiền, gây ảnh hưởng đến toàn bộ tiến độ công trình.

Dù không thể tuyệt đối kiểm soát được tình trạng đầu cơ, song các chuyên gia khuyến cáo khách hàng khi mua căn hộ nên tìm hiểu kỹ thông tin về DA, chủ đầu tư, đơn vị phân phối, tránh tình trạng bị lừa, mất tiền ôm rủi ro thay vì nhận căn nhà mơ ước. Với các chủ đầu tư cũng cần có nhìn nhận rõ ràng về đối tượng này để hạn chế nguy cơ ngay từ bước bán sản phẩm ra thị trường, hạn chế thiệt hại cho chính mình vì giá bán.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Báo Đầu tư,Kinh tế đô thị)

 

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục