Thói quen là những thứ giúp chúng ta đạt đến mục tiêu của mình, và mục tiêu làm giàu của chúng ta chỉ có thể đạt được qua thói quen tiết kiệm.
Tiết kiệm trước rồi mới chi tiêu
Thông thường, sau khi trừ đi những khoản chi tiêu hàng tháng và các loại thuế, bạn thường nhận ra rằng có lẽ bây giờ chưa phải là lúc để bạn bắt đầu tiết kiệm vì số tiền còn lại có thể là quá ít ỏi. Thế nhưng, bạn có biết rằng nếu bạn cứ tiếp tục chi tiêu như vậy, sẽ chẳng biết tới khi nào bạn mới có thể bắt đầu kế hoạch tích luỹ cho chính bản thân mình.
Vì thế, chúng ta cần một sự thay đổi nhỏ ở đây. Thay vì sử dụng toàn bộ số tiền bạn kiếm được hàng tháng, hãy trích ra một khoản nhỏ để tiết kiệm ngay từ ban đầu, sau đó cân nhắc chi tiêu số còn lại. Thoạt nhìn 2 cách làm này khá tương tự nhau, nhưng về hiệu quả thì lại khác nhau hoàn toàn.
Tiết kiệm trước rồi mới chi tiêu. Ảnh minh họa
Nancy Butler, một chuyên gia trong lập kế hoạch tài chính tại Mỹ cho biết: “Hầu hết mọi người thường chi tiêu trước và chỉ tiết kiệm số còn lại. Lý do là khi tài khoản của bạn tăng lên, theo một lẽ tự nhiên, các nhu cầu của bạn cũng sẽ tăng theo, như vậy sẽ thật khó để khiến bạn dừng lại chừng nào bạn vẫn còn tiền trong tài khoản".
Vì thế, kế hoạch tiết kiệm của bạn sẽ hoàn toàn khả thi nếu như bạn trích ra một khoản để tiết kiệm ngay từ khi mới nhận lương, đóng thuế rồi mới cân nhắc số còn lại cho hợp lý. Tuy nhiên, chớ nên hiểu lầm rằng bạn phải tiết kiệm 50% thu nhập của mình rồi sống “cầm hơi” qua ngày.
Cũng đừng đánh giá thấp con số 5% vì dù sao như vậy vẫn tốt hơn là không tiết kiệm một chút nào. Thử làm phép nhân 5% với toàn bộ thời gian làm việc của bạn cho tới lúc nghỉ hưu, con số mà bạn nhận được sẽ chẳng hề nhỏ bé.
Tiết kiệm 10% tổng thu nhập của bạn hằng tháng
Đối với nhiều người, điều này nghe thật dễ dàng và thực tế, còn đối với người khác thì điều này nghe dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Khả năng tiết kiệm của bạn phụ thuộc vào thu nhập và thói quen chi tiêu của bạn.
Lời khuyên là hãy nhìn vào thu nhập của bạn, tính ra xem 10% của số thu nhập đó là gì và tính xem bạn liệu có thể không đụng đến số tiền đó không. Nếu bạn nhận ra rằng bạn phải dùng đến số tiền đó, hãy nhìn xem bạn đang chi tiêu cho những thứ gì và chi bao nhiêu. Rồi từ đó bắt đầu gạch đi những món hàng không cần thiết và cứ thế tính ngược lên những món quan trọng hơn.
Chuyển những món tiền nhận thêm vào quỹ tiết kiệm
Những số tiền như tiền hoàn thuế, tiền thưởng từ công việc, hay thậm chí là tiền mừng sinh nhật hay chúc Tết từ ông bà, cha mẹ, bạn đều hãy chuyển chúng vào quỹ tiết kiệm. Vì dù sao những món tiền này là những món tiền nhận thêm ngoài dự kiến nên bạn vẫn có thể sống mà không có nó. Hãy đặt chúng vào những quỹ tiết kiệm mà bạn đã tạo ra cho tương lai của mình như tiền để nghỉ hưu, tiền đầu tư lâu dài.
Việc bỏ tiền vào những quỹ tiết kiệm trên là những cách xài tiền đúng đắn. Một bước quan trọng cần thêm vào nữa là hãy tìm hiểu và học về các công cụ đầu tư tài chính khác nhau để đảm bảo bạn không lãng phí số tiền tiết kiệm của mình.
Kiếm ra tiền từ việc làm thêm? Hãy tiết kiệm chúng
Tại sao bạn lại kiếm tiền từ những việc phụ? Thường thì mọi người nói rằng họ muốn kiếm thêm tiền từ việc phụ để có cuộc sống tốt hơn. Họ làm thêm là để đạt được chuyến du lịch mơ ước, mua một chiếc xe hơi mới hoặc là để trả học phí. Đây đều là những thứ đáng để bạn chi tiền làm thêm vào. Hãy cố gắng tránh dùng tiền làm thêm cho các chi phí sinh hoạt hằng ngày.
Tiền kiếm thêm của bạn có thể mua cho bạn được nhiều thứ hơn chỉ là một vài chai rượu mắc tiền hoặc món đồ thời thượng mới ra. Tiền tiết kiệm nên được dùng để đạt được các mục tiêu tài chính lâu dài trong cuộc đời.
Đừng mua một món hàng chỉ vì nó đang được giảm giá
Một vài người nhìn thấy chữ “Giảm giá” và họ nghĩ ngay rằng: “Mình cần phải mua nó trong lúc còn chưa hết.” Điều đó hoàn toàn khác với suy nghĩ như sau: “Mình đã lên kế hoạch mua món hàng này từ lâu, nhưng giờ nó đang được giảm 40%, mình cần phải mua nó ngay.” Đừng bao giờ nên mua một món hàng chỉ vì nó đang được giảm giá.
Nếu bạn làm như thế thì cuộc sống của bạn sẽ mau chóng trở nên rối loạn và căng thẳng. Chúng ta đang sống trong một thế giới bị ám ảnh bởi việc sở hữu vật chất và bạn sẽ chỉ càng căng thẳng thêm nếu bạn mua những món hàng không cần thiết. Hãy tự hỏi bản thân bạn rằng, liệu món hàng này có mang lại giá trị lâu dài nào cho bạn hay là chúng có giúp bạn trở thành một người tốt hơn? Nếu chúng không mang lại giá trị gì lâu dài cả thì đừng mua chúng.
"Kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ"
Nếu bạn chỉ có thể tiết kiệm được vài đôla mỗi tuần, có lẽ tiêu chúng sẽ đơn giản hơn. Tuy vậy nếu tiết kiệm được 15 USD một tuần thì sau 20 năm bạn sẽ có được hơn 62.000 USD (tính cả lãi suất 8%). Còn nếu con số tiết kiệm hàng tuần là 30 USD, thì cuối cùng bạn sẽ có hơn 124.000 USD.
Kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ. Ảnh minh họa
Như vậy liệu có đủ cho bạn dưỡng già? Chắc là không, nhưng đây rõ ràng không phải một khoản tiền nhỏ. Hãy tưởng tượng xem con số sẽ có ý nghĩa ra sao nếu sau này bạn dành khoản đó để mua nhà, hoặc để cho con hay cháu bạn vào ngày sinh nhật thứ 25 của chúng.
Những người lắm tiền hiểu rằng "kiến tha lâu cũng đầy tổ". Họ có thể bán đồ trên eBay, mở tài khoản ngân hàng ưu đãi và nhiều điều khác nữa. Họ không tự cho phép mình tiêu tiền, thay vì thế họ nghĩ xem làm thế nào để nhân chúng lên nhiều lần.
Hãy bắt đầu tiết kiệm ngay từ bây giờ
Nếu bạn đang ở độ tuổi 20 hay 30, về hưu xem chừng còn quá xa vời và việc tiết kiệm cho lúc đó xem ra chưa phải là việc ưu tiên lúc này.
Điều này cũng khá dễ hiểu khi mà bạn còn đang phải dành một khoản tiền không nhỏ cho các buổi tiệc, mừng đám cưới, trả tiền nhà và sử dụng nốt phần còn lại cho những điều cần thiết cho tuổi trẻ như đi du lịch nước ngoài hay mua sắm một vài món đồ thời thượng.
Hãy thử với một ví dụ đơn giản như thế này, giả sử bạn đang 30 tuổi và mỗi tháng bạn chuyển 50 USD vào tài khoản tiết kiệm của mình với lãi suất 7%, sau 20 năm số tiền mà bạn nhận được sẽ lên tới 56.000 USD.
Trong khi đó, nếu như bạn chờ tới năm 40 tuổi để bắt đầu tiết kiệm, hàng tháng bạn sẽ phải bỏ ra 110 USD để có thể đạt được con số trên ở độ tuổi 50.
Còn nếu như bạn bắt đầu kế hoạch của mình từ độ tuổi 20, con số mà bạn phải bỏ ra hàng tháng sẽ còn thấp hơn rất rất nhiều.
Tiết kiệm là một việc khó khăn và tạo ra thói quen tiết kiệm còn khó hơn nữa. Nếu bạn dành thời gian để khắc sâu thói quen tiết kiệm vào tâm trí và rèn luyện tính kỉ luật, chúng sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho bạn sau này.
Trâm Anh