Kích thích tín dụng: bài toán khó cho các ngân hàng thương mại

Các NHTM hiện nay đang dư thừa một lượng vốn khá lớn. Cơ cấu thu nhập chính của các ngân hàng thương mại (NHTM) lại chủ yếu đến từ tín dụng. Vì thế sức ép lớn nhất với các ngân hàng hiện nay là làm sao để đồng vốn ra được với nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm một loạt lãi suất từ ngày 18/3; trong đó lãi suất tái cấp vốn từ 7% xuống còn 6,5%, hạ trần lãi suất huy động từ 7% xuống 6%.

Mới đây, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng của Vietcombank chỉ còn 5%/năm, kỳ hạn từ 2 tháng đến 9 tháng lần lượt từ 5,1% - 5,9%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng cũng giảm từ 6%/năm xuống còn 5,9%/năm. Đáng chú ý là lãi suất huy động các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 60 tháng cũng lùi về mức 7%/năm.

Tương tự, nhân viên Ngân hàng Công thương (Vietinbank) chi nhánh TP HCM, cho biết ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn vào cuối tuần trước. Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại Vietinbank là 7% dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Trước đó, mức lãi suất kỳ hạn dài đã được giảm từ 7,8%/năm xuống còn 7,5%/năm.

Ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần, từ cuối tháng 5, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng áp dụng biểu lãi suất mới, theo hướng giảm thêm lãi suất tiền gửi. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-3 tháng là 5,7%/năm, từ 4-5 tháng là 5,98%/năm… Ở kỳ hạn dài, mức lãi suất cao nhất cũng chỉ 7,8%/năm cho kỳ hạn từ 24-60 tháng

Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng dao động từ 5,5%/năm đến 5,6%/năm và kỳ hạn dài trên 12 tháng cao nhất là 7,6%/năm…

Kích thích tín dụng: bài toán khó cho các ngân hàng thương mại - Ảnh 1

 

Tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm hiện tại vẫn âm, cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ còn đóng băng trừ khi những cải cách thực sự quan trọng được tiến hành để giải quyết vấn đề nợ xấu. Nguồn vốn tiền đồng dư thừa trong hệ thống phản ánh nhu cầu vay thấp. Việc giảm lãi suất huy động tiền đồng và giảm lãi suất tái cấp vốn là những nỗ lực của NHNN để hỗ trợ nền kinh tế đang bị “bủa vây”.

Hơn nữa, việc giảm trần lãi suất huy động sẽ có nhiều khả năng khiến cho người dân gửi tiết kiệm theo đuổi các hình thức đầu tư tài sản khác với lãi suất cao hơn, thay vì thúc đẩy các hoạt động của nền kinh tế. Và trong bối cảnh lãi suất cho vay qua đêm hiện tại ở mức 1,3% và lãi suất thị trường mở (OMO) ở mức 5,5% (nhiều khả năng giảm xuống 5% vào ngày mai), các điều kiện cấp vốn tiền đồng rẻ cho thấy lãi suất không phải là nguyên nhân chính đứng đằng sau hiện tượng tăng trưởng tín dụng trì trệ của Việt Nam.

Vì vậy, việc cắt giảm lãi suất sẽ không có ảnh hưởng lớn đến việc tăng trưởng cho vay. Một khi các khoản nợ xấu vẫn còn chưa được giải quyết, ngân hàng sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay được. Điều đó có nghĩa rằng nhu cầu nội địa ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục trì trệ khiến cho tăng trưởng sẽ vẫn nằm dưới mức khuynh hướng chỉ khoảng 5,6% trong năm 2014. Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển với nền kinh tế không đồng đều, trong đó những doanh nghiệp thiên về xuất khẩu sẽ nổi trội hơn trong khi những doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa sẽ chịu những điều kiện tín dụng khó khăn và nhu cầu trì trệ.

Ngoài ra, trong trường hợp sức khỏe doanh nghiệp đã yếu mà chúng ta vẫn tiếp tục bơm vốn thì chẳng qua đó chỉ là giải pháp tình thế để hồng hào một cách giả tạo. Sau một thời gian các doanh nghiệp yếu vẫn tiếp tục yếu và cái yếu của các doanh nghiệp khi đó chuyển sang cái yếu của các ngân hàng và từ đó chính là gánh nặng cho nền kinh tế.

Hiện nay có khoảng 1/3 doanh nghiệp thuộc nhóm “sức khỏe” tốt nhưng vì tổng cầu yếu nên họ không tăng đầu tư, NHTM tới năn nỉ, săn đón cỡ nào họ cũng không vay. Bây giờ vấn đề chính sách làm sao về thể chế, cải cách để tạo niềm tin số 30% này tăng đầu tư, không lo lắng gì cả vì đây là số khách hàng “sộp” cho NHTM, rồi sau đó lo cho nhóm còn lại.

Tại một số địa phương như TP.HCM đã chủ động, cùng với Ngân hàng Nhà nước phối hợp một chương trình kết nối doanh nghiệp, đến từng doanh nghiệp cùng với nhà nước, hiệp hội, ngân hàng để làm sao không bị cứng nhắc về tín dụng và tháo gỡ về vốn cho doanh nghiệp.

N.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục