Từ một khu chợ đông đúc, sầm uất, chợ hải sản Hoa Nam Trung Quốc vẫn bị phong tỏa toàn diện và đối mặt với nguy cơ bị tháo dỡ.
Vào ngày 1/1/2020, Cục Quản lý Giám sát thị trường quận Hán Giang kết hợp với Phòng y tế quận Hán Giang, thành phố Vũ Hán đã ban hành "Thông báo về việc đóng cửa chợ".
"Theo Quy định của điều lệ quy chế gồm Điều lệ ứng phó khẩn cấp với sự cố y tế công cộng bất ngờ của Quốc vụ viện và thông báo về tình hình viêm phổi hiện nay ở thành phố của Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán, sau khi cân nhắc, đã quyết định đóng cửa Chợ đầu mối hải sản Hoa Nam, tiến hành chỉnh đốn vệ sinh môi trường. Rất mong các tiểu thương tích cực hợp tác, thời gian mở cửa sẽ được thông báo sau", thông báo nêu rõ.
Sau đó khoảng 3 tuần, khi trở thành ổ dịch lớn nhất, nghiêm trọng nhất trên thế giới, thành phố Vũ Hán đã bị phong tỏa.
Đến nay, Vũ Hán đã được dỡ phong tỏa hơn một năm, nhịp sống thường nhật đã trở lại, kinh tế thành phố cũng trên đà hồi phục mạnh mẽ nhưng chợ hải sản Hoa Nam - nơi phát hiện đầu tiên phát hiện đại dịch toàn cầu - đang ở trong trạng thái như thế nào?
Từ đông đúc, sầm uất
Chợ đầu mối hải sản Hoa Nam nằm trên tuyến đường sầm uất thuộc khu vực Vành đai 2, khu vực trung tâm của thành phố Vũ Hán với tổng diện tích 50.000 m2, cách ga Hán Khẩu 800 m, với nhiều tòa nhà văn phòng và khu dân cư vây quanh. Trong chợ là ki-ốt của hơn 1.000 hộ kinh doanh, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng thịt động vật và hải thủy sản. Chợ hoạt động gần như 24/24h, lưu lượng người và xe vận chuyển hàng hóa qua lại vô cùng lớn.
Một chi tiết đáng chú ý là, mặc dù được gọi là chợ hải sản nhưng nơi đây bày bán rất nhiều động vật hoang dã.
Từ Thiên Tân đến Quảng Tây, một số lượng lớn người săn bắn chim đã đổ xô lùng bắt chim di cư và đưa chúng đến chợ hải sản Hoa Nam để bán.
Đây là một ki-ốt chuyên kinh doanh động vật hoang dã nằm ở khu vực phía đông khu chợ.
Bảng giá động vật hoang dã được bày bán trong một quầy hàng ở chợ Hoa Nam.
Loại đắt nhất là nai nhỏ còn sống, giá 6.000 NDT; rẻ nhất là rết, 5 NDT/con; ngoài ra, đà điểu sống 4.000 NDT/con; chim công và cáo sống đồng giá 500 NDT/con. Trong bảng giá vẫn còn một phần nhỏ động vật khác không được ghi giá.
Theo đánh giá, do các ki-ốt bày bán đủ loại động vật hoang dã nên thoạt nhìn, trông rất giống một sở thú, đủ chủng loại như lửng chó, nhím, sóc đất, hoẵng, cầy vòi mốc....
Gần những ki-ốt kinh doanh động vật hoang dã, môi trường khá mất vệ sinh với xác cùng nội tạng động vật vương vãi khắp mọi nơi, điều này được cho đã tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh chóng.
Do đó, vào tháng 12/2019, nhiều người nhiễm Covid-19 được phát hiện có liên quan đến khu chợ và đến ngày 31/12, khu chợ được tiến hành khử trùng toàn diện.
Tới ngày 1/1/2020, khu chợ bị niêm phong, cơ quan quản lý tiến hành thu hồi mặt bằng, thanh lý hợp đồng kinh doanh đối với các thương nhân.
"Ngay này đầu năm, tôi chẳng buôn bán được gì", một tiểu thương nhân của chợ chia sẻ với báo Tân Kinh (Trung Quốc).
"Cổng chợ bị niêm phong từ ngày mùng 1 (tháng 1/2020) rồi", một tiểu thương khác chia sẻ. "Họ trả lại 3 tháng tiền thuê cho chúng tôi, hơn 8.000 NDT".
Tới hoang tàn, cô liêu
Tới nay, đã hơn 1 năm trôi qua, nhưng chợ hải sản Hoa Nam vẫn ở trạng thái phong tỏa toàn diện với những bức tường sắt màu xanh kiên cố vây quanh bốn mặt chợ.
Nhìn từ ảnh có thể thấy những ki-ốt bên trái và bên phải, là một phần của khu chợ hải sản lớn nhất miền Trung Trung Quốc, hiện bị đóng cửa. Phóng viên chỉ có thể quan sát từ bên ngoài, thông qua khe cửa, chứng kiến một khu chợ vốn rất tấp nập trở nên hoang tàn, không một bóng người.
Được biết, ngay sau khi đóng cửa chợ, các thương nhân đã đồng loạt chuyển tới khu chợ thực phẩm khác ở phía bắc Hán Khẩu.
"Gia đình tôi vốn dựa vào chợ hải sản Hoa Nam để làm ăn nuôi sống gia đình. Giờ bị đóng cửa một năm rồi, thực sự cảm thấy không thoải mái chút nào", một tiểu thương chia sẻ.
"Tương lai không biết có bị phá bỏ hay không, nếu thật chắc tôi không đành lòng", một tiểu thương khác nói.
Chợ hiện không một bóng người, chỉ còn trơ trọi vài chiếc xe ba gác, tủ đông... của những tiểu thương cũ.
Hàng hóa trong các tủ đông đều đã được chuyển đi, biển hiệu cũng được dỡ xuống.
Cửa ki-ốt được mở một nửa nhưng bên trong hoàn toàn không có người.
Một nhân viên môi trường làm việc tại khu vực này cho biết, sau khi chợ bị đóng cửa, thường xuyên có người đến hỏi thăm.
"Đến bây giờ chợ đã đóng cửa được hơn một năm, nhưng ngày nào cũng có người đến hỏi, khi nào thì chợ được mở cửa trở lại", bà này nói.
Một cảnh sát khu vực tiết lộ, lưu lượng xe cộ qua lại những tuyến đường đi qua khu vực chợ Hoa Nam ít hơn nhiều so với những tuyến đường phụ cận. Một thời gian trước, người dân thậm chí còn không dám đi qua khu vực này.
Trong khi nhân viên chính quyền quận Giang Hán nói rằng, chợ không thể mở lại và có khả năng bị dỡ bỏ.
Một nhân viên khác làm tại bộ phận quy hoạch của quận Giang Hán cho biết thêm: "Hiện nay, chúng tôi mới chỉ đưa ra kế hoạch còn thực hiện cụ thể như thế nào sẽ dựa cào thông báo chi tiết".
Khi được hỏi kế về kế hoạch sau khi dỡ bỏ, chính quyền quận cho hay họ vẫn chưa có kế hoạch.
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết