Bức tranh kinh tế nhiều khởi sắc
Từ đầu năm đến nay, kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng có nhiều diễn biến tích cực. Việc điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần tích cực vào thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ: mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm so với cuối năm 2013; ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước bỏ trần lãi suất với kỳ hạn trên 6 tháng thì mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng cũng vẫn rất ổn định và không có sự cạnh tranh lôi kéo người gửi tiền lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng.
Trao đổi với báo giới về quyết định này, sáng nay 19/6, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức thấp trong 5 tháng đầu năm, tỷ giá đã ổn định trong hơn 1 năm qua.
Cùng với đó, “Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD, cán cân tổng thể thặng dư trên 10 tỷ USD đã giúp cho Ngân hàng Nhà nước mua được ngoại tệ lớn, tăng mức dự trữ kỷ lục lên 35 tỷ USD. Trong điều kiện lạm phát thấp, quyết định điều chỉnh tỷ giá từ ngày hôm nay của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ xuất khẩu, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế”, bà Hồng nhấn mạnh.
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đến nền kinh tế, bà Hồng cho rằng: Từ đầu năm, NHNN đưa ra định hướng điều hành kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và mục tiêu tăng dự trữ ngoại hối. Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá này nằm trong định hướng điều hành từ đầu năm, trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ đảm bảo.
“Điều chỉnh tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu, hiện nay sức cầu của nền kinh tế rất yếu, tăng tín dụng toàn hệ thống so với mục tiêu từ đầu năm đề ra vẫn ở mức thấp. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn, tiếp cận vốn không dễ. Tăng trưởng kinh tế có thể dựa vào cầu trong nước và nước ngoài, hiện cầu trong nước quá thấp. Còn xuất khẩu 5 tháng khả quan, tăng 15,4%, do đó, việc điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu”, bà Hồng nói.
Cũng theo bà Hồng, xét về kinh tế vĩ mô, lạm phát tháng 5 vẫn đang kiểm soát ở mức thấp tăng 1,08% so với cuối năm 2013. Mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 6% hoàn toàn thực hiện được, việc tăng tỷ giá hoàn toàn không lo ngại tác động đến lạm phát.
Về doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, bà Hồng cho rằng, định hướng điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm, bản thân các tổ chức trên đã nắm được. “Các tổ chức tín dụng trong các tháng đầu năm đã bán âm trạng thái ngoại tệ của mình, họ cũng mua ngoại tệ từ doanh nghiệp và người dân bán cho Ngân hàng Nhà nước, vì vậy Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng ngoại tệ lớn. Với việc toàn hệ thống bán âm như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá ảnh hưởng đến chi phí của các tổ chức tín dụng”, bà Hồng cho biết.
Đề cập tới định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước vừa “nới” trần tỷ giá, bà Hồng cho hay: Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến vĩ mô, hoạt động của ngân hàng để có phản ứng linh hoạt. Ngành ngân hàng cũng sẽ kết hợp đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, kể cả nội và ngoại tệ làm sao đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Ảnh hưởng đến chi phí tài chính của các TCTD
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó có định hướng điều hành tỷ giá đã được Ngân hàng Nhà nước đề ra và thông báo ngay từ đầu năm. Do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng đã cân nhắc đến những định hướng này trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình.
Đối với các tổ chức tín dụng, qua theo dõi, trong những tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã tăng cường bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước, nguồn ngoại tệ các tổ chức tín dụng bán cho Ngân hàng Nhà nước không chỉ từ nguồn ngoại tệ mua được của doanh nghiệp và người dân, mà còn bán âm trạng thái ngoại tệ của mình. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng ngoại tệ rất lớn để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước (5 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước mua được trên 10 tỷ USD).
Theo số liệu tổng hợp từ các tổ chức tín dụng, hệ thống hiện nay đang có trạng thái ngoại tệ âm, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ ảnh hướng đến chi phí tài chính của hệ thống các tổ chức tín dụng, tuy nhiên điều chỉnh tỷ giá sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo điều kiện ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
Thế Anh (Tổng hợp)