Khối ngoại "tham vọng" lấn sân vào thị trường bán lẻ

Nhiều ngân hàng nước ngoài như HSBC, ANZ, Standard Chartered, Shinhan Vina… đã không giấu tham vọng muốn tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam.

Hướng đi cho ngân hàng nội

Trong vài năm gần đây, các ngân hàng trong nước đã định hướng phát triển theo hướng mới đó là đẩy mạnh hoạt động bán lẻ. Hàng loạt các ngân hàng như SHB, Techcombank, Vietcombank, VIB, ... đều thông báo tăng trưởng về lợi nhuận trong mảng bán lẻ và tất cả đều khẳng định sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ này. Với Vietcombank, VietinBank - huy động vốn từ bán lẻ chiếm hơn 50%; dịch vụ chiếm từ 12- 15%; các ngân hàng nhỏ hơn huy động vốn chiếm hơn 80%, thu từ dịch vụ bán lẻ chiếm hơn 20%...

Tính đến cuối năm 2013, số lượng thẻ phát hành đã đạt trên 66 triệu thẻ (trên 90% là thẻ ghi nợ nội địa).

Số lượng giao dịch bình quân hàng ngày khoảng 140.000 giao dịch với giá trị giao dịch trung bình khoảng 160.000 tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh tốc độ thanh toán và luân chuyển vốn trong nền kinh tế.

Doanh thu của các NHTM vẫn dựa chủ yếu từ cho vay trong khi hoạt động cho vay là một lĩnh vực nhiều rủi ro.

Mặc dù cho vay là một lĩnh vực nhiều rủi ro nhưng hơn 80% doanh thu của ngân hàng nội đến từ hoạt động này. Tỉ lệ thu nhập từ hoạt động dịch vụ trên lợi nhuận trước thuế trung bình của 7 ngân hàng niêm yết (gồm VietinBank, BIDV, Eximbank, Vietcombank, Ngân hàng Quân Đội, Ngân hàng Á Châu và Sacombank) đã tăng từ mức 19,9% năm 2012 lên mức 22,7% vào năm 2013.

Các dịch vụ bán lẻ của NHTM Việt Nam ngày càng đa dạng, trở nên đồng đều hơn, tạo cho khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn.

Sản phẩm của ngân hàng điện tử ngày càng trở nên rộng rãi và phổ biến: cụ thể như, năm 2004 chỉ có 3 NHTM triển khai dịch vụ Internet banking thì đến năm 2008 lên tới 25 ngân hàng, chủ yếu là cung cấp thông tin, thanh toán hoá đơn định kỳ, chuyển tiều trong hệ thống, trong đó có 5 NHTM là Đông Á, Kỹ thương, Á châu, Citibank Việt Nam, Indovina là chuyển khoản ra ngoài hệ thống trong tổng số 11 ngân hàng có chức năng chuyển khoản trực tuyến. Ngoài ra 3 NHTM là Đông Á, Vietcombank, Kỹ thương và Á châu thực hiện đầy đủ cả 3 nội dung của Internet banking là cung cấp thông tin, giao tiếp và giao dịch. Riêng NHTMCP Á châu triển khai dịch vụ này, dịch vụ Home banking, Mobile Banking, Phone banking tới tất cả khách hàng cá nhân có tài khoản tiền gửi thanh toán tại ngân hàng. Không chỉ được sử dụng các tiện ích khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, khách hàng còn được hưởng ưu đãi về phí dịch vụ.

Khối ngoại "tham vọng" lấn sân vào thị trường bán lẻ - Ảnh 1
Số lượng thẻ phát hành đã đạt trên 66 triệu thẻ.

Về dịch vụ Inernet banking: khối NHTMCP nhanh và thực hiện toàn diện hơn các tiện ích của ngân hàng điện tử so với khối NHTMNN; khối NHTM có yếu tố nước ngoài thực hiện dịch vụ này với các tiện ích và chất lượng vượt trội so với NHTM Việt Nam (HSBC Việt Nam được Global Finance bình chọn là ngân hàng có dịch vụ Inernet banking tốt nhất Việt Nam năm 2009).

Hiện nay, dịch vụ thẻ ngày càng trở nên phổ biến trong các tầng lớp dân cư, các doanh nghiệp với nhiều tiện ích, nhiều loại thẻ tín dụng. Theo thống kê của NHNN, hệ thống ngân hàng có gần 9.000 máy ATM, hơn 28.000 điểm chấp nhận thẻ (POS), 9/41 tổ chức đã phát hành và thanh toán bằng thẻ chip với hơn 28.000 thẻ. Hiện nay có 13.500 máy POS và 2.000 máy ATM đã chấp nhận thanh toán bằng thẻ chip. Riêng ACB đã phát hành hơn 38.000 thẻ tín dụng quốc tế và 205.000 thẻ thanh toán quốc tế cho đến nay.

Các sản phẩm liên kết, bán chéo sản phẩm tài chính, được triển khai ngày càng nhiều, ví dụ Bancasurrance (liên kết ngân hàng - bảo hiểm), đem lại khoản thu cho ngân hàng, phát triển khách hàng, tạo ra tiện ích đa dạng hơn. Các sản phẩm này được nhiều ngân hàng ứng dụng như BIDV, Vietcombank…. Hay như hợp tác giữa Sacombank và PVN trong cho vay tiêu dùng và sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, NH ABBank và Prudential Việt Nam (PVN) mở các điểm giao dịch ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, HDBank và ACE Life, Standard Chartered Bank - SCB và PVN… đã cho thấy triển vọng của dịch vụ bán chéo sản phẩm tài chính ở Việt Nam. Riêng Prudential đã thành công với mô hình này với hơn 70 quan hệ hợp tác ở 12 quốc gia châu Á.

Hiện nay, dịch vụ bán lẻ của NHTM phát triển dựa nhiều vào ứng dụng hệ thống công nghệ. Ngày càng nhiều NHTM Việt Nam ứng dụng công nghệ hiện đại với chi phí lớn và diện phủ sóng rộng. Công nghệ thông tin trở thành kênh phân phối quan trọng và không thể thiếu của các DVNH điện tử nói riêng và hoạt động của ngân hàng nói chung. Các NHTM lớn như Vietinbank sử dụng hệ thống INCAS, Agribank sử dụng hệ thống IPCAS… trong toàn hệ thống.

Để đẩy mạnh phát triển với mảng bán lẻ, ngân hàng đã đưa ra hàng loạt sản phẩm như thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ nước ngoài, thẻ tín dụng, các hoạt động cho vay tiêu dùng có thế chấp, tín chấp. Ngoài ra, còn có các dịch vụ đi kèm như tiện ích thanh toán thông qua thẻ, qua internet…

Mặc dù các sản phẩm của ngân hàng ngày càng đa dạng hơn, nhưng trên thực tế, tỉ lệ thâm nhập thị trường của ngân hàng mới chỉ đạt 21%, tương đối thấp so với các nước trong khu vực, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VPBS về ngành ngân hàng hồi đầu tháng 5.

Để phát triển mảng bán lẻ, cách làm truyền thống của nhiều ngân hàng nội là mở rộng quy mô chi nhánh và phòng giao dịch. Một chi nhánh được mở ra đồng nghĩa với khả năng thu hút một lượng khách hàng trong khu vực và tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng thông qua hệ thống nhận diện thương hiệu (qua các bảng hiệu, máy ATM…).

Thực tế cho thấy đối với các ngân hàng có quy mô lớn hơn, đóng góp của hoạt động dịch vụ vào tổng thu nhập cũng cao hơn so với những ngân hàng có quy mô nhỏ. Theo báo cáo của KPMG năm 2013, tỉ trọng thu nhập ngoài lãi của 4 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất ở Việt Nam lên tới 19%, trong khi con số trung bình ngành chỉ là 14%.

Hay ở ngân hàng Sacombank, năm 2013, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Sacombank tăng đến 38%, cao nhất trong nhóm các ngân hàng niêm yết. Sacombank được biết đến như là ngân hàng có quy mô bán lẻ lớn nhất trong khối ngân hàng tư nhân với hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch dẫn đầu.

Ngân hàng ngoại “tham vọng”

Không chỉ ngân hàng nội tập trung phát triển trở lại mảng bán lẻ ngân hàng ngoại để ý từ lâu sân chơi này từ lâu và thời gian gần đây càng được đẩy mạnh phát triển. Như HSBC vừa tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên mức 7.528 tỷ đồng hay ANZ đã đưa ra một chiến lược cạnh tranh khá rõ ràng cho thị trường bán lẻ Việt Nam.

Đồng thời, HSBC cũng vừa đưa ra chiến dịch tiếp thị mới cho khối dịch vụ khách hàng cao cấp Premier. Qua chiến dịch này, Ngân hàng tiếp tục củng cố cam kết giúp khách hàng hiểu rõ và tổ chức các nguồn lực tài chính theo hình thức nguồn lực kinh tế cá nhân. Trong 2 năm qua, HSBC Việt Nam đã đầu tư vào dịch vụ quản lý tài sản và công nghệ kỹ thuật số để bảo đảm đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng Premier toàn cầu.

Ông Godfrey Swain, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản HSBC Việt Nam cho biết, kể từ khi ra mắt dịch vụ khách hàng cao cấp Premier vào năm 2007, các khách hàng cao cấp có nhu cầu giao dịch quốc tế ngày càng tăng.

Việt Nam vẫn được xem là một thị trường khá màu mỡ để phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng bán lẻ. Đây cũng là cái đích mà nhiều ngân hàng ngoại đang nhắm đến. Tuy nhiên, theo ông Sanjoy, để thành công trong bán lẻ, đòi hỏi ngân hàng phải xây dựng được đội ngũ bán hàng tốt đi kèm kiểm soát rủi ro tốt nhất.

ANZ sẽ đẩy mạnh tăng trưởng thẻ tín dụng, nhưng mục tiêu đặt lên hàng đầu của Ngân hàng là kiểm soát được rủi ro, không tăng trưởng quá đà.

Ông Sanjoy Sen, Giám đốc phụ trách Khối ngân hàng bán lẻ, ANZ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, đối với thẻ tín dụng, nếu không kiểm soát tốt, rủi ro sẽ rất lớn. Mặt khác, đối với khách hàng cá nhân, các sản phẩm, dịch vụ đưa ra phải có sự cam kết dài hạn, nếu không sẽ khó đem lại thành công.

Năm 2013, ANZ đã được nhận danh hiệu “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất tại Việt nam” do tạp chí Asian Banker trao tặng vào cuối tháng 3 vừa qua. Ông Sanjoy Sen cũng cho biết: Việt Nam chính là một thị trường trọng điểm của ANZ.

Khối ngoại "tham vọng" lấn sân vào thị trường bán lẻ - Ảnh 2
ANZ nhận danh hiệu " Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam".

Vừa qua, ANZ đã chuyển phòng giao dịch từ quận 1 về khu vực Tân Bình với mục đích là đặt ở khu vực tập trung nhiều công ty và khách hàng tiềm năng, đặc biệt là khách hàng có mức thu nhập cao và trung bình khá.

Có thể thấy, các ngân hàng ngoại đã khá khôn ngoan khi tập trung vào nhóm đối tượng này, vì ngoài việc sẵn lòng trả phí dịch vụ cao hơn, họ có hiểu biết về dịch vụ ngân hàng và ưa thích sử dụng chúng.

Một khó khăn là các ngân hàng ngoại như ANZ và HSBC lại bị giới hạn về việc mở thêm chi nhánh và không thể so sánh về quy mô chi nhánh với các ngân hàng nội. Do đó, chiến lược của họ là phát triển thêm các kênh tiếp cận khác nhau đến khách hàng.

Ông Sanjoy cho rằng: trong thời đại công nghệ, chi nhánh chỉ là một trong những kênh tiếp cận khách hàng; các kênh khác cũng đặc biệt quan trọng như kênh tư vấn qua điện thoại hay tư vấn trực tiếp. Nhưng việc tiếp thị qua những kênh này cũng có khó khăn riêng của nó. Cụ thể như với ANZ: phải kiểm soát chất lượng dịch vụ với hơn 1.000 nhân viên bán hàng. HSBC cũng rất xem trọng việc này. Ngân hàng này đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên tư vấn không chỉ dựa trên doanh thu mang về, mà còn dựa vào chất lượng dịch vụ họ cung cấp cho khách hàng.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered, Shinhan Vina… cũng không giấu tham vọng tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo nhận định của NHNN, sau năm 2015, thị trường bán lẻ sẽ là thị trường chủ đạo mà các ngân hàng nước ngoài tập trung khai thác. Hiện 80 - 90% khách hàng bán lẻ của nhiều ngân hàng ngoại là người Việt Nam.

Đối với các ngân hàng nội, họ vẫn có một lợi thế lớn là mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng nội sẽ tốn nhiều chi phí hơn để duy trì các phòng giao dịch này.

Chính vì vậy, thách thức dành cho ngân hàng nội vẫn còn rất lớn. Thị trường bán lẻ ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn, các ngân hàng nội sẽ cần chú ý đến việc chăm sóc khách hàng song song với việc mở rộng mạng lưới.

Bích Ngọc (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục