Theo nội dung Đơn Khiếu nại của Công ty TNHH Khai thác đá Hòn Thị (Công ty Hòn Thi) gửi UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 04/01/2019 thì: “Việc UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành các văn bản hủy bỏ việc công nhận Chủ đầu tư là Công ty Hòn Thị tại Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Hòn Thị đã vi phạm Hiệp định khung về đối tác và hợp tác chiến lược Việt Nam – Liên minh Châu Âu đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2016, cũng như dự thảo Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU đang trong quá trình phê chuẩn và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới”.
Văn bản của Công ty Hòn Thị gửi UBND và Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa về việc không chấp nhận trình tự giải quyết khiếu nại.
Như vậy, nếu người có thẩm quyền giải quyết Khiếu nại của Công ty Hòn Thị đã được thụ lý (tức Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) không có động thái giải quyết theo đúng trình tự của luật định thì rất có khả năng Công ty này sẽ khởi kiện ra Tòa án quốc tế, gây ảnh hưởng không tốt cho các vấn đề về ngoại thương.
Cần giải quyết công tâm, minh bạch để tránh xảy ra tranh chấp quốc tế
Không chỉ có quan điểm của Công ty Hòn Thị thấy rằng việc UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành những văn bản hủy bỏ quyền Chủ đầu tư Dự án xây dựng Khu đô thị Hòn Thị của Công ty Hòn Thị là thiếu căn cứ, thậm chí có thể nói là vô lý.
Mà ngay cả quan điểm của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) sau khi cử ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch và ông Trần Du – Tổng thư ký làm việc với đại diện Am Cham và người được ủy quyền đại diện chủ sở hữu Công ty Hòn Thị cùng các Công ty luật tư vấn luật pháp cho Công ty Hòn Thị cũng nhận định: “Sự thay đổi các quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa không có cơ sở vững chắc, tác động tiêu cực đến kinh doanh của Công ty Hòn Thị.
Việc Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố các bị can trong đó có công dân người Đan Mạch về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” cần phải xem xét lại bởi Công ty này đã tuân thủ luật pháp và các Quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa. Vụ việc này nếu không được giải quyết một cách chặt chẽ, dựa trên các quy định hiện hành và các Hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với các nước, sẽ gây tác động tiêu cực đối với môi trường đầu tư của nước ta”.
Trước những quan điểm như vậy, mà người có trách nhiệm về việc này thuộc UBND và một số Sở ngành chuyên môn tỉnh Khánh Hòa vẫn tỏ rõ sự thiếu thiện chí đối với Công ty Hòn Thị khi không giải quyết khiếu nại đã thụ lý, chưa kết luận điều tra vụ việc đã khởi tố (?). Sự “án binh bất động” này như ngầm thử thách sự kiên nhẫn của Công ty Hòn Thị trong hành trình đi tìm công lý để bảo vệ chính mình.
“Chúng tôi sẽ đi đến cùng của sự việc để đòi lại công bằng” - Đó là sự khẳng định của Tổng Giám đốc Công ty Hòn Thị trong những lần tiếp xúc với phóng viên.
Ông chia sẻ: “Kể từ khi chúng tôi bị Công an tỉnh khởi tố hình sự, dự án bị dừng hoạt động cho đến nay đã gần 01 năm. Các thiệt hại là không thể đo đếm. Trong suốt cả thời gian này, Công ty vẫn phải trả lương cho các công nhân đã thuê trước đó. Những chi phí đã được chi trả trước đó như chi phí thẩm định dự án, thuê tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, tư vấn lập quy hoạch, tư vấn xây dựng đồ án thiết kế cơ sở, phí tư vấn pháp lý, công sức thi công hạ cốt nền tạo mặt bằng xây dưng… đó là chưa nói đến 5 năm khai thác đá phải ngừng theo yêu cầu của Tỉnh để lập dự án… và cả cơ hội kinh doanh bị mất đi. Tính ra cũng rất nhiều tỉ đồng.
Vậy nhưng cho đến nay, sự việc không hề có biểu hiện được giải quyết. Công ty Hòn Thị đã nỗ lực cùng các luật sư nghiên cứu pháp lý và sẽ tiếp tục gửi Đơn kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền xem xét và giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chúng tôi”.
Trong khi đó, các Sở ngành được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn Công ty Hòn Thị hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng dự án, nay lại được giao trách nhiệm xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết Đơn Khiếu nại của Công ty này thì tỏ rõ quan điểm trốn tránh trách nhiệm nhưng không thể phủ nhận quy trình hướng dẫn các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nêu trên là không phù hợp.
Trong Báo cáo Kết quả xác minh nội dung khiếu nại của Sở Xây dựng gửi UBND tỉnh ngày 22/04/2019, mặc dù thừa nhận trình tự ban hành các văn bản liên quan đến thủ tục đầu tư của UBND tỉnh đối với Công ty Hòn Thị là không đúng trình tự và chưa phù hợp theo quy định nhưng Sở Xây dựng Khánh Hòa vẫn không nhận trách nhiệm chính mình đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những văn bản đó (?!).
Không những thế, Sở này còn tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh gây khó cho doanh nghiệp bằng đề xuất: “Bác nội dung Đơn Khiếu nại đề ngày 04/01/2019 của Công ty Hòn Thị” khi mà trước đó UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 20/TB-UBND về việc thụ lý Đơn Khiếu nại của Công ty này. Trong Thông báo số 20 có đoạn ghi rõ: “Sau khi xem xét nội dung đơn khiếu nại, căn cứ theo Luật Khiếu nại năm 2011, đơn khiếu nại đủ điều kiện thụ lý và thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa”.
Cũng giống như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng luôn bày tỏ những quan điểm chủ quan khi được giao xác minh để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết khiếu nại, Công ty Hòn Thị đã cho rằng Sở này không làm việc theo đúng quy định của pháp luật trong những lần làm việc với Công ty, bởi thế nên trong văn bản hồi đầu tháng 04/2019, Công ty Hòn Thị đã nêu rõ: “Việc Sở Tài nguyên và Môi trường cử cán bộ không được người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ủy quyền, không chứng minh được thẩm quyền giải quyết khiếu nại của mình là không tuân thủ Điều 7, Mục 1 và Điều 9, Mục 2, Chương II Thông tư 07/2013/TT-TTCP Quy định về Quy trình giải quyết khiếu nại hành chính. Việc Công ty Hòn Thị không được cung cấp biên bản sau mỗi buổi làm việc là vi phạm Điều 11, Mục 2, Chương II của Thông tư này”.
Việc Sở Tài nguyên và Môi trường dẫn luật là “áp dụng theo Thông tư 08/2015/TT-BCA Quy định danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Thanh tra để lý giải việc không cung cấp biên bản làm việc cho Công ty Hòn Thị theo Luật Khiếu nại và Thông tư 07/2013/TT-TTCP hướng dẫn thi hành là hoàn toàn không phù hợp bởi theo Điều 11 của Thông tư này thì: “Nội dung làm việc giữa người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh và người khiếu nại phải được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung và có chữ ký của các bên. Biên bản được lập thành ít nhất hai bản, mỗi bên giữ một bản và được thực hiện theo Mẫu số 05-KN ban hành kèm Thông tư”- Văn bản của Công ty Hòn Thị nêu rõ.
Còn theo Thông tư 08/2015/TT-BCA thì “Biên bản làm việc” không hề nằm trong danh mục bí mật Nhà nước độ Mật trong ngành Thanh tra. Hơn nữa đây là việc xác minh để giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh chứ bản thân Chủ tịch UBND tỉnh cũng chưa hề ban hành một văn bản nào Quyết định thanh tra lại toàn bộ sự việc nhằm lấy kết quả giải quyết khiếu nại của Công ty Hòn Thị cả.
Với những căn cứ pháp lý thiếu thực tế như vậy thì UBND tỉnh Khánh Hòa cũng nên xem lại trình tự và năng lực người xác minh nội dung khiếu nại cũng như trình độ nhận biết pháp luật của các cán bộ chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường chứ không nên quan liêu mà chỉ đánh giá, xem xét sự việc qua những báo cáo thiếu thực tế và căn cứ pháp lý mà Sở này trình lên.
Thiết nghĩ: Với những nỗ lực của các cán bộ ngoại giao, cho đến hiện tại, mối quan hệ giữa Việt Nam và khối Liên minh Châu Âu (EU) nói chung, Đan Mạch nói riêng đang phát triển tốt đẹp, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với EU đang trong quá trình hoàn thiện. Do đó UBND tỉnh Khánh cần công tâm, minh bạch trong việc xem xét và giải quyết dứt điểm những kiến nghị, khiếu nại có cơ sở của Công ty Hòn Thị để không gây tác động tiêu cực đến quan hệ giữa Việt Nam và Đan Mạch cũng như Việt Nam với EU. Đồng thời cũng nên có những chủ trương hợp pháp, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút những nhà đầu tư chất lượng, có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Báo sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Hiền Anh và Nhóm PVĐT