Tục “cướp giọng gà”
Tục “đón giọng gà” hay “cướp giọng gà” là phong tục rất độc đáo của người Pu Péo ở Hà Giang. Người Pu Péo quan niệm, tiếng gà gáy vừa hay vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy. Vì thế khi giao thừa đến, họ phải canh chừng mấy chú gà trống. Thấy gà vừa vỗ cánh, chuẩn bị gáy là người ta đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy. Vì thế, ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Gội đầu bằng nước gạo chua
Lễ hội gội đầu của người Thái Trắng.
Phong tục đón Tết đặc biệt này là của người Thái trắng ở Sơn La. Họ chuẩn bị những bát nước gạo đã được ngâm cho chua rồi xối từ từ lên tóc, gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật tinh khôi. Theo người Thái trắng, tục gội đầu bằng nước gạo chua này là để xua đi tất cả những gì không may mắn trong năm.
“Niêm phong” đồ đạc bằng giấy vàng bạc
Đây là công việc đầu tiên để chuẩn bị cho việc đón mừng năm mới của người Cao Lan. Khoảng trước Tết 2 ngày, họ "niêm phong" tất cả những vật dụng trong nhà. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy đỏ để các vật này được "niêm phong". Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang thịnh vượng. Ngoài ra, đây cũng là phong tục của người Lô Lô trong dịp Tết.
Tục vỗ mông ngày Tết
Tục vỗ mông ngày Tết của người Mông.
Đây là phong tục của người Mông. Vào ngày Tết, thanh niên trai gái người Mông thường hay tụ tập dưới chân núi để vui xuân. Khi chàng trai ưa người con gái nào đó, họ lập tức tiến tới, dùng tay vỗ vào mông các cô gái. Nếu cô gái ưng thuận thì quay lại vỗ nhẹ vào mông chàng trai mà đáp lời đường mật.
Cứ như vậy, đôi trai gái vừa đi chơi hội và vỗ qua vỗ lại trao nhau những lời yêu thương cho đến khi vỗ đủ 9 cặp, tức là hai bên đã chấp thuận nhau, trước sự chứng kiến của nhiều người. Sau đó, các đôi trai gái nắm tay nhau lên núi tìm chỗ tâm sự, trao gửi những yêu thương hứa hẹn.
Tục gọi trâu về ăn Tết
Khoảng vài ngày trước Tết, người Mường ở Hoà Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi “vía trâu”. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày. Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết với gia đình. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được “nghỉ Tết” sau một năm vất vả trên đồng ruộng.
Xem bói gan lợn thiến
Trong ngày Tết của người Hà Nhì, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, tất cả mọi gia đình đều mổ lợn đón năm mới. Đó phải là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo do các hộ gia đình tự nuôi lấy. Khi mổ lợn ăn Tết, lá gan là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì. Người Hà Nhì nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.
Nhìn chung, dù phong tục đón Tết của đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc có đặc biệt và khác nhau nhưng tất cả đều hướng tới một ý nghĩa tốt đẹp chung nhất là cầu mong năm mới được ấm no, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn.
Đình Dũng - Hà Chi/KD&PL