Huyện Tứ Kỳ(Hải Dương): Thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp Nguyên Giáp

(KDPL) - Tứ Kỳ là huyện thuần nông nằm ở phía Đông Nam tỉnh Hải Dương với trên 50% dân số sống bằng nghề nông nên ngành nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện và được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đầu tư. Ngay từ đầu năm 2018, thực hiện Nghị quyết của HĐND huyện về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch, Chương trình công tác cụ thể để triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn huyện. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân nên tình hình KT-XH, QP-AN 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả nhất định.

Huyện Tứ Kỳ(Hải Dương): Thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp Nguyên Giáp - Ảnh 1

Về huyện Tứ Kỳ hôm nay chúng ta có thể nhận thấy rõ nét sự “thay da đổi thịt” từ những con đường bê tông trải dài dần thay thế đường đất. Hệ thống điện lưới quốc gia được phủ rộng khắp, cơ sở hạ tầng hiện đại. Đó chính là thành quả của sự cố gắng triển khai các chính sách của trung ương, thành phố đặc biệt là chương trình xây dựng NTM và thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong lĩnh vực kinh tế, chỉ trong 6 tháng đầu năm tổng giá trị sản xuất (theo giá cố định) ước thực hiện 2.856,8 tỷ đồng, đạt 52,9 % KH năm, tăng 13,9 % so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá cố định) ước thực hiện 1.094,4 tỷ đồng, đạt 58,6% kế hoạch, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2017. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm (theo giá cố định) ước thực hiện 919 tỷ đồng, đạt 48,7% KH năm, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017. Các ngành sản xuất kinh doanh, gia công xuất nhập khẩu, vật liệu xây dựng... tiếp tục thu hút được nhiều lao động tại địa phương, tập trung ở các xã Ngọc Sơn, Văn Tố, Quang Phục, Minh Đức, Nguyên Giáp... Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, công nghiệp-TTCN, hoạt động thương mại dịch vụ cũng phát triển một cách mạnh mẽ. Giá trị sản xuất một số ngành dịch vụ (theo giá cố định) 6 tháng đầu năm ước thực hiện 725 tỷ đồng, đạt 51,6% KH, tăng 26,1% so với cùng kỳ. Số hộ gia đình, cá nhân tham gia vào hoạt động dịch vụ tăng (trên 5.400 hộ gia đình, cá nhân), hình thức kinh doanh đa dạng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Nhằm khai thác các lợi thế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, ngày 31/7/2007, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2767 QĐ - UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp (CCN) thuộc địa bàn xã Nguyên Giáp, Tứ Kỳ với tổng diện tích quy hoạch là 102.64 ha. Trên cơ sở quy hoạch phát triển CCN đã được phê duyệt, sau khi xem xét, đánh giá về tính khả thi của dệt Pacific Việt Nam (dệt Pacific Crystal tại Việt Nam) và dự án Tinh Lợi II (dự án may Tinh Lợi mở rộng), tháng 4/2011, UBND tỉnh đã chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng cho hai dự án vào Cụm công nghiệp Nguyên Giáp, Tứ Kỳ. Hai dự án này đi vào hoạt động sẽ có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn, thu hút một lực lượng lao động trên địa bàn xã Nguyên Giáp và các vùng lân cận vào làm việc với mức thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực. Ngay từ những ngày đầu, UBND huyện Tứ Kỳ đã nhanh chóng thành lập Hội đồng bồi thường GPMB, thành lập tổ công tác vận động, tuyên truyền để tiến hành triển khai thực hiện công tác bồi thường cho người dân đồng thời tích cực có những biện pháp huy động tối đa nguồn vốn địa phương, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để có thể sớm đưa dự án đi vào hoạt động.

Xác định công tác văn hóa – xã hội là mặt trận đặc biệt quan trọng nên trong thời gian qua ngoài việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm lo đời sống của người dân cũng luôn được huyện Tứ Kỳ đặc biệt quan tâm. Trong đó, giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng với quy mô, mạng lưới trường, lớp học và trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư. Đồng thời, công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo và chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo được các cấp, các ngành quan tâm và cộng đồng tích cực hưởng ứng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội song với sức mạnh tổng hợp của đoàn thể quần chúng, công tác chỉ đạo sát sao của các tổ chức ban ngành, huyện Tứ Kỳ đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách xây dựng huyện giàu về kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội, vững mạnh về quốc phòng - an ninh.

Đình Cường

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục