Hướng đi nào cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe?

(Kinhdoanhnet) - Chính sách Abenomics vẫn chưa đủ hấp dẫn để các ngành công nghiệp của Nhật mở rộng lại quy mô sản xuất trong nước. Đứng ở trung tâm là Thủ tướng Shinzo Abe với những quyết định khó khăn cho tương lai của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Hiệp định TPP và cái khó của Thủ tướng Abe

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng tuyên bố sẽ dỡ bỏ các rào cản kinh tế nhằm thúc đẩy tự do thương mại tại thị trường này, nhưng ông Abe vẫn chưa làm được gì nhiều cho đến hiện tại. Tuy nhiên, gần đây vị thủ tướng Nhật Bản này đã có cơ hội để thực hiện những lời cam kết đó.

Hướng đi nào cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe? - Ảnh 1
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe\

Tại Nhật Bản, hiện có khoảng 3,3 triệu người trồng lúa, tương đương 2,5% dân số, đang là trở ngại chính cho việc hoàn thiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bằng việc đồng ý cắt giảm hàng rào thuế quan đối với lúa gạo, ông Abe có thể hoàn thành thỏa thuận TPP và cho thấy sự tự do thương mại trong nền kinh tế Nhật Bản.

Mặc dù Thủ tướng Abe sẽ gặp nhiều khó khăn để thuyết phục các cử tri nông dân trong vấn đề thuế quan, nhưng những nỗ lực đó là hoàn toàn đáng giá. Ngoài nguyên nhân hoàn thành thỏa thuận TPP, Thủ tướng Abe cũng cần cải cách cơ cấu nền kinh tế Nhật Bản thoát ra khỏi lối mòn.

Chính phủ Nhật Bản đã có những nỗ lực để suy giảm ảnh hưởng từ cử tri nông dân, nhưng những động thái của họ là khá dè dặt. Đảng cầm quyền LDP đã sửa đổi những điều luật về hợp tác xã nông nghiệp được thiết lập từ thập niên 40 nhằm mở cửa ngành nông nghiệp cho nhiều doanh nghiệp tham gia hơn. Chính quyền Abe cũng muốn tăng gấp đối kim ngạch xuất khẩu lương thực, đặc biệt là thịt bò, từ nay đến năm 2020.

Tuy nhiên, những cố gắng trên là chưa đủ so với mức thuế 778% nhập khẩu gạo vào thị trường này, hay 328% đối với nhập khẩu đường. Nhật Bản nên loại bỏ những hàng rào thuế quan quá cao này hoặc ít nhất nên hạ thấp xuống 2 con số.

Chính sách Abenomics vẫn chưa đủ hấp dẫn

Nhờ các nỗ lực đẩy mạnh chi tiêu chính phủ và nới lỏng tiền tệ, ông Abe đã thành công trong việc đưa đồng yen trở nên rẻ hơn, hồi sinh thị trường chứng khoán và giúp lợi nhuận tăng mạnh ở các công ty lớn nhất nước. Với sự trợ giúp của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Haruhiko Kuroda, ông Abe cũng đã phần nào xóa đi tư tưởng giảm phát tồn tại dai dẳng trong suy nghĩ của người dân và các ông chủ doanh nghiệp, vốn đã làm cản trở những nỗ lực phục hồi kinh tế trong quá khứ.

Dẫu vậy, tất cả những điều này hầu như chưa giúp ích gì trong việc đưa nhà máy và việc làm quay trở về với Mashiko và các nơi khác tại tỉnh Tochigi. Đó là bởi vì chính sách Abenomics vẫn chưa đưa ra được các chính sách khuyến khích cũng như động lực để các ngành của Nhật mở rộng quy mô trong nước.

Một số nhà sản xuất lớn lại cho thấy thái độ dè dặt khi nghĩ đến chuyện quay trở lại quê nhà. Panasonic, Sharp và hãng sản xuất máy điều hòa không khí Daikin Industries cho biết họ có thể đưa một số công việc về Nhật. Còn Canon và Nissan Motor thì nói có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất nhỏ hơn thì đang chật vật tồn tại, huống gì nói đến chuyện tăng sản xuất.  Các doanh nghiệp này chỉ nhắm đến thị trường nội địa, chuyên cung cấp linh kiện, phụ tùng… cho các tập đoàn lớn, vốn chiếm phần lớn ngành sản xuất Nhật.

Cơ hội xen lẫn thách thức

Tín hiệu đáng mừng cho ông Abe là Quốc hội Nhật đã phê chuẩn đợt cắt giảm đầu tiên trong số nhiều đợt cắt giảm thuế doanh nghiệp, theo đó sẽ giảm thuế từ mức 35% xuống khoảng trên dưới 20% trong vài năm tới. Và Toyota cũng cho biết sẽ tăng lương cơ bản hằng tháng thêm 4.000 yen (33 USD), tức khoảng 1,1%, cao nhất trong hơn 20 năm qua của doanh nghiệp này.

Việc hoàn thành thỏa thuận TPP với Mỹ cũng sẽ gia tăng vị thế chính trị cho đảng cầm quyền của ông Abe. Việc xây dựng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) của Trung Quốc đang đe dọa đến vị thế của chính quyền Tokyo, vốn là nước điều hành Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Một thỏa thuận thương mại sẽ củng cố liên minh Mỹ-Nhật và liên kết các quốc gia thành viên khác trong TPP, hiện chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội thế giới. Việc hoàn thành thỏa thuận TPP sẽ là bươc khởi đầu cho công cuộc cải cách nền kinh tế Nhật Bản.

Trâm Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục