“Siêu dự án” Cà Ná được nhắc lại
Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, bên cạnh những chia sẻ về kế hoạch, định hướng sắp tới của Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) trong bối cảnh thị trường đầy biến động, Chủ tịch Lê Phước Vũ bất ngờ nhắc lại dự án khu liên hợp thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, từng là một biểu tượng tham vọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp này.
Khi được công bố vào năm 2016, dự án đã gây chú ý bởi quy mô đầu tư rất lớn trong ngành thép Việt Nam thời điểm đó, với tổng mức đầu tư lên tới 10,6 tỷ USD và công suất giai đoạn đầu là 6 triệu tấn/năm. Theo quy hoạch tổng thể, dự án hướng tới mục tiêu đạt công suất 16 triệu tấn/năm vào năm 2031 – con số cao nhất cả nước. Không ít câu hỏi được đặt ra về năng lực tài chính của Hoa Sen, liệu có thể huy động được số tiền lớn như vậy để thực hiện dự án?
Đáp lại dư luận, HSG đã đưa ra những con số rất lạc quan về dự án, như tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) lên tới 30%/năm, thời gian hoàn vốn cố định không chiết khấu (PP) là 4 năm 9 tháng, còn thời gian hoàn vốn cố định chiết khấu (DPP) là 5 năm 11 tháng. Theo dự báo của doanh nghiệp, dự án thép Cà Ná có thể đem về lợi nhuận từ năm 2018, thậm chí dự báo trước mức lợi nhuận mỗi năm thu được từ dự án cho tới năm 2027.
Tại ĐHĐCĐ bất thường của HSG hồi tháng 9/2016, ông Lê Phước Vũ từng đánh giá khu vực Cà Ná là một trong những địa điểm thuận lợi nhất để xây dựng nhà máy thép. Lý do là vị trí gần TP. HCM, ít chịu ảnh hưởng của bão, và đặc biệt có lợi thế cảng biển nước sâu có thể tiếp nhận tàu 200.000 - 300.000 tấn, qua đó giúp tiết kiệm đáng kể chi phí logistics – khoảng 300 triệu USD mỗi năm cho 16 triệu tấn thép. Để nhấn mạnh thêm sự quyết tâm với dự án Cà Ná, Chủ tịch HSG từng tuyên bố “ngu gì không làm”, câu nói in đậm vào tâm trí của cổ đông HSG, cũng như các nhà đầu tư khác trên thị trường.
Thế nhưng chỉ 4 năm sau, đến năm 2020, Tập đoàn Hoa Sen bất ngờ tuyên bố rút khỏi dự án Cà Ná và giải thể 6 công ty con được thành lập riêng để triển khai dự án. Cú “quay xe” này khiến nhiều cổ đông và giới quan sát bất ngờ, bởi nó đi ngược hoàn toàn với tinh thần quyết liệt mà lãnh đạo HSG từng thể hiện trước đó.
Giải thích về quyết định này trong ĐHĐCĐ năm 2025, ông Lê Phước Vũ không giấu sự nhẹ nhõm khi cho rằng việc không tiếp tục dự án hóa ra lại là một điều “may mắn”. Bởi nếu đi tiếp, HSG sẽ phải gánh khoản vay ngoại tệ rất lớn, đặt doanh nghiệp trước rủi ro chênh lệch tỷ giá có thể lên tới vài tỷ USD.
Mặt khác, ông Lê Phước Vũ cũng dự báo ngành tôn thép trong nước sẽ chỉ duy trì được xu thế đi ngang, thậm chí sụt giảm do tổng công suất các nhà máy tôn thép mạ hiện nay cao gấp 3 lần nhu cầu tiêu thụ trong nước. Trong khi việc xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài cũng không thuận lợi. Hai tập đoàn luyện thép lớn ở Việt Nam trong một quý chỉ xuất khẩu được chưa tới 120.000 tấn (hạn ngạch xuất khẩu) sang châu Âu, trong khi tổng công suất ước tính lên tới 15 triệu tấn.
Rút lui đúng lúc hay bỏ lỡ cơ hội tự chủ nguyên liệu?
Quan sát kỹ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Hoa Sen cho thấy sản xuất và kinh doanh tôn mạ là hai mảng chủ lực. Trong đó, nguyên liệu đầu vào chính là thép cuộn cán nóng (HRC), được công ty nhập khẩu từ các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… hoặc mua từ các nhà cung cấp nội địa như Formosa và Hòa Phát. Vì vậy, biên lợi nhuận của Hoa Sen chịu tác động trực tiếp từ biến động giá thép toàn cầu.
Trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Phạm Quang Minh – chuyên gia phân tích ngành thép của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) – nhận định: Với đặc điểm trên, nhiều doanh nghiệp trong ngành thép, bao gồm cả Hoa Sen, đều hướng tới chiến lược tích hợp chuỗi giá trị sản xuất khép kín. Cụ thể, chuỗi này bắt đầu từ khai thác nguyên liệu cơ bản như quặng sắt và than cốc, tiếp đến là sản xuất các sản phẩm trung gian như HRC, và cuối cùng là các sản phẩm hạ nguồn như tôn mạ. Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná được định hình như một chiến lược giúp doanh nghiệp chủ động nguồn cung HRC, giảm phụ thuộc vào bên ngoài và gia tăng khả năng kiểm soát chi phí sản xuất.
“Nếu loại trừ các yếu tố bất lợi từ môi trường vĩ mô, định hướng đầu tư vào dự án Cà Ná tại thời điểm đó là phù hợp với xu hướng phát triển chuỗi sản xuất thép tích hợp mà nhiều doanh nghiệp toàn cầu đang theo đuổi”, ông Minh nhận định.
Xét về khả năng cạnh tranh, giới phân tích cho rằng dự án Cà Ná hoàn toàn có năng lực đối đầu với các "ông lớn" trong ngành như Tập đoàn Hòa Phát hay Formosa Hà Tĩnh. Về vị trí địa lý, cả ba dự án đều sở hữu lợi thế giáp biển và có cảng nước sâu – yếu tố then chốt giúp tiết giảm chi phí vận chuyển các mặt hàng nặng như thép. Về cơ cấu sản phẩm, các dự án đều tập trung vào phân khúc thép dẹt, thép cuộn cán nóng (HRC) và thép xây dựng. Dự án Cà Ná có công suất thiết kế lên tới 16 triệu tấn/năm, so với 14,5 triệu tấn/năm của Hòa Phát Dung Quất (sau khi hoàn thành giai đoạn 2) và 15 triệu tấn/năm của Formosa Hà Tĩnh khi mở rộng.
Từ đó, có thể thấy Hoa Sen đã có tầm nhìn dài hạn và chiến lược đúng đắn khi quyết định đầu tư vào dự án thép Cà Ná. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp rút khỏi dự án khiến nhiều nhà đầu tư đặt dấu hỏi về nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, đặc biệt là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất. Với dự án này, Hòa Phát đã hiện thực hóa tham vọng tự chủ nguyên liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu và tránh được các hàng rào thuế quan bảo hộ.
Trên thực tế, lợi thế cạnh tranh này đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi Liên minh châu Âu (EU) áp thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng từ Việt Nam. Hòa Phát là doanh nghiệp duy nhất không bị áp thuế, nhờ chứng minh được sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, tối ưu hóa các khâu sản xuất để đạt giá thành cạnh tranh, đồng thời chủ động cung cấp đầy đủ dữ liệu cho cơ quan điều tra EU.
Trong khi đó, tại thị trường nội địa, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời (AD20) đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế từ 19,4% đến 27,8%. Giới phân tích nhận định, quyết định này sẽ tác động tiêu cực trong ngắn hạn đến các doanh nghiệp tôn mạ đang phụ thuộc vào HRC nhập khẩu như Hoa Sen. Về dài hạn, các doanh nghiệp như Hoa Sen buộc phải chuyển sang sử dụng HRC nội địa từ chính đối thủ của mình là Hòa Phát. Hay nói cách khác, sau nhiều năm, Hoa Sen – doanh nghiệp từ bỏ “siêu dự án” thép Cà Ná – ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Hòa Phát – doanh nghiệp quyết tâm làm “siêu dự án” thép Dung Quất.
Vietnamfinance
In bài viết