Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, một trong những thách thức lớn nhất của thị trường này là việc thiếu hụt quỹ đất phù hợp để triển khai các dự án. Hiện nay, phần lớn các quỹ đất đang được các doanh nghiệp bất động sản phát triển cho các dự án nhà ở thương mại. Mặc dù có quy định về việc dành 20% diện tích đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội nhưng thực tế, quỹ đất này không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện do vướng mắc trong việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng.
Một giải pháp để khắc phục là thành phố cần có các chính sách và cơ chế linh hoạt hơn trong việc tạo lập và sử dụng quỹ đất. Việc giải quyết các thủ tục pháp lý và cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là yếu tố then chốt để triển khai các dự án.
Ngoài ra, thành phố có thể áp dụng các chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế cho các dự án nhà ở chỉ cho thuê, tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Những chính sách này không chỉ giúp giảm chi phí cho các chủ đầu tư mà còn giúp người dân có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở với giá thuê hợp lý. Cơ quan này cũng đề xuất các cơ chế ưu đãi tín dụng đối với các chủ đầu tư, bao gồm việc cho phép các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang gặp phải khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là các dự án chỉ để cho thuê. Mặc dù gói tín dụng ưu đãi trị giá 120.000 tỉ đồng đã được triển khai từ năm 2023 nhưng các chủ đầu tư vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn bởi không có đủ các cơ chế tín dụng hỗ trợ phù hợp.
HoREA đề xuất, các sở, ngành phối hợp để cùng tháo gỡ các vướng mắc pháp lý. Việc rút ngắn thủ tục đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tiếp cận nguồn đất sạch và thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là những giải pháp quan trọng cần được thực hiện ngay.
Ở chiều ngược lại, HoREA đề nghị quy định đối với dự án nhà ở thương mại cao cấp hoặc trung cao cấp thì chủ đầu tư không phải xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án (trừ trường hợp chủ đầu tư tự đề xuất) và chủ đầu tư được đề xuất thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội khi chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Đối với ý kiến quan ngại là các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại sẽ lựa chọn phương thức đóng tiền sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn quỹ đất khả dụng để thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của Thành phố trong giai đoạn 2021-2030, Hiệp hội cho rằng Thành phố có thể dùng khoản tiền này để tạo lập quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài các giải pháp kể trên, HoREA cũng đề xuất một số giải pháp khác như cấp có thẩm quyền xem xét cho phép ưu đãi tăng 1.5 lần hệ số sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để có thể tăng số lượng căn hộ của dự án nhà ở xã hội lên khoảng 1.5 lần; ưu đãi tín dụng đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; rút ngắn tối đa, hợp lý thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.
Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Tp.HCM, kể từ năm 2021 đến nay, chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội được triển khai, trong đó 6 dự án đã hoàn thành và 4 dự án đang thi công, với tổng cộng gần 6.000 căn hộ. Tuy nhiên, con số này vẫn là quá khiêm tốn so với mục tiêu đề ra trong chương trình phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt khi Tp.HCM được giao chỉ tiêu phát triển từ 69.700 - 93.000 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030.