Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), trong năm 2020, cả nước có đến 1.325 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 1,36 lần so với năm 2019, là mức tăng cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác.
“Đây là tổn thất lớn vì bất động có liên quan đến khoảng 35 ngành nghề của nền kinh tế và tạo việc làm cho nhiều người lao động”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Nhằm để thị trường bất động sản trong năm mới phát triển tốt hơn, HoREA đưa ra một số đề xuất với ban lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, 6 đề xuất của HoREA gồm:
1. Đề nghị các tập đoàn và doanh nghiệp BĐS xem xét tăng tỷ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.
Mặc dù lợi nhuận thấp, nhưng có tính thanh khoản cao và ít rủi ro, góp phần cùng Nhà nước giải quyết nhà ở cho cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư.
HoREA đề nghị doanh nghiệp bất động sản phối hợp kiểm soát giá nhà để bảo về quyền lợi nhà đầu tư và sự minh bạch của thị trường.
2. Đề nghị xem xét đầu tư vào các đề án, chương trình mục tiêu của thành phố như: Đề án phát triển thành phố Thủ Đức; Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Các dự án xây dựng lại nhà chung cư cũ, dự án chỉnh trang di dời tái định cư nhà trên và ven kênh rạch, ác dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sinh viên, các dự án mời gọi đầu tư của thành phố, quận, huyện cũng nên được các doanh nghiệp BĐS quan tâm đầu tư.
3. Đề nghị quan tâm xây dựng uy tín thương hiệu doanh nghiệp, xác lập tinh thần doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp và doanh nhân làm giàu hợp pháp, chính đáng với khát vọng cống hiến nhiều nhất cho đất nước, luôn thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật.
4. Đề nghị các tập đoàn và doanh nghiệp BĐS cùng nhau phối hợp chặt chẽ để kiểm soát giá nhà, không để tình trạng giá nhà tăng nóng, tăng ảo xảy ra trong năm 2021, trên cơ sở xác định “lợi nhuận kỳ vọng” ở mức hợp lý, để “chia sẻ” hiệu quả đầu tư với khách hàng và cộng đồng xã hội.
Đồng thời, luôn thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ đối với khách hàng và nhà đầu tư khi huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai, hoặc huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp, hoặc cam kết trả lợi nhuận trong kinh doanh (condotel)...
5. Đề nghị quan tâm chuyển đổi sang nền kinh tế số, xây dựng các nền tảng (platform), công nghệ Blockchain, áp dụng mô hình quản lý BIM, thực tại ảo AI, trực tuyến (online), xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big data)…
6. Đề nghị quan tâm đảm bảo “3 an toàn” trong xây dựng bộ máy, nguồn nhân lực và trong quá trình đầu tư xây dựng kinh doanh, như sau: an toàn về pháp lý, an toàn về tài chính và tín dụng, an toàn về nội bộ.
Trước hết là xây dựng và chăm sóc nguồn nhân lực có chất lượng cao cả về vật chất và tinh thần, để đạt được năng suất - hiệu suất cao, nhằm nâng cao “sức chống, chịu” của doanh nghiệp ứng phó với các tình huống rủi ro, hoặc các biến cố bất ngờ như đại dịch Covid-19 hiện nay.
Theo Doanh nghiệp Việt Nam
In bài viết