Tòa nhà chọc trời The Centre (giữa) tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuy nhiên, trước tình hình quan hệ thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, thái độ ủng hộ của Mỹ đối với Hong Kong về mặt truyền thống liệu có thay đổi hay không là vấn đề khiến mọi người quan tâm.
Ông William Overholt, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Châu Á thuộc Đại học Harvard, cho biết mặc dù tồn tại rủi ro có liên quan, song Hong Kong có thể là nền kinh tế kiên cường nhất trên thế giới, có khả năng chống chọi những thách thức do cuộc chiến thương mại mang lại. Tuy nhiên, ông William cũng lo ngại tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội Hong Kong sẽ chịu tổn thất lớn.
Tại cuộc hội thảo do Viện nghiên cứu kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của Đại học Hong Kong tổ chức vào ngày 23/10, ông dự đoán xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ duy trì một thời gian dài, do hai nước Trung Quốc và Mỹ đều phải đối mặt với vấn đề thâm hụt tài chính tương đối lớn và những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại sau này sẽ tiếp tục rõ hơn, khiến nền kinh tế hai nước trở nên yếu đi.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ hiện nay vẫn có xu hướng phát triển mạnh, nguyên nhân đằng sau là do chính phủ nước này áp dụng biện pháp giảm thuế và thâm hụt ngân sách, song những chính sách này không thể kéo dài mãi và khả năng suy thoái kinh tế sẽ diễn ra vào năm 2020 là có thật.
Chuyên gia William Overholt cảnh báo do thâm hụt tài chính của Mỹ tương đối lớn, một khi để xảy ra suy thoái kinh tế sẽ là lâu dài và rất nghiêm trọng.
Ông Tống Ân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Viện nghiên cứu kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Hong Kong, cho biết nếu xuất hiện cục diện “Chiến tranh Lạnh” mới, Hong Kong tự khắc sẽ được xem là đứng về phía Trung Quốc.
Xét về mặt chính trị, Mỹ thực sự “có thể hủy bỏ sự đãi ngộ đặc biệt với Hong Kong”, tuy nhiên xét về mặt kinh tế thì “không cần phải bi quan”, do Mỹ và Hong Kong có mối liên hệ kinh tế thương mại đặc biệt mà ở đó Washington có thể dựa vào đó để khắc phục khó khăn mà các doanh nghiệp Mỹ có thể phải đối mặt ở thị trường Trung Quốc Đại lục.
Ông cho biết dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài thì Trung Quốc vẫn tiếp tục mở cửa thị trường, các công ty của châu Âu và Nhật Bản có thể được lợi từ đó hơn so với các công ty của Mỹ.
Deloitte, một trong những công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Trung Quốc sẽ chậm lại, xu thế này có thể sẽ kéo dài đến năm 2019.
Ông Hứa Tư Đào, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Trung Quốc của Deloitte, cho biết sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu và va chạm thương mại Mỹ - Trung đã gây áp lực cho động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống là xuất khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông cho rằng sách lược ứng phó tốt nhất của Trung Quốc không phải là biện pháp thuế quan “ăn miếng trả miếng”, mà là cần phải định ra lịch trình rõ ràng và các biện pháp thực chất cho việc mở cửa thị trường trong nước, nhất là ngành dịch vụ, đồng thời thông qua nới lỏng việc tiếp cận thị trường, giảm bớt căng thẳng thương mại, điều này cũng phù hợp với tiến trình cải cách của Trung Quốc.
TTXVN