Theo đó, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng Vinaxuki Thanh Hóa tại Cụm công nghiệp Song Lộc (thuộc xã Đại Lộc và Triệu Lộc) được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư với tổng vốn 1.360 tỷ đồng vào năm 2010.
Mục tiêu của dự án là mỗi năm sản xuất, lắp ráp 15.000 ô tô có tải trọng 0,5 - 45 tấn và 400 xe buýt; ngoài ra còn sản xuất 75.000 tấn phụ tùng ô tô các loại/năm…
Dự án đi vào hoạt động hứa hẹn góp phần phát triển ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo và lắp ráp ô tô của tỉnh Thanh Hóa, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong vùng dự án, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Năm 2011, nhà máy đi vào hoạt động, nhưng chỉ được khoảng 2 năm phải ngừng và “đắp chiếu”. Nguyên nhân phải ngừng hoạt động, theo chủ đầu tư là do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, ngân hàng cắt vốn đầu tư.
Lô đất này và tài sản trên đất được hình thành thuộc dự án của Vinaxuki Thanh Hoá đã được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 5 lần rao bán. Ở lần thứ 5 phát mại tài sản, định giá giảm 18% so với ban đầu, còn hơn 36,3 tỷ đồng.
Trước đó vào năm 2020, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) cũng tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Công ty Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Công ty Vinaxuki Thái Nguyên) gần 1.300 tỷ.
Cùng với quyết định thu hồi đất của Vinaxuki Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá giao cho Công ty cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê lại, để tiếp tục thực hiện dự án với hình thức thu tiền thuê đất hàng năm. Thời hạn thuê đất 38 năm (đến ngày 26/10/2059).
Công ty Toàn Cầu chịu trách nhiệm trước pháp luật, và các nghĩa vụ liên quan tới những thoả thuận với Vinaxuki Thanh Hoá về chi trả chi phi đầu tư vào đất còn lại tới thời điểm thu hồi đất. Doanh nghiệp này cũng được yêu cầu lập đầy đủ hồ sơ về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường... trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tiếp tục tiến khai dự án tại khu đất trên.