“Ông lớn” ngân hàng muốn tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu để chia cổ tức
Theo phản ánh trên Kinh Tế và Tiêu dùng, ngày 2/1, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020, chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú đề xuất Chính phủ và NHNN sớm xem xét cấp vốn điều lệ thông qua cấp vốn trực tiếp bằng phát hành cổ phiếu để chia cổ tức.
Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền cũng cần giảm các thủ tục hành chính trong việc xét duyệt bán cổ phẩn cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động.
Ảnh minh họa.
Ngoài BIDV, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cũng đề xuất giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 70% trong giai đoạn từ 2018 – 2020. Qua đó, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng ít nhất 25.900 tỷ đồng.
Đối với Agribank - ngân hàng 100% vốn nhà nước, Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, nếu không được tăng vốn điều lệ, Agribank sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Do đó, ông kiến nghị NHNN, Chính Phủ sớm bổ sung vốn điều lệ cho Agribank theo phương án đã trình. Đồng thời, cho phép Agribank được sử dụng một phần tiền gửi không kì hạn của KBNN để cân đối vào tiền gửi của Agribank phải duy trì tại ngân hàng CSXH hiện nay (khoảng 23.000 tỉ đồng) và bổ sung nguồn vốn để cho vay khu vực nông thôn, các lĩnh vực ưu tiên.
Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch VietinBank lại cho biết, vấn đề tăng vốn của VietinBank là một vấn đề rất khẩn thiết tại thời điểm hiện tại và mặc dù được phê duyệt phương án tăng vốn từ lợi nhuận để lại thì cũng mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu vốn thực tế của ngân hàng.
Trong thời gian qua, vấn đề lớn nhất của 4 ngân hàng có vốn nhà nước là không tăng được vốn ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tiến đến ngưỡng cho phép và có thể bị hạn chế tăng trưởng tín dụng.
Mới đây, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 01 chủ trương đảm bảo đủ vốn cho nhóm nhà băng này. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo để sửa đổi Nghị định 91 để tăng vốn cho 4 ngân hàng. Sau khi trình lên Chính phủ Nghị định sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp Bộ Tài chính trình Thủ tướng các quy định cấp vốn cho 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV.
Trường hợp ngân hàng 100% cổ phần nhà nước Agribank, Chính phủ đã quyết trong năm nay sẽ trình Quốc hội để bố trí ngân sách tăng vốn cho nhà băng.
Một nhà đầu tư Nhật Bản muốn nắm 10% cổ phần của OCB
Theo VnExpress, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã triển khai chào bán riêng lẻ gần 118,5 triệu cổ phần như đã được đại hội đồng cổ đông đã phê duyệt tại ngày 27/4/2019. Tính đến thời điểm hiện tại đã có một nhà đầu tư là Ngân hàng Aozora thực hiện đăng kí mua gần 86,9 triệu cổ phần (11% vốn điều lệ).
Nếu phát hành thành công, Ngân hàng Aozora sẽ nắm gần 10% vốn điều lệ OCB. Tuy nhiên, số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm.
Ảnh minh họa.
Ngân hàng Aozora thành lập năm 1957, có trụ sở tại Nhật Bản và chi nhánh, văn phòng đại diện tại Mỹ, Trung Quốc và Singapore... Nhà băng này có tổng tài sản 48 tỷ USD (hơn 1,1 triệu tỷ đồng) và đang niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.
Trước đó, cổ đông chiến lược nước ngoài của OCB là Ngân hàng BNP Paribas (pháp) đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương với 18,68% vốn điều lệ của OCB sau 10 năm đổ vốn vào đây. Theo công bố mới nhất của OCB, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB là 4,98% vốn điều lệ do một quỹ của Vina Capital nắm giữ.
Hiện nay, giá cổ phiếu OCB được thoả thuận trên sàn OTC dao động trong khoảng 14.100 – 15.900 đồng một cổ phiếu. Ước tính theo mức giá thấp nhất là 14.100 đồng cổ phiếu, Ngân hàng Aozora sẽ phải bỏ ra ít nhất 1.225 tỷ đồng để mua số cổ phần của OCB.
Tính đến cuối quý 3/2019, tổng tài sản của OCB là 106.412 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 67.976 tỷ đồng, huy động hơn 66.790 tỷ. Lợi nhuận trước thuế của OCB trong 3 quý đầu năm đạt gần 1.943 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tính đến hết tháng 9/2019 là 2,61%.
Tại BIDV, VCB, Vietinbank: Hơn 40.000 tỷ đồng có thể 'giải phóng' khỏi tài khoản dự trữ bắt buộc sau Thông tư 30
Ảnh minh họa.
Mới đây, ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 30/2019/TT-NHNN, quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc (DTBB) của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này quy định cụ thể cơ chế cho phép những trường hợp TCTD không phải thực hiện DTBB, hoặc được giảm tỷ lệ thực hiện.
Cụ thể, Điều 3 Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định rõ ba nhóm các TCTD không thực hiện DTBB.
Một là, các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Nhóm đối tượng này hiện có Ngân hàng Đông Á và 3 NHTM mà NHNN mua lại giá 0 đồng.
Hai là, TCTD chưa khai trương hoạt động. Ba là, tổ chức tín dụng được chấp thuận giải thể hoặc có quyết định mở thủ tục phá sản hoặc có quyết định thu hồi Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Đáng chú ý, theo Thông tư 30, TCTD hỗ trợ tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống (quy định tại khoản 40 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) được giảm 50% tỷ lệ DTBB.
Theo quy định này, trong nhiều năm qua, Vietcombank, VietinBank và BIDV đã lần lượt tham gia hỗ trợ tái cơ cấu tại DongA Bank, CB Bank, Ocean Bank và GP Bank, qua hỗ trợ thanh khoản, cử nhân sự quản trị điều hành, hợp tác kinh doanh… ngay khi các tổ chức này thực hiện tái cơ cấu bắt buộc.
Theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dựa trên báo cáo quý 3/2019, số tiền gửi dự trữ bắt buộc của ba ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank tại NHNN là 83.000 tỷ đồng.
Nếu ba ngân hàng trên được giảm 50% tỉ lệ (DTBB) theo Thông tư 30 mới ban hành thì sẽ có khoảng hơn 40.000 tỷ đồng được "giải phóng" khỏi tài khoản DTBB, đồng nghĩa với chi phí sử dụng vốn của các ngân hàng này sẽ giảm xuống, tạo điều kiện để các ngân hàng này giảm lãi suất cho vay.
Đáng chú ý, theo BCTC quý III/2019, cả Vietcombank và BIDV đều đang có tiền gửi vượt mức DTBB tại NHNN. Vì vậy, việc được giải phóng thêm DTBB trong thời điểm hiện tại chưa có tác động tích cực tới 2 ông lớn này.
Hà Phương (t/h)