Hồi kết cho nghịch lý ngồi trên đất vàng lỗ nghìn tỷ của dự án Splendora?

Đặt dấu hỏi về việc hai nhóm cổ đông trong HĐQT của VCG là An Quý Hưng và nhóm Vinaconex đã thỏa thuận xong về số phận của Splendora sau 2 năm dài xung đột lợi ích tại Vinaconex.

Vinaconex thoái toàn bộ vốn tại An Khánh JVC

Ngày 14/8, HĐQT Vinaconex ra quyết định phê duyệt phương án chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn điều lệ của Tổng công ty cổ phần Vinaconex (VCG) tại công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).

Trong 2 phiên giao dịch ngày 13 và 14/8, cổ phiếu VCG xuất hiện các lệnh giao dịch thỏa thuận tổng cộng hơn 127,46 triệu cổ phiếu, tương đươnghơn 2.985 tỷ đồng. Số cổ phiếu này trùng khớp hoàn toàn với lượng cổ phiếu nắm giữ của cổ đông BĐS Cường Vũ và TNHH Start Invest, đặt dấu hỏi về việc hai nhóm cổ đông trong HĐQT của VCG là An Quý Hưng và nhóm BĐS Cường Vũ đã thỏa thuận xong về số phận của Splendora sau 2 năm dài xung đột lợi ích tại Vinaconex.

Quay trở lại câu chuyện 2 năm trước, tháng 11/2018, khi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn toàn bộ 254,9 triệu cổ phần VCG (chiếm 57,71% vốn điều lệ), nhóm cổ đông An Quý Hưng đã đấu giá thành công khi trả 28.900 đồng/cp, cao hơn 35,7% so với giá thị trường và hơn 56% so với thị giá giao dịch của VCG trên sàn. Cái giá của An Quý Hưng trả để thâu tóm Vinaconex lúc đó đã khiến toàn thị trường bất ngờ, bởi trước đó, thị trường đồn đoán đã có đại gia sẵn sàng xếp hàng để mua số cổ phần của SCIC tại Vinaconex, và sự xuất hiện của An Quý Hưng tại phiên đấu giá được coi là "chen ngang".

Cùng ngày, phiên đấu giá trọn lô 94 triệu cổ phiếu VCG (tương đương 21,28% vốn) của Viettel cũng thành công khi BĐS Cường Vũ đã trúng giá.

Mặc dù nắm giữ 57,7% vốn điều lệ, và hai cổ đông đại diện nhóm cổ phần tại An Quý Hưng là ông Nguyễn Xuân Đông và ông Đào Ngọc Thanh nắm giữ hai vị trí chủ chốt là Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT, song nhóm cổ đông còn lại nắm giữ hơn 28,8% cổ phần là BĐS Cường Vũ và StarInvest liên tục phản đối các phương án kinh doanh của công ty. Thậm chí, nhóm cổ đông BĐS Cường Vũ đã gửi đơn tố cáo lên tòa án nhân dân Đống Đa, ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Vinaconex dừng thực hiện Nghị quyết đại hội cổ đông bất thường số 1 năm 2019 về việc bầu HĐQT. Điều này đã khiến HĐQT của Vinaconex phải tạm dừng hoạt động hơn 1 tháng trời.

Lý do xung đột lợi ích giữa hai nhóm cổ đông chủ yếu nằm ở mảnh đất vàng Splendora có diện tích 264 ha do Vinaconex sở hữu 50%.

Năm 2006, Vinaconex và Công ty Posco E&C (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) thông qua Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (gọi tắt là An Khánh JVC), mỗi bên nắm giữ 50%. Năm 2017, Posco E&C đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại An Khánh JVC cho công ty bất động sản Phú Long, một thành viên của Sovico với kế hoạch đưa Khu đô thị Splendora trở thành một thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Khi ra đời, Splendora mang theo nó một sứ mệnh, với cái tên được kết hợp giữa từ "Splendid" trong tiếng Anh có nghĩa là tuyệt đẹp, tuyệt mỹ và từ "ora" trong tiếng La Tinh có nghĩa là vàng.

Tọa lạc tại vị trí địa lý thuận lợi vào bậc nhất ở miền Bắc Việt Nam, Splendora rồi đây sẽ là trung tâm phát triển của cả khu vực phía Tây Hà Nội. Tiếp giáp với Đại lộ Thăng Long, huyết mạch giao thông cửa ngõ phía Tây, cách BigC 7 phút chạy xe, cách trung tâm Hoàn Kiếm khoảng 15km, và chỉ cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 40 phút.

Hồi kết cho nghịch lý ngồi trên đất vàng lỗ nghìn tỷ của dự án Splendora? - Ảnh 1



Xuất hiện cổ đông nhận 50% cổ phần An Khánh JVC từ tay Vinaconex

Theo báo cáo thay đổi doanh nghiệp ngày 14/8 của Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC), CTCP Đầu tư và phát triển Pacific Star đã trở thành cổ đông mới nắm giữ 50% vốn thay thế cho Vinaconex (HNX: VCG). Trong khi đó, Địa ốc Phú Long vẫn nắm giữ 50% còn lại của An Khánh JVC.

Trước đó một ngày, Hội đồng quản trị Vinaconex đã ra quyết định sẽ thoái toàn bộ phần góp vốn điều lệ tại An Khánh JVC. Lãnh đạo công ty từng chia sẻ đã tính đến việc chuyển nhượng dự án cho Địa ốc Phú Long hay đối tác khác trong kỳ họp cổ đông hồi cuối tháng 6.

Trên báo cáo tài chính của Vinaconex, giá gốc cho khoản đầu tư vào An Khánh JVC 340 tỷ đồng. Giá trị theo phương pháp vốn chủ sở hữu được hạch toán về 0 do An Khánh JVC đã lỗ 5 năm liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu. Việc bán cổ phần An Khánh JVC có thể giúp Vinaconex hoàn nhập lại khoản dự phòng trên.

Công ty Pacific Star là doanh nghiệp mới được thành lập vào ngày 9/7 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập bao gồm bà Nguyễn Hữu Kim Vy (65,9%), bà Mai Thị Huyền (34%) và Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Bảo (0,1%).

Trụ sở chính của Pacific Star tại Tòa nhà Republic Plaza, số 18E Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình, TP HCM. Đây cũng là địa chỉ của một số công ty thành viên thuộc Sovico Holdings như công ty Thương mại Thùy Dương – Đức Bình, công ty Quản lý & Phát triển Bất Động Sản Dragon Alliance, công ty Tư vấn đầu tư Conasi... Theo đó khả năng cao nhóm Phú Long đã được toàn quyền quyết định tại An Khánh JVC – chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora) có tổng mức đầu tư 2,57 tỷ USD tại tại huyện Hoài Đức – Hà Nội. Đây là dự án đô thị được đánh giá rất tiềm năng, có hạ tầng và cảnh quan đẹp đẽ, đã thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng, hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 1/500 và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên dự án này bị đình trệ 2 nhóm cổ đông có cùng tỷ lệ sở hữu không đạt được những đồng thuận về quy hoạch.

Cùng với chuyển động tại An Khánh JVC, cơ cấu cổ đông của Vinaconex cũng có biến động lớn. Trong 2 phiên giao dịch 13-14/8, cổ phiếu VCG có nhiều lệnh thỏa thuận với khối lượng tổng cộng gần 127,5 triệu đơn vị, giá trị gần 3.000 tỷ đồng. Tổng khối lượng này là gần đúng với lượng sở hữu của cổ đông BĐS Cường Vũ và TNHH Star Invest - nhóm cổ đông có liên quan tới Địa ốc Phú Long.

 

 

 

Theo Dautuvietnam

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục