Quý đầu năm, nhiều ngân hàng hồ hởi ghi nhận lãi lớn từ mảng kinh doanh ngoại hối, trong khi đó vẫn còn ngân hàng thất thu mảng này, thậm chí chuyển lãi thành lỗ.
Kinh doanh ngoại hối tại OCB cũng giảm 37% xuống còn 13 tỷ đồng; tại VietBank giảm 22% về mức 7 tỷ đồng; tại Seabank còn giảm tới 84% chỉ mang về 12 tỷ đồng;…
Thậm chí nhiều ngân hàng còn “ngậm quả đắng” khi chuyển lãi thành lỗ mảng kinh doanh ngoại hối.
Trong đó, ngân hàng VIB ghi nhận lỗ trong mảng kinh doanh ngoại hối hơn 81 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lãi gần 9 tỷ đồng. Mảng này lỗ nặng do chi phí từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ.
Cũng rơi vào tình trạng thua lỗ là trường hợp tại ngân hàng LienVietPost tới 14,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lãi hơn 124 tỷ đồng. Ngân hàng nhỏ như NCB cũng báo lỗ 5 tỷ trong khi cùng kỳ 2021 lãi 4 tỷ đồng;…
Ở một diễn biến khác, nhiều nhà băng lại báo lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.
Chẳng hạn, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng lãi lớn nhất từ mảng này với 1.522 tỷ đồng, tăng trưởng 46%.
Lãi từ kinh doanh ngoại hối tại VietinBank và BIDV tăng lần lượt 130% và 54%, đạt 784 tỷ và 585 tỷ đồng.
Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tại MBBank lớn nhất với 467 tỷ đồng, tăng mạnh 97% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng ACB cũng ghi nhận lãi 55% thu về 303 tỷ đồng.
Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của nhiều nhà băng khác cũng tăng trưởng mạnh như MSB tăng 140% đạt 246 tỷ đồng; Saigonbank tăng 137% thu về 16 tỷ đồng; ABBank tăng 81% đạt 187 tỷ đồng;…
Thực tế, tỷ giá USD/VND diễn biến tăng giảm thất thường khiến lợi nhuận từ mảng kinh doanh ngoại hối của ngân hàng sụt giảm, thậm chí lỗ trong quý 1/2022.
Theo dự báo, trong năm 2022, VND được dự báo có thể gặp một số sức ép giảm giá từ việc đồng USD có thể tăng giá khi Fed thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, với định hướng điều hành chính sách tiền tệ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô của NHNN, đồng thời các sức ép từ lạm phát, cung cầu ngoại tệ không lớn, khả năng cao tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định. Nhiều khả năng tỷ giá VND/USD sẽ tăng/giảm tùy thuộc vào diễn biến của đồng USD và các đồng tiền trong khu vực, nhưng mức dao động chỉ trong khoảng +/-1%.
Mới đây, cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa thông báo nâng lãi suất thêm 0,5% để đối phó với diễn biến lạm phát tại quốc gia này. Đây là bước tăng lớn nhất trong hơn 20 năm qua.
Sau quyết sách trên của FED, tỷ giá USD/VND vẫn khá bình lặng, thậm chí còn có chiều hướng giảm giá. Cụ thể, chốt phiên ngày 5/5, giá USD trên liên ngân hàng giảm 12 VND xuống còn 22.956 VND.
Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do phiên 5/5 cũng giảm 25 VND ở chiều mua vào và 85 VND ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.555 VND/USD và 23.595 VND/USD.
Diễn biến trên còn tiếp tục kéo dài sang phiên ngày hôm nay (6/5) khi giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm. Trong đó, Vietcombank báo giá USD ở mức 22.810 VND (mua vào) và 23.090 VND (bán ra), giảm 20 VND ở hai đầu giá so với sáng qua.
Bước giảm 20 VND ở cả hai chiều cũng xuất hiện tại BIDV. Tại các ngân hàng khác như TPBank giảm 5 VND ở chiều mua và 20 VND ở chiều bán; Sacombank giảm 11 VND ở chiều mua vào.
Đến ngày 12/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND/USD giảm nhẹ ở mức: 23.141 đồng.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết