HBC và chuyện ‘tái ông thất mã’

“Được ngựa chưa hẳn là điềm may, mất ngựa không hẳn là điều gở”, sự đời may rủi thất thường, trong phúc có họa, trong họa có phúc. Việc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) bị HoSE hủy niêm yết bắt buộc cũng là một dạng “tái ông thất mã” vậy.

Cái kết được biết trước

Không phải đến khi HoSE ra thông báo mà ngay từ khi HBC công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, giới đầu tư đã biết rằng “án” hủy niêm yết bắt buộc là chuyện tất yếu với doanh nghiệp này. Bởi kết năm 2023, HBC lỗ lũy kế tới 3.240 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ chỉ 2.741 tỷ đồng.

Đây là hệ quả của quãng thời gian tăm tối nhất trong lịch sử hơn 35 năm của HBC, kéo dài từ quý IV/2022 đến hết năm 2023. 5 quý liên tiếp chìm trong thua lỗ đã đẩy HBC từ doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam về doanh thu (đạt được vào năm 2021) trở thành “con cừu đen” của ngành xây dựng.

Công bằng mà nói HBC đã rất nỗ lực để thoát “án” hủy niêm yết. Quý II/2023, HBC đã công bố lãi sau thuế 546 tỷ đồng, nhờ việc bán tài sản. Quý IV/2023, HBC tiếp tục báo lãi sau thuế 101 tỷ đồng, nhờ hoàn nhập chi phí dự phòng. Nhưng cả hai lần, kết quả kiểm toán đều “xóa sạch” những nỗ lực này.

Khoản lỗ lũy kế 3.240 tỷ đồng là quá “khủng khiếp” với HBC, bởi nó tương đương với 6 – 7 năm lợi nhuận ở giai đoạn đỉnh cao. Điều này đồng nghĩa với tình cảnh ngành xây dựng hiện tại, HBC có thể phải cần trên dưới 10 năm hoạt động nữa mới có thể bù đắp được. Với khoản lỗ khổng lồ, vốn chủ sở hữu của HBC tại thời điểm kết thúc năm 2023 chỉ còn vỏn vẹn 93 tỷ đồng, đưa hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới 163 lần – lớn chưa từng có trong lịch sử.

HBC và chuyện ‘tái ông thất mã’ - Ảnh 1

Họa phúc song hành

Với việc bị hủy niêm yết trên HoSE, HBC sẽ phải xuống “chơi” ở UPCoM. Nhưng điều này cũng như việc “mất ngựa không hẳn là điều gở” trong câu chuyện “tái ông thất mã”, bởi ít nhất 2 nguyên do.

Một là theo Thông tư 69 của Bộ Tài chính, năm 2026 là hạn chót hợp nhất 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM. Nay đã là tháng 7/2024, tức cũng chỉ khoảng 2 năm nữa, HBC lại có thể “quay về” với HoSE.

Hai là UPCoM “mở rộng” quyền cho nhà đầu tư hơn HoSE, vì biên độ của sàn UPCoM là 15%, còn HoSE chỉ 7%. Trong khi đó, hoạt động giao dịch ở UPCoM gần như tương đồng với HoSE.

Điểm yếu của sàn UPCoM là không được phép margin. Song, HBC hiện đang trong diện không được margin, vậy nên sàn nào cũng như nhau.

Tất nhiên, HBC có lo ngại về việc gọi cổ đông chiến lược, do UPCoM không có margin. Tuy nhiên, thông thường, cổ đông chiến lược sẽ bị hạn chế trong vòng 1 năm, trong khi thủ tục để có được cổ đông chiến lược cũng mất khoảng nửa năm. Như vậy, HBC hoàn toàn có cơ sở để đàm phán với cổ đông chiến lược về việc nâng thời gian hạn chế lên 2 năm, tức đến hạn chót hợp nhất 3 sàn.

Trời ngày càng sáng

Như vậy, có thể thấy, việc xuống UPCoM dường như không phải điều gì quá nghiêm trọng với HBC, nhất là khi những diễn biến trong 2 quý đầu năm 2024 cho thấy doanh nghiệp này dường như đang dần thoát khỏi khủng hoảng.

Cụ thể, quý I/2024, HBC ghi nhận doanh thu thuần 1.651 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Nhờ bán các khoản đầu tư và hoàn nhập dự phòng, HBC có lãi sau thuế 56 tỷ đồng.

Quý II/2024, doanh thu thuần của HBC tăng mạnh lên 2.160 tỷ đồng. Việc hoàn nhập dự phòng và thanh lý tài sản cũng được đẩy rất mạnh, giúp HBC lãi sau thuế tới 684 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, HBC có doanh thu thuần 3.811 tỷ đồng, tăng 10% và lãi sau thuế 741 tỷ đồng, cải thiện vượt trội so với khoản lỗ 713 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Điều này không những đưa HBC vượt tới 71% kế hoạch lợi nhuận năm mà còn giúp tổng lỗ lũy kế của HBC giảm xuống còn 2.498 tỷ đồng, thấp hơn vốn điều lệ cuối năm 2023 (2.741 tỷ đồng).

Một điều rất quan trọng khác là trong tháng 5/2024, HBC đã phát hành thành công 73,08 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ cho 99 đơn vị. Qua đó, HBC nâng vốn điều lệ lên 3.472 tỷ đồng. Con số này lớn hơn 39% so với khoản lỗ lũy kế tính đến tháng 6/2024.

Nói cách khác, nếu lấy con số này làm tiêu chí để xem xét, HBC có thể thoát được “án” hủy niêm yết bắt buộc của HoSE.

Không chỉ tốt lên về mặt kinh doanh, chất lượng tài sản của HBC trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng đã có nhiều cải thiện. Cụ thể, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi giảm 17%, xuống còn 2.055 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 30%, xuống còn 1.582 tỷ đồng. Nợ vay giảm 5%, xuống còn 4.484 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 17 lần, lên 1.567 tỷ đồng, khiến hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 8,97 lần.

Đáng chú ý, dòng tiền đi vay của HBC duy trì ở mức tương đương cùng kỳ năm trước (1.815 tỷ đồng/1.829 tỷ đồng), cho thấy dù đang ngập trong khó khăn, công ty vẫn có thể đi vay để hoạt động. Đây là điều không phải doanh nghiệp xây dựng nào cũng có thể làm được, phần nào phản ánh triển vọng của HBC trong con mắt của giới đầu tư, kinh doanh.

Trên thực tế, HBC vẫn đang thực thi các hoạt động sản xuất, kinh doanh tương đối “ổn”, nhất quán mục tiêu khôi phục vị thế. Đây có thể xem tín hiệu tích cực, cho thấy HBC đã ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất.

Dịch Kinh viết “cùng tắc biến, biến tắc thông”, nghĩa là vật đến đường cùng sẽ biến hóa, biến hóa sẽ hanh thông. Ở thời điểm hiện tại, HBC có lẽ đã bước sang vế thứ hai của câu viết trên - “biến tắc thông”. Tất nhiên, những con số trong báo cáo quý II và bán niên 2024 vẫn còn phải chờ thêm một thời gian nữa để kiểm toán xác nhận tính chính xác.

Ái Châu Tử

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục