Quản lý khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel thông báo cho nhân viên nghỉ việc tạm thời 4 tháng vì vắng khách, trợ cấp mỗi tháng 1,5 triệu đồng.
Vừa cho 16/17 nhân viên tạm thời nghỉ không lương, anh Quốc Bình, chủ một khách sạn trên phố Tố Tịch (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại căng thẳng ngồi bàn bạc với người bạn chung vốn làm ăn cách giảm thiểu chi phí, thiệt hại trong thời điểm hiện tại.
Anh Bình cho biết: "Khách sạn của chúng tôi thuộc dạng khách sạn nhỏ, chỉ có 25 phòng nhưng vì nằm ở vị trí khá tốt nên giá thuê mặt bằng lên tới 200 triệu đồng/tháng. Từ giữa tháng 1/2020 đã bắt đầu xuất hiện tình trạng lượng khách giảm đột ngột, nhiều đoàn khách đã đặt phòng nhưng sau đó hủy. Hiện tại tỷ lệ lấp đầy của chúng tôi chỉ đạt khoảng 10-15%, không đủ chi phí vận hành".
Anh Bình cũng thông tin, do đặc thù của ngành kinh doanh lưu trú ở khu vực trung tâm rất khắc nghiệt, nhất là đối với những doanh nghiệp nhỏ sẽ có chi phí hoạt động rất lớn. Đơn cử, chỉ tính riêng tiền thuê mặt bằng đã lên đến 200-300 triệu một tháng. Với những khách sạn lớn trên 30 phòng, chỉ cần khoảng 20 nhân viên là đủ, nhưng khách sạn nhỏ hơn từ 20-25 phòng cũng phải có ít nhất 17 nhân viên. "Nếu tỷ lệ lấp đầy của khách dưới 80% chắc chắn chúng tôi sẽ lỗ, khoảng 85% sẽ hoà vốn và bắt đầu có lãi", anh Bình nói.
Để gia tăng doanh thu, hầu hết các khách sạn đều có các dịch vụ đặt lịch, bán tour, vé tham quan cho du khách, nhưng trong tình trạng hiện nay, nguồn thu từ dịch vụ này cũng không còn.
Anh Bình và các cổ đông dự kiến sẽ tạm dừng hoạt động của khách sạn 3 tháng (tháng 2, 3 và 4) để giảm thiểu chi phí vận hành và quản lý. Trong đó, nặng nhất đối với cơ sở này là tiền thuê nhà vẫn phải trả đủ do chủ nhà không đồng ý giảm.
Cũng giống anh Bình, lãnh đạo khách sạn Emerald tại số 38 Lò Sũ (Hà Nội) vừa quyết định trợ cấp 6 triệu đồng cho người lao động để họ tạm nghỉ việc trong 4 tháng và trả lương 4 triệu đồng/tháng cho những người vẫn tiếp tục làm việc. Riêng lương bếp trưởng vốn là 20 triệu đồng nhưng mức lương sắp tới cũng sẽ là 4 triệu đồng như những nhân viên bình thường.
Anh Hà Kế Dũng, chủ khách sạn trên cho biết: "Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ nên phải vay mượn bạn bè, ngân hàng để đầu tư. Hiện tại chúng tôi đành đóng cửa để giữ dịch vụ của mình tốt hơn. Lượng khách bây giờ chỉ còn khoảng 20-30% so với ngày thường nên chúng tôi không thể duy trì được dịch vụ tốt như trước. Nếu mở cửa, chất lượng đi xuống, hình ảnh khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nên tôi quyết định đóng cửa".
Anh Dũng cho rằng, quyết định đóng cửa trong thời điểm này một phần là để đảm bảo an toàn cho nhân viên vì thường xuyên phải tiếp xúc với khách nước ngoài. "Vấn đề thiệt hại về tài chính hiện tại vẫn chưa có thống kê cụ thể nhưng trước mắt là rất khó khăn, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài hơn chắc nhân viên của chúng tôi cũng phải đi tìm công việc khác vì họ không thể chờ đợi quá lâu", anh Dũng chia sẻ.
Theo anh Dũng, tuyến phố đi bộ của khu vực phố cổ là một nét đặc trưng thu hút du khách rất tốt, nhưng hiện nay những hoạt động như vậy đang bị hạn chế do dịch Covid-19 nên lượng khách đến cũng ít đi. Anh Dũng và một nhóm các chủ doanh nghiệp khác đề xuất nếu như tình hình dịch đã tốt hơn nên mở lại tuyến đi bộ để thu hút khách đến Việt Nam. Nếu trong trường hợp dịch bệnh có diễn biến xấu, anh sẵn sàng dùng khách sạn để làm địa điểm cách ly, trực tiếp phục vụ những du khách đến Việt Nam bị nghi ngờ nhiễm bệnh.
Còn theo ông Trần Văn Đính - Tổng Giám đốc điều hành hệ thống khách sạn Việt Bảo Anh: "Đầu tháng 12/2019, lượng khách tuy có giảm so với cùng kỳ các năm trước nhưng chưa nhiều. Đến giữa tháng 1/2020 lúc đó doanh thu giảm mạnh, lượng khách tụt dốc trên tất cả các mảng kinh doanh về cả chất lượng cũng như số lượng. Hiện tại, từ giữa tháng 1/2020 đến nay giảm khoảng 40-45% so với cùng kỳ".
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỷ USD do dịch Covid-19 gây ra.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lê Hoài Chung cho biết, đây là thiệt hại dựa trên cơ sở nhiều tác động trước mắt, như: Trung Quốc đã hạn chế công dân đi ra nước ngoài; Việt Nam không đưa, đón khách từ vùng dịch, tạm dừng các lễ hội, hoạt động tại một số khu di tích, danh lam thắng cảnh; Các thị trường quốc tế khác đang e ngại đến khu vực châu Á; Người dân trong nước hạn chế đi du lịch....
|
Theo VTC