Hải Phòng: Nếu còn tình trạng tái chiếm vỉa hè, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm

(KDPL) - UBND quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị bàn giao các tuyến đường cho các phường quản lý, sau đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự đường phố.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng - ông Dương Đình Ổn cho biết: “Trong đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự đường hè, UBND quận tổ chức 2 tổ công tác liên ngành lập lại trật tự an toàn giao thông, đường hè, vệ sinh môi trường (TTĐH, VSMT), nếp sống văn minh đô thị trên các tuyến đường. Sau quận, sẽ tiến hành giao các phường quản lý. Thời gian tới, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng tái chiếm vỉa hè trái phép, Bí thư và Chủ tịch UBND các phường phải chịu trách nhiệm”.

 

Hải Phòng: Nếu còn tình trạng tái chiếm vỉa hè, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm - Ảnh 1
UBND quận ký biên bản, bàn giao Công an quận về việc xử lý ô tộ đậu đỗ trên vỉa hè; xe đạp, xe máy dựng không đúng vị trí trên vỉa hè.

 

Anh Nguyễn Quang Trường - Chủ kinh doanh vật tư kim loại, dụng cụ điện cầm tay, khóa các loại - giãi bày về chủ trương lập lại TTĐH, VSMT của chính quyền địa phương: “Bà con kinh doanh, buôn bán tại các khu chợ về cơ bản đều đồng tình, ủng hộ, nghiêm chỉnh chấp hành việc tháo dỡ mái che, mái vẩy, phông bạt, bục bệ; di chuyển hàng hóa vào đúng chỉ giới quy định”.

Trước việc quận Hồng Bàng triển khai quyết liệt các biện pháp thiết lập lại TTĐH, VSMT, nhiều người bày tỏ quan điểm về việc này với nội dung chính quyền dẹp vi phạm vỉa hè là đúng nhưng cũng cần phải lo sắp xếp cho một bộ phận người dân nghèo có chỗ buôn bán làm ăn ổn định. Thế nhưng, ai cũng ái ngại, bày tỏ nỗi lo về những khó khăn gặp phải như: diện tích bày bán hàng hóa bị thu hẹp; thiếu chỗ để xe cho khách vào mua hàng rồi mái che, mái vẩy, phông bạt che mưa, gió bị tháo dỡ… Khi gặp thời tiết bất thường, hàng hóa “dính” nước mưa, máy móc, thiết bị sẽ bị hoen rỉ, đồ điện sẽ bị chập cháy. Với những hộ có nhà mặt phố, khó khăn trên chỉ là tạm thời. Điều đáng quan tâm nhất lại là những hộ không có mặt bằng, chỉ biết bám vào vỉa hè, lòng đường làm kế sinh nhai.

Rõ ràng vấn đề sắp xếp TTĐH gắn với xây dựng tuyến phố thương mại nhằm ổn định đời sống cho một số bộ phận dân cư làm nghề buôn bán nhỏ, mưu sinh trên vỉa hè thực sự là vấn đề rất bức thiết cần được các cấp chính quyền quan tâm. Chủ trương này không phải bây giờ mới có, nhưng triển khai gặp không ít khó khăn phức tạp, đòi hỏi có sự hợp tác đắc lực từ phía người dân. Theo ông Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân thì việc sắp xếp TTĐH, VSMT, xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn quận theo phương châm “Xây để chống”. Tức là cùng với việc kiên quyết xử lý vi phạm, giải phóng đường hè, quận sẽ xây dựng lên các tuyến phố thương mại, ở đó được phép sử dụng một phần lòng đường vỉa hè để kinh doanh buôn bán.

Chỉ đạo xuyên suốt của Quận ủy, UBND quận là, không thể xóa bỏ hoàn toàn những hoạt động kinh tế vỉa hè và cần xác định rõ quan điểm giải quyết. Đó là sắp xếp lại sao cho trật tự, trên các tuyến đường cho phép kinh doanh và quy định thời gian kinh doanh để bảo đảm hài hòa giữa mưu sinh của người dân với trật tự, mỹ quan đô thị. Hiện UBND quận đang xây dựng phương án quy hoạch, tính toán cho người dân được bán hàng ở một số tuyến đường ngang, có đủ điều kiện, không gây cản trở giao thông. Sau khi thống nhất, công việc sắp xếp sẽ giao cho UBND các phường đảm nhiệm.

Cũng tại quận Hồng Bàng, ông Dương Đình Ổn - Phó Chủ tịch UBND quận khẳng định: “Quận đã lường trước được những khó khăn người dân sẽ vấp phải khi lập lại TTĐH, VSMT đô thị. Do vậy, giai đoạn 2 của chiến dịch, quận sẽ có phương án nâng cao chất lượng việc triển khai Đề án “Thí điểm cho thuê vỉa hè ngoài mục đích giao thông”, tạo điều kiện cho người dân vẫn có chỗ kinh doanh, buôn bán theo chỉ giới quy định mà vẫn bảo đảm diện tích vỉa hè phục vụ nhu cầu đi lại”.

Dư luận đồng tình ủng hộ thái độ, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong sắp xếp TTĐH, VSMT, xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đặc biệt là hậu vấn đề lập lại TTĐH, xây dựng các tuyến đường thương mại để bà con mưu sinh. Quản lý vỉa hè lòng đường một cách bền vững không chỉ bằng biện pháp hành chính mà phải từ sự tự giác của quần chúng. Để thay đổi được thói quen đã tồn tại lâu đời không phải là chuyện dễ, thế nhưng nếu làm được thì hiệu quả sẽ thực sự bền vững bởi khi sinh kế của người dân được bảo đảm thì vỉa hè không bị lấn chiếm trở lại.

Chính quyền TP cũng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, rõ quyết tâm và có nhiều giải pháp, cách làm, trong đó nói rõ, những địa phương nào còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và xem xét điều chuyển làm việc khác. Kết quả và cách làm ở nhiều nơi thời gian qua đã lấy lại lòng tin của nhân dân, được sự đồng thuận của xã hội.

Văn Bảo

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục