Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng?

Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) đã trải qua một năm 2023 đầy chật vật. Song, với những gì đang có ở quý I/2024, hi vọng đã được nhen lên cho cổ đông của công ty này.

Năm 2023 “lên bờ xuống ruộng”

Với những cổ đông của Hải Phát Invest, giai đoạn cuối năm 2022 trở sang năm 2023 là “quãng thời gian tăm tối” chưa từng thấy khi cổ phiếu HPX liên tục giảm sàn mà nguyên nhân chủ yếu đến từ cuộc khủng hoảng đáo hạn trái phiếu. Cổ phiếu HPX sau đó bị cắt margin, bị đưa vào diện cảnh báo và cuối cùng là đình chỉ giao dịch từ ngày 11/9/2023. Bản thân Chủ tịch Đỗ Quý Hải trong năm 2023 cũng bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu HPX, bị phạt hàng tỷ đồng vì bán chui cổ phiếu, bị cấm giao dịch có thời hạn.

Với Hải Phát Invest, 2023 là một năm vật lộn đầy mệt nhọc, khi công ty phải mất tới 2 lần mới tổ chức được đại hội đồng cổ đông bất thường để thay đổi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022. Và cho đến đầu tháng 10/2023, công ty vẫn chưa thể tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên để chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023. 

Phải dùng tới biện pháp khẩn cấp (HĐQT ra nghị quyết tạm thời lựa chọn đơn vị kiểm toán thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên 2023) rồi sau đó trình đại hội đồng cổ đông thường niên phê duyệt từ đơn vị kiểm toán đến báo cáo kiểm toán, Hải Phát Invest mới có được báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023. Ngoài ra, trong năm, công ty cũng phải sắp xếp lại bộ máy và “thay máu” đội ngũ nhân sự cấp cao.

Trên mặt trận kinh doanh, năm 2023, Hải Phát Invest gặp áp lực rất lớn trong thu xếp dòng tiền trả nợ, đàm phán gia hạn nợ đến hạn.  

Việc bán hàng không quá tồi tệ, song kết quả không như ý; công ty thậm chí đã phải “bán con” để thoát lỗ trong quý IV/2023. Mặt khác, công tác thu hồi nợ bán hàng còn chậm, nợ quá hạn lớn. Nhiều dự án của Hải Phát Invest (dự án 1,4ha Phú Yên, dự án Mai Pha, dự án Điện Biên…) vẫn giãy giụa vì vướng mắc pháp lý.

Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng? - Ảnh 1

2024 có khởi sắc?

Năm 2024, ban lãnh đạo Hải Phát Invest vẫn xác định là một năm khó khăn. Công ty đã chuẩn bị tâm thế là khó tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, khó phát hành được trái phiếu, trong khi vẫn phải “vò đầu” nghĩ cách xử lý nguồn cho các gói trái phiếu đến hạn, mua lại trước hạn các gói trái phiếu và trả nợ các tổ chức tín dụng. Việc gỡ vướng pháp lý cho các dự án cũng là một ưu tiên trong năm 2024.

Dù vậy, trong quý I/2024, đã có một vài điểm sáng xuất hiện trên bức tranh nền xám của Hải Phát Invest.

Cụ thể, quý I/2024, doanh thu thuần đạt 324 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng mạnh mẽ của doanh thu ngay quý đầu năm không được Hải Phát Invest thuyết minh cụ thể, song có thể phán đoán rằng đây là kết quả của việc công ty hoàn thành công tác bán buôn một số sản phẩm của dự án Hải Yên – vốn dở dang trong quý IV/2023, do phía khách hàng chưa kịp hoàn thành thủ tục giải ngân từ ngân hàng cấp tín dụng.

Với doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận gộp cũng tăng tới 4,3 lần, đạt 69 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 21,3%.

Trong quý I/2024, nguồn thu của Hải Phát Invest được bổ sung bởi doanh thu tài chính 2,5 tỷ đồng (tăng 3,5 lần), lợi nhuận khác 3 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng tiết giảm được 19% chi phí quản lý.

Nhờ đó, kết thúc quý I/2024, Hải Phát Invest có lãi trước thuế 22 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 24 tỷ đồng); lãi sau thuế 16 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 26 tỷ đồng).

Năm 2024, Hải Phát Invest đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 105 tỷ đồng. Như vậy, kết quý I/2024, công ty đã hoàn thành 11,5% mục tiêu doanh thu và 15,2% mục tiêu lợi nhuận.

Đáng chú ý, Hải Phát Invest có số dư người mua trả tiền trước ngắn hạn lên tới 1.246 tỷ đồng, tăng 2,17 lần so với đầu năm. Đây đều là tiền khách hành thanh toán khi ký hợp đồng mua bất động sản tại các dự án ở Cao Bằng, Bắc Giang, dự án Hải Yên và các dự án khác của công ty.

Được biết, dự án Cao Bằng đã hoàn thành 95% hạ tầng kỹ thuật và công tác thi công tòa nhà, cảnh quan khu 1,4ha; tiến hành nghiệm thu A-B công trình thấp tầng khu 1,4ha đồng thời giao nhà cho khách hàng; riêng khu cao tầng chưa triển khai. 

Dự án Bắc Giang đã hoàn thành nghiệm thu và đủ điều kiện bàn giao 72/117 căn thấp tầng. Dự án Mai Pha – Lạng Sơn đã giải phóng mặt bằng giai đoạn I được 5ha, đang tạm dừng chờ điều chỉnh quy hoạch trên đất lúa. Dự án Lào Cai đã phê duyệt dự án đầu tư và đã đủ điều kiện bán hàng. Dự án Vinaconex Hải Yên 1, 2 đã cơ bản hoàn thành công tác chuyển nhượng các lô đất; đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng một phần dự án từ Vinaconex sang; hoàn thành phương án điều chỉnh thiết kế cơ sở các công trình shophouse. 

Năm 2024, Hải Phát Invest sẽ hướng tới việc hoàn thành toàn bộ công tác thi công khu 1,4ha, triển khai thi công hạng mục thấp tầng giai đoạn II (khu 2ha) của dự án Cao Bằng; hoàn thành thi công toàn bộ phần thấp tầng, đảm bảo hoàn thành bàn giao toàn bộ nhà cho khách hàng trong quý II/2024; triển khai thi công dự án Lào Cai theo tiến độ hợp đồng mua bán với khách hàng; triển khai thi công công trình thấp tầng tại dự án Bình Thuận; triển khai thi công 135 căn shophouse vào quý IV/2024 tại dự án Hải Yên; hoàn thành thi công tuyến đường vào dự án và thực hiện công tác chuẩn bị triển khai hạ tầng kĩ thuật của dự án Đảo ngọc Hòa Bình; quyết toán dự án hoàn thành và quyết toán giá bán dự án nhà ở xã hội Phú Lãm.

Như vậy, về cơ bản, con đường kinh doanh năm 2024 của Hải Phát Invest cũng cho thấy những điểm sáng tương đối, dù cho việc hoàn thành được kế hoạch năm vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Điểm sáng khác trong bức tranh kinh doanh của Hải Phát Invest là dòng tiền kinh doanh quý I/2024 dương tới 620 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải, giảm hàng tồn kho. Công ty cũng giảm mạnh dòng tiền vay/trả trong quý, chỉ 32 tỷ đồng/108 tỷ đồng, giảm lần lượt 73% và 59% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ngược với những chuyển biến trong bức tranh kinh doanh, bức tranh tài sản của Hải Phát Invest vẫn khá xấu. Theo đó, tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của công ty đạt 8.711 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền chỉ đạt 65 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu lên tới 4.515 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm và chiếm tới 51,8% tổng tài sản. Hàng tồn kho cũng khá cao, đạt 2.895 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 33,2% tổng tài sản.

Như vậy, hàng tồn kho và các khoản phải thu chiếm tới 85% tổng tài sản của Hải Phát Invest.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/3/2024 đạt 5.108 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Như vậy, gần 60% tài sản của Hải Phát Invest được hình thành bằng nợ phải trả. Trong số đó, nợ vay đạt là 2.390 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm.

Để giải quyết bài toán nợ nần, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Hải Phát Invest đã thông qua việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, công ty dự kiến phát hành 307,292 triệu cổ phiếu, trong đó: phát hành để trả cổ tức 2023 là 15,2 triệu cổ phiếu; chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu là 152 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1.000: 500, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ hưởng 1 quyền mua, cứ 1.000 quyền mua được mua thêm 500 cổ phiếu mới); chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là 140 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị dự kiến là 3.072,9 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau phát hành là 6.114 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là từ 2024 đến hết 2025.

Với việc chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu 152 triệu cổ phiếu, Hải Phát Invest dự kiến dùng số tiền huy động được để thanh toán các trái phiếu đã phát hành của công ty (bao gồm gốc và lãi) và/hoặc các khoản nợ vay của công ty (bao gồm gốc và lãi).

Với việc chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là 140 triệu cổ phiếu, Hải Phát Invest dự kiến sử dụng tiền để: thanh toán khoản công nợ cho nhà thầu thi công các dự án của công ty (200 tỷ đồng), góp vốn vào các công ty con (Hải Phát – Bình Thuận 200 tỷ đồng, Xanh Kỳ Sơn 450 tỷ đồng), góp vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Huy Hoàng (150 tỷ đồng), bổ sung vốn đầu tư phát triển dự án khu đô thị mới Mai Pha, Lạng Sơn (300 tỷ đồng), thanh toán chi phí hoạt động, thanh toán thuế và các khoản phải nộp nhà nước khác (100 tỷ đồng).

Như vậy, cũng giống như nhiều công ty bất động sản khác, Hải Phát Invest dường như cũng chẳng còn cách nào khác là gọi vốn từ cổ đông để có tiền trang trải nợ nần và đầu tư kinh doanh. Con đường này còn rất nhọc nhằn, nhất là khi với ngành bất động sản, tiền không phải tất cả. 

Trong lịch sử phát triển, Hải Phát Invest đã hơn một lần có cơ hội vươn lên thành “ông lớn”, nhưng cứ mỗi lần như vậy, cơn bão khủng hoảng của thị trường lại đánh quỵ doanh nghiệp này. Cứ như tình hình bây giờ mà nhìn nhận, sẽ phải mất thêm nhiều năm để Hải Phát Invest có được cơ hội lần nữa.

Ái Châu Tử

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục