Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest – Mã: HPX) thành lập năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu là 8 tỷ đồng. Trải qua 15 năm với 7 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của Hải Phát Invest xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, gấp 250 lần so với ban đầu.
Thời kỳ mới hoạt động, Hải Phát Invest chủ yếu đầu tư dự án ở Hà Nội, đặc biệt là khu Đông từ năm 2008. Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt lớn của Công ty khi mở rộng quỹ đất trải từ Bắc vào Nam, đặc biệt là có sự tham gia của quỹ Dragon Capital làm cổ đông chiến lược nắm 15% vốn điều lệ. Tới năm 2018 Hải Phát chính thức niêm yết trên HOSE.
Cơ cấu cổ đông của HPX tính tới thời điểm 10/5/2019 (Nguồn: HK tổng hợp)
Tính đến thời điểm ngày 10/5/2019 nhóm quỹ thuộc quản lý của Dragon Capital vẫn đang nắm 13,7% vốn tại Hải Phát Invest. Cổ đông lớn nhất của Hải Phát Invest là ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Có thể nói Hải Phát nổi lên nhờ sở hữu được quỹ đất lên tới gần 10 ha qua đấu giá, mua lại tại khu vực quận Hà Đông với hàng loạt dự án lớn như: The Pride, dự án nhà phố thương mại 24h, The Vesta, khu đô thị mới Phú Lương, HPC Landmark 105.
Từ năm 2017 Hải Phát Invest liên tục gia tăng quỹ đất ở khu vực phía Tây và các tỉnh như: Thái Bình, Nam Định, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận…
Theo kế hoạch giai đoạn 2019 – 2023 của Hải Phát Invest thì giai đoạn này quỹ đất của Công ty sẽ được mở rộng lên hơn 19.400 ha trải dài từ Bắc vào Nam, đặc biệt hai tỉnh Thái Bình và Nam Định chiếm tới gần 58% tổng quỹ đất.
Theo thông tin từ bản cáo bạch thì tại Nam Định, riêng dự án khu đô thị du lịch và công nghiệp Hải Phát đã có quy mô tới 4.228 ha nằm ở huyện Nghĩa Hưng với mô hình khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, chung cư, đất liền kề, biệt thự, trung tâm vui chơi, khu công nghiệp và mới có chủ trương cho nghiên cứu lập dự án.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đã có chủ trương cho nghiên cứu lập dự án cải tạo xây dựng lại 29 chung cư cũ trên địa bàn TP Nam Định.
Còn về kế hoạch đầu tư tại Thái Bình – quê của Chủ tịch Hải Phát Invest thì tháng 3 vừa qua, Công ty mới chỉ có buổi tìm kiếm cơ hội xúc tiến đầu tư tại đây và chưa có thông tin thêm gì về quy mô đầu tư. Thái Bình, Nam Định là những tỉnh đang thu hút đầu tư rất mạnh để phát triển khu công nghiệp.
Theo chiến lược phát triển thì Hải Phát Invest sẽ phát triển đa dạng các loại hình đầu tư như: phân khúc chung cư hạng trung, cao cấp; bất động sản nghỉ dưỡng phân khúc trung cấp tại các tỉnh và thành phố du lịch; đất nền và nhà ở thấp tầng; bất động sản công nghiệp; đất và hạ tầng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao.
Thời gian tới, Hải Phát Invest sẽ thực hiện hàng loạt dự án quy mô lớn tại Cần Thơ, Nha Trang, Bình Thuận - các tỉnh du lịch đang phát triển cũng như hai dự án ven Hà Nội.
Doanh thu không ổn định, tăng mạnh nợ vay
Theo số liệu công bố của Hải Phát Invest mà người viết thông kê thì giai đoạn 2015 – 2018 ghi nhận lợi nhuận của Công ty tăng trưởng mạnh từ mức 157 tỷ đồng năm 2015 thì hết năm 2018 đã lên tới 452 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận (CAGR) giai đoạn này lên tới hơn 30%/năm.
Tuy nhiên doanh thu của Hải Phát Invest vẫn trồi sụt, chưa có sự ổn định. Hải Phát đặt mục tiêu cho giai đoạn 2018 – 2023 với tốc độ tăng trưởng bình quân là 30%/năm.
Kết quả kinh doanh của HPX qua các năm, đv: tỷ đồng (Nguồn: HK tổng hợp qua báo cáo tài chính)
Năm 2019 Hải Phát Invest đưa ra kế hoạch tăng trưởng thần tốc khi doanh thu gấp hơn 2 lần năm 2018 còn lợi nhuận gấp 1,6 lần.
Đặt ra mục tiêu “khủng” cho năm 2019 nhưng kết thúc quý I doanh thu của Công ty mới chỉ đạt 335 tỷ đồng, lãi sau thuế 18 tỷ đồng; tương ứng chỉ thực hiện được 8% kế hoạch doanh thu và 2,5% lợi nhuận cả năm. Liệu con số mục tiêu đặt ra có quá “ngợp” với Hải Phát Invest?
Nguồn: HK tổng hợp qua báo cáo tài chính
Xét về quy mô tài sản thì có thể thấy từ năm 2017 đến nay tổng tài sản của Hải Phát Invest tăng mạnh đặc biệt là tăng vay nợ.
Nếu cuối năm 2016, tổng nợ đi vay của Công ty chỉ là 1.173 tỷ đồng thì tới ngày 31/3/2019 con số này đã lên tới 2.331 tỷ đồng, trong đó có 1.700 tỷ đồng là vay từ phát hành trái phiếu cho các ngân hàng.
Hệ số đi vay/vốn chủ sở hữu có xu hướng ổn định từ năm 2018 đến nay trong khi đó hệ số đi vay/tổng tài sản lại tăng từ 0,19 lần năm 2015 lên 0,31 lần tại ngày 31/3/2019.
Về hàng tồn kho thì đã có chiều hướng giảm trong giai đoạn 2015 – 2017. Tuy nhiên sang năm 2018 thì hạng mục này lại tăng mạnh.
Tại ngày 31/3/2019, hàng tồn kho chủ yếu là dự án xây dựng dở dang của Hải Phát Invest là 2.897 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần tại thời điểm cuối năm 2017 do chủ yếu tăng lên ở dự án Hải Phát Plaza và dự án Phú Lương.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 của HPX
Trong đó tháng 7/2016 dự án Hải Phát Plaza (Roman Plaza) đã được UBND TP Hà Nội giao 35.893 m3 đất tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho Hải Phát thực hiện xây dựng tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý III/2019. Dự án The Vesta và Roman Plaza (thấp tầng) là hai dự án lớn chiếm tới 55% cơ cấu doanh thu của năm 2018.
Còn dự án Phú Lương nằm ở quận Hà Đông, Hà Nội với diện tích đất hơn 3,57 ha với 236 căn nhà liền kề và biệt thự. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.082 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý II/2019.
Thời gian gần đây Hải Phát Invest đang dính vào lùm xùm quanh sự việc khách hàng từ chối nhận nhà tại dự án nhà ở xã hội The Vesta (Phú Lãm – Hà Đông) do căn hộ không đúng như mô tả, tư vấn và cả hợp đồng trước đó.
Dự án có quy mô 4,51 ha, tổng vốn đầu tư 1.756 tỷ đồng, khởi công xây dựng vào tháng 5/2015 và dự kiến bàn giao vào quý II/2019. Thậm chí dự án này còn được vinh danh tại Giải thưởng quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 cho dự án tốt nhất.
Người dân khu đô thị mới Tân Tây Đô treo băng rôn yêu cầu Hải Phát Invest giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch cho cư dân (Ảnh: Môi trường và Đô thị)
Trước đó dù Hải Phát Invest được giải thưởng Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu tin dùng năm 2018 song tháng 7/2018, cư dân các tòa chung cư HHB và CT2A-B thuộc khu đô thị mới Tân Tây Đô của Hải Phát Invest đã căng băng rôn “đòi” nước sạch.
Cư dân ở đây đã phản ánh, viết đơn thư gửi đi nhiều cơ quan chức năng nhưng chưa được xử lý. 5 năm cho tới thời điểm đó, cư dân phải sử dụng nước nhiễm nồng độ Asen vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế.
Hoàng Kiều