HAGL báo lỗ 713 tỷ trong quý II, vốn lưu động âm hơn 12.700 tỷ đồng

Doanh thu từ trái cây giảm tới 56% chưa kể trong quý II HAGL không còn doanh thu từ bán ớt dẫn tới thu không bù chi và Tập đoàn phải gánh khoản lỗ tới 713 tỷ đồng tính riêng quý II.

Doanh thu trái cây lao dốc, HAGL lỗ 713 tỷ đồng trong quý II

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 chưa kiểm toán.

HAGL báo lỗ 713 tỷ trong quý II, vốn lưu động âm hơn 12.700 tỷ đồng - Ảnh 1
Kết quả kinh doanh quý II của HAGL (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II)

Hết quý II, HAGL chỉ đạt 513 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm tới 73% so với cùng kỳ năm 2018 do doanh thu từ trái cây giảm tới 56% còn 408 tỷ đồng chủ yếu đến từ chanh dây. Bên cạnh đó, trong kỳ Tập đoàn cũng chủ động điều tiết mùa vụ, không thu hoạch nhiều so với quý II/2018.

Không chỉ doanh thu từ trái cây giảm mà trong kỳ Tập đoàn không còn doanh thu từ bán ớt  do chuyển đổi từ diện tích trồng ớt sang các loại cây dài ngày trong khi cùng kỳ ớt mang lại tới 359 tỷ đồng doanh thu. Chưa kể tới trong kỳ không còn phát sinh doanh thu từ dịch vụ cho thuê, bán bò và bất động sản.

HAGL báo lỗ 713 tỷ trong quý II, vốn lưu động âm hơn 12.700 tỷ đồng - Ảnh 2
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II

Chi phí lãi vay giảm 20% so với cùng kỳ còn 358 tỷ đồng do giảm dư nợ vay cùng với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá cũng giảm 79% còn 20 tỷ đồng trong quý II.

Đáng chú ý, trong kỳ HAGL ghi nhận khoản lợi nhuận khác âm 358 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 111 tỷ đồng do Tập đoàn đánh giá lại các tài sản không hiệu quả, điều chỉnh các chi phí chuyển đổi vườn cây ăn trái.

Doanh thu giảm mạnh, chi phí “ăn mòn” hết lợi nhuận gộp cùng khoản lỗ khác tăng mạnh khiến HAGL báo lỗ tới 713 tỷ đồng trong quý II trong khi cùng kỳ báo lãi 44 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại ngày 30/6 lên tới gần 715 tỷ đồng. 

6 tháng, HAGL đạt 923 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 68% so với cùng kỳ và báo lỗ tới 691 tỷ đồng. Năm 2019 Tập đoàn lên kế hoạch doanh thu thuần 5.125 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 88 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng đầu năm HAGL mới chỉ thực hiện được 18% mục tiêu doanh thu và quá xa vời với kế hoạch có lãi cả năm.

Vốn lưu động âm hơn 12.700 tỷ đồng

Tại ngày 30/6 tổng tài sản của HAGL đạt 49.206 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng dở dang dài hạn chiếm tới 35% tài sản là gần 17.443 tỷ đồng.

HAGL báo lỗ 713 tỷ trong quý II, vốn lưu động âm hơn 12.700 tỷ đồng - Ảnh 3
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II

Chi phí phát triển vườn cây ăn trái là hơn 4.780 tỷ đồng. Dù liên tục thoái vốn khỏi các công ty cao su nhưng hết quý II chi phí phát triển vườn cây vẫn lên tới 4.877 tỷ đồng bên cạnh chi phí phát triển cây cọ dầu hơn 3.547 tỷ đồng.

Ngoài ra Tập đoàn vẫn còn 3.357 tỷ đồng chi phí dở dang ở nhà máy thủy điện dù Công ty đã đẩy mạnh thoái vốn khỏi mảng này từ năm 2013 đến nay nhằm tái cấu trúc kinh doanh và tài chính.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã kiểm toán, Tập đoàn cho biết số dư chi phí dở dang ở nhà máy thủy điện thể hiện các dự án thuỷ điện Nậm Kông 2 và Nậm Kông 3 đã được ký kết hợp đồng mua bán với Chaleun Sekong Group. Tại ngày 31/12/2018, Tập đoàn đã nhận được một khoản tiền ứng trước từ đối tác này và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến việc chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng các dự án này dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm 2019.

Kết thúc quý II, tổng phải thu ngắn hạn và dài hạn của HAGL là 10.571 tỷ đồng, trong đó phải thu về cho vay lên tới 7.523 tỷ đồng với các bên liên quan.

HAGL báo lỗ 713 tỷ trong quý II, vốn lưu động âm hơn 12.700 tỷ đồng - Ảnh 4
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II

Trong các đơn vị đi vay HAGL thì CTCP Chăn nuôi Gia Lai vay nhiều nhất với 4.245 tỷ đồng, tiếp đến là CTCP Lê Me hơn 2.100 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại ngày 30/6, HAGL đang cho ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn vay ngắn hạn hơn 11 tỷ đồng bên cạnh đó HAGL cũng cho bà Hồ Thị Kim Chi – Phó Tổng giám đốc vay gần 8,3 tỷ đồng.

Tổng nợ đi vay của HAGL tại ngày 30/6 là 17.623 tỷ đồng, gấp 1,17 lần so với vốn chủ sở hữu chủ yếu là vay trái phiếu và ngân hàng. Tuy nhiên so với đầu năm thì dư nợ cho vay cuối quý II đã giảm tới 4.130 tỷ đồng do giảm nợ từ trái phiếu.

Đáng lưu ý, vốn lưu động của Tập đoàn kết thúc quý II âm tới 12.754 tỷ đồng. Cuối năm 2018 vốn lưu động của HAGL cũng âm tới 6.569 tỷ đồng là một phần lý do khiến kiểm toán nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục