VTC News đưa tin, tiếp tục kỳ họp thứ 12, HĐND TP.Hà Nội xem xét, biểu quyết thông qua việc quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn Hà Nội.
Về phạm vi điều chỉnh, nghị quyết này quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu để được giải quyết đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ áp dụng trên địa bàn thành phố.
Đối tượng áp dụng là các cơ quan đăng ký cư trú trên địa bàn TP.Hà Nội; công dân Việt Nam đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn TP.Hà Nội trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Cư trú năm 2020.
Bên cạnh đó, nghị quyết còn áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện nghị quyết này.
Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP.Hà Nội như sau:
Đối với khu vực ngoại thành là 8 m2/sàn/người
Đối với khu vực nội thành là 15 m2/sàn/người
Diện tích nhà ở tối thiểu quy định tại nghị quyết là diện tích được tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
Nghị quyết giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; quá trình thực hiện có rà soát, đánh giá các tác động để điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp theo thực tế phát triển của TP.Hà Nội.
Báo Dân trí dẫn lời Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hải Trung trình bày dự thảo nghị quyết cho biết, việc quy định 15m2 sàn/người ở nội thành dựa trên tinh thần kế thừa Luật Thủ đô và quyết định của HĐND Hà Nội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết quy định diện tích diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú.
Theo ông Trung, căn cứ tính chất đặc thù của địa bàn, UBND Hà Nội thống nhất cần quy định phân vùng khu vực và phân vùng diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.
Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, đại diện Ban Pháp chế HĐND thành phố đồng tình với việc ban hành Nghị quyết nhưng cho rằng việc này chỉ là giải pháp trước mắt để từng bước giải nén, giảm tải áp lực về quy mô dân số cho các quận nội thành nói riêng và sẽ đạt kết quả khi thực hiện đồng bộ các giải pháp khác.
Thời gian tới, Hà Nội cần xây dựng các cơ chế, chính sách, sử dụng các "công cụ" quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số…
Ban Pháp chế cũng đề nghị UBND thành phố tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù có hiệu quả trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.