Có thể thấy rõ, từ ngày 10/3 khi thành phố ra quân dành lại vỉa hè cho người đi bộ thì số lượng các điểm đỗ xe lại ngày càng ít đi. Trong khi đó, số lượng phương tiện vẫn ngày càng tăng cao đã làm cho sức ép về chỗ để xe của người dân “nóng” hơn bao giờ hết. Xem ra câu chuyện về chỗ để xe cho người dân thủ đô hiện đang là bài toán hóc búa cho các ngành chức năng…
“Khát” điểm đỗ xe…
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan này hiện đang quản lý 630.710 xe ô tô, 5.319.822 xe mô tô. Trung bình 1 ngày có khoảng 1.300 xe mô tô và khoảng 200 xe ô tô mới được đăng ký. Còn theo Phòng Cảnh sát trật tự - Công an thành phố Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có tới 939 điểm trông giữ xe, có hơn 600 điểm giữ xe trên vỉa hè, 300 điểm dưới lòng đường, trong đó có hơn 200 điểm giữ xe không phép. Trong các điểm trong giữ xe này có tới gần 400 điểm ở trước cửa các cơ quan, bệnh viện, trường học, đặc biệt là các điểm giữ xe của các cơ quan Trung ương. Trong sô gần 400 điểm này chỉ có 185 điểm giữ xe có phép, còn lại toàn bộ là không có phép.
Do không có chỗ đậu xe nên ở hầu hết các tuyến phố số lượng các xe ô tô lấn chiếm lòng đường rất phổ biến.
Sau gần 1 tháng Hà Nội ra quân trả lại vỉa hè cho người đi bộ, điều chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở tất cả các vỉa hè vốn bị chiếm dụng làm nơi đậu đỗ các loại xe, gánh hàng rong thì đến nay đã thông thoáng, rộng rãi. Tuy nhiên, việc dân tìm được một điểm đỗ, một điểm gửi xe, nhất là đối với xe ô tô là rất khó khăn, nhất là các tuyến phố ở các quận trung tâm. Do không có chỗ để xe một số người dân đành chuyển từ đi ô tô sang đi xe máy, taxi hoặc đi xe ôm để đi làm.
Anh Nguyễn Ngọc Toàn, trú tại đường Nguyễn Đổng Chi, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm hiện đang công tác tại một công ty tư nhân trên phố Trần Bình Trọng, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng. Trước đây, anh vẫn thường gửi xe ô tô của mình tại một bãi xe tự phát gần cơ quan. Tuy nhiên, sau ngày 10/3, điểm trông giữ xe tự phát này cũng phải đóng cửa nên anh phải chuyển sang gửi xe tại một tòa nhà cách công ty tới gần 1 cây, song tầng hầm này chỗ chứa cũng có hạn nên muốn có chỗ đỗ thì anh phải dậy và đi làm rất sớm. Anh cho biết, có hôm do công việc nên anh đi muộn, khi đến nơi thì đã hết chỗ gửi xe anh phải đi vòng vèo tới bốn, năm tuyến phố để gửi xong cũng không thể tìm ra chỗ gửi: “Hôm đó tôi đã phải đi xe về để nhà rồi bắt taxi đi làm. Và từ ngày Hà Nội siết chặt quản lý vỉa hè, xe cũng không thể để lung tung được nữa nên tôi chuyển sang đi xe máy, khi nào tìm được bãi đỗ xe gần công ty mới tính tiếp”. Anh Toàn chia sẻ thêm.
Bác Trần Văn Bình, nhà ở Khu tập thể Đại học Văn hóa, ngõ 189 Giảng Võ cho biết: “Do nhà nằm trong ngõ nhỏ, ô tô không thể vào được nên tôi đã phải gửi xe tại một bãi xe tự phát trên phố Hào Nam. Tuy nhiên, từ hôm thành phố ra quân dẹp lấn chiếm lòng đường vỉa hè thì bãi xe trên phố này cũng đã bị “xóa sổ”, tôi đã đi tìm khắp các tuyến đường xung quanh như Cát Linh, Tôn Đức Thắng, phố Mai Anh Tuấn, Nguyễn Thái Học cũng không có nơi nào nhận ô tô cả”. Cực chẳng đã, bác Bình đã phải gửi xe về người họ hàng ở Cầu Diễn, mỗi khi gia đình có việc cần dùng ô tô bác phải đi hơn chục km để lấy xe.
Còn chị Phạm Thanh Hà ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ, chị có việc giao dịch tại một tòa nhà ở Cầu Giấy. Xe ôtô xuống hầm được nhập dữ liệu điện tử. Mặc dù biết giá trông giữ xe theo giờ nhưng chị chắc khung giờ quy định của thành phố là 2 tiếng. Bởi thế, giao dịch xong trong vòng 1 tiếng, hôm đó, do gặp người quen nên chị đã nán lại để trò chuyện thêm vài phút nữa. “Không ngờ khi trả tiền trông xe, máy tính tính mức giá 2 tiếng cho tôi 40.000 đồng. Nếu biết trước thì tôi đã liệu thời gian cho đỡ tốn tiền. Một ngày trung bình tôi phải đi giao dịch rất nhiều nơi, cứ như thế này thì chi phí cho việc đi lại, đỗ xe vô cùng tốn kém”. Chị Hà nói thêm.
Theo quan sát, ở tại các trung tâm thương mại, tòa nhà lớn có tầng hầm để xe nhưng nhiều người lại không dám đưa xe vào. Mức trung bình là 20.000đ - 30.000đ/h/ôtô. Nếu để xe một ngày thì số tiền này sẽ lên tới vài trăm nghìn đồng. Bởi vậy, nhiều người làm việc trong các tòa nhà lớn không dám đưa xe vào chính tầng hầm đó mà chuyển đi cất ở những nơi khác hoặc đi xe máy đi làm.
Theo ghi nhận của chúng tôi ở một số tuyến phố, mặc dù đã có biển cấm đậu đỗ xe. Tuy nhiên, vì không có điểm dừng đỗ nên hầu hết các xe đều vi phạm.
Cả những phố có biển cấm, các xe vẫn vô tư vi phạm.
Ủng hộ chủ trương dành lại vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ, tuy nhiên nhiều người tham gia giao thông cũng cho rằng, trong lúc phương tiện đang “khát” chỗ đậu đỗ xe như hiện nay việc bố trí tạm thời lòng đường, vỉa hè với những tuyến phố có đủ điều kiện là hoàn toàn cần thiết. Cùng với đó, thành phố và các cơ quan chức năng cần phải thực hiện việc này nghiêm túc, có tiêu chí rõ ràng và quản lý sát sao, tránh tình trạng rập khuân, làm theo phong trào, tuyến phố nào cũng giải tỏa cũng cấm, dẫn đến rối loạn vì người dân thiếu điểm đỗ xe.
Cần nhiều giải pháp
Một số chuyên gia đề xuất các giải pháp bảo đảm sự hài hòa giữa kinh tế vỉa hè và mỹ quan đô thị bằng phương thức quản lý hiệu quả. Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm đề xuất: Cần nhìn nhận đầy đủ chức năng của vỉa hè, việc lập lại trật tự không đơn thuần chỉ là vì tiêu chí gọn gàng. Cách sắp xếp vì thế phải phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng tuyến phố trên cơ sở điều tra dư luận xã hội. Ở nhiều tuyến phố, vỉa hè cũng có thể cho thuê sử dụng vào mục đích kinh doanh, quan trọng là thuê vào giờ nào, nơi nào và giá thuê ra sao.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính lưu ý: Sử dụng tuyến phố nào để cho người dân thuê làm dịch vụ thương mại, ẩm thực phải trên cơ sở phân loại kỹ lưỡng. Sau đó phải xem xét mối liên kết về giao thông giữa khu vực dự định cho thuê với giao thông chung quanh ra sao, có thuận tiện đỗ xe hay không. Người thuê phải chịu trách nhiệm duy trì hè phố ngăn nắp, mỹ quan. Đây chính là giải pháp hướng tới sự cân bằng giữa vấn đề kinh tế vỉa hè và mỹ quan đô thị, nó không chỉ phù hợp với giai đoạn quá độ trước mắt, khi diện tích dành cho giao thông tĩnh quá thiếu, hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, mà có thể còn áp dụng lâu dài.
Như vậy, để duy trì trật tự vỉa hè, lòng đường, bên cạnh tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, thì công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước hoặc ít nhất phải theo kịp tốc độ phát triển, nhu cầu đời sống của nhân dân. Ngoài việc đầu tư cho hệ thống giao thông tĩnh, thành phố cần đẩy mạnh thực hiện các dự án phát triển giao thông công cộng. Khi tàu điện ngầm, tàu điện trên cao đi vào hoạt động, sẽ hạn chế người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, từ đó sẽ khắc phục các hệ lụy do sự bùng nổ về số lượng xe máy, ô-tô con gây ra như hiện nay.
Trước khi các giải pháp đưa ra được thực hiện thì người dân Hà Nội vẫn phải… mỏi mắt tìm điểm trông giữ xe, tự khắc phục tình trạng thiếu hụt bãi đỗ như hiện nay.
Đỗ Trần