Hà Nội liệu có thể xây NOXH giá 100 triệu đồng?

(Kinhdoanhnet) - Thông tin giá bán căn hộ nhà ở xã hội tại Bình Dương chỉ từ 100 triệu đồng/căn đã khiến dư luận cả nước không khỏi bất ngờ. Không ít chuyên gia BĐS và chủ đầu tư cho rằng, Hà Nội có thể xây nhà 100 triệu đồng/căn hộ nếu áp dụng đúng mô hình nhà ở xã hội tại Bình Dương. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là quỹ đất nội thành hạn hẹp, còn xây ở ngoại thành sẽ rơi vào cảnh không có người mua.

 Hà Nội liệu có thể xây NOXH giá 100 triệu đồng? - Ảnh 1
Hà Nội liệu có thể có NOXH giá 100 triệu đồng?

Đầu tháng 4 vừa qua, tỉnh Bình Dương đã tổ chức khánh thành 5.000 căn NƠXH có giá bán từ 100 triệu đồng/căn với diện tích khoảng 30m2 (gồm 20m2 sàn và 10m2 gác lửng). Mỗi tòa nhà cao 5 tầng, được bố trí 3 cầu thang bộ. Trong một căn hộ được bố trí đầy đủ 1 khu WC, 1 phòng bếp. Hành lang, lối đi chung giữa dãy căn hộ rộng 1,4m. Những công nhân không có tiền “mua thẳng” sẽ được trả góp. Tiền trả góp mỗi tháng chỉ khoảng trên 1 triệu đồng - tương đương với tiền thuê nhà trọ, và sau khoảng 5-7 năm chủ nhà sẽ được cấp chủ quyền căn hộ. Không ít chuyên gia BĐS và người lao động thu nhập thấp tại thủ đô đặt câu hỏi: Liệu Hà Nội có làm được không?

Mỗi năm, Hà Nội đưa vào sử dụng hàng nghìn căn hộ NƠXH nhưng nguồn cung không đủ cầu. Cảnh người dân xếp hàng đi nộp hồ sơ, những khuôn mặt thẫn thờ khi bốc trượt quyền được mua căn hộ diễn ra tại nhiều dự án: Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), Chèm - Cổ Nhuế (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Một nguyên nhân dẫn đến việc nguồn cung NƠXH hạn chế do Hà Nội thiếu quỹ đất cho loại hình nhà ở này. Nhiều chủ đầu tư có kinh nghiệm làm NƠXH muốn làm tiếp nhưng phải dừng vì “hết đất”.

“NƠXH 100 triệu đồng/căn hộ tại Bình Dương dành cho đối tượng công nhân. Hà Nội hoàn toàn có thể làm được nhà ở giá rẻ như Bình Dương, nếu cần có thể thí điểm gần các khu công nghiệp. Vấn đề là Hà Nội có quan tâm đến công nhân hay không mà thôi”.

Chia sẻ vấn đề Bình Dương làm NƠXH 100 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Đa, Phó Giám đốc Cty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai - chủ đầu tư 2 dự án NƠXH tại quận Hà Đông, cho rằng: “Trong các quận nội thành, nếu làm dự án 5 tầng như Bình Dương rất lãng phí. Còn ở ngoại thành như Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai... sợ rằng không có người mua. Cách đây 7 - 8 năm, công ty dự định làm mô hình nhà ở như Bình Dương, nhưng nhu cầu lúc đó rất thấp. Sở dĩ Bình Dương bán hết 5.000 căn hộ vì lượng công nhân đổ về Bình Dương gia tăng nhanh”.

Cũng theo ông Đa, Bình Dương làm được NƠXH 100 triệu đồng bởi sự đồng thuận từ chủ đầu tư, chính quyền, người dân và ngân hàng. Dự án này nằm trong khu phức hợp công nghiệp - đô thị nên chủ đầu tư được phép chuyển toàn bộ chi phí hạ tầng, đường sá, nhà đậu xe... vào chi phí cho thuế đất công nghiệp, thành ra giá bán chỉ là chi phí xây dựng nhà. Hiện giá xây dựng khoảng 4 triệu đồng/m2 và mỗi căn hộ 30m2 tại Bình Dương chỉ xây 20m2 sàn. “Ở Hà Nội nếu có đất sạch, doanh nghiệp được vay ưu đãi, áp dụng theo thiết kế của Bình Dương thì không có gì là không làm được. Thậm chí còn làm tốt hơn Bình Dương”, ông Đa nói.

Đồng quan điểm với ông Đa, ông Nguyễn Quý Hưng, Tổng Giám đốc Cty CP Phát triển NƠXH (HUD) cho biết: “Chúng tôi đang triển khai dự án NƠXH Tây Nam Linh Đàm và bàn giao vào quý III tới. Những căn hộ 35m2 thu hút nhiều khách hàng. Sắp tới, nếu Hà Nội có đất triển khai tiếp các dự án NƠXH, công ty sẽ chú trọng xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ”.

Ông Hưng cho biết NƠXH tại Hà Nội cao hơn so với nhiều địa phương vì xây cao tầng (từ 12 - 22 tầng), cộng thêm chi phí giải phóng mặt bằng... sẽ đội giá thành lên. “Quỹ đất sạch là điều kiện cần. Nhưng đất sạch ở đâu mới là quan trọng nhất. Nếu đem áp dụng xây NƠXH tại khu công nghiệp ngoại thành Hà Nội sẽ thành công còn xây trong nội thành sẽ gây nhiều tranh cãi vì áp lực hạ tầng”, ông Hưng nói.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, các địa phương đều có thể làm như mô hình của Bình Dương, tuy nhiên còn không ít vướng mắc trong chính sách phát triển NƠXH, cụ thể là lãi vay. Hiệp hội đề nghị mức lãi suất vay gói 30.000 tỷ đồng nên giảm về mức 3-3,5% (thay vì 5 đến 6% hiện nay), đồng thời có ân hạn 3 năm đầu chưa phải trả lãi để hỗ trợ người vay.

Đồng thời, nâng thời hạn vay từ 15 năm lên 20 năm. Đây là kiến nghị từ thực tế bởi gói hỗ trợ này phục vụ chủ yếu đối tượng nghèo, thu nhập thấp. Để thời hạn vay 15 năm họ khó tích lũy đủ trả nợ. Đề xuất của chúng tôi cũng dựa theo thông lệ cho vay trả góp của thế giới là 25 năm. Nhiều nước cho vay trả góp từ 20 đến 30 năm.

Ông Nguyễn Văn Đực - PGĐ Công ty Địa ốc Đất Lành cũng đánh giá, tỉnh Bình Dương có chính sách về nhà thu nhập thấp tốt hơn Hà Nội và các địa phương khác vì tỉnh này đã có sẵn quỹ đất sạch với diện tích khoảng 200ha, đồng thời hạ tầng cũng đã xây dựng cơ bản để phục vụ làm NƠXH.

“Giá bán căn hộ tại nhiều NƠXH của Hà Nội vẫn còn cao do phải gánh chi phí GPMB lớn. Nếu TP Hà Nội làm tốt việc xây dựng trên quỹ đất 20% cũng sẽ tạo ra quỹ đất sạch cho NƠXH. Bên cạnh đó, khối nhà này cũng được hưởng lợi từ hạ tầng xung quanh”, ông Đực phân tích. 

Mô hình NƠXH của Bình Dương rất tốt mà các tỉnh, TP khác nên học hỏi để nhân rộng, nhất là tại các đô thị lớn - nơi mà người thu nhập thấp, dân nhập cư vẫn đang rất khát khao có một mái nhà để an cư. Mặt khác, về quy hoạch phát triển đô thị cũng phải chấp nhận quy hoạch các khu vực phát triển NƠXH. Đây sẽ là những KĐT vệ tinh quy hoạch những căn hộ có diện tích vừa và nhỏ với giá bán bình dân, hạ tầng xã hội đáp ứng các nhu cầu với đầy đủ dịch vụ thương mại từ bệnh viện, trường học đến ngân hàng, cửa hàng...

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Tiền Phong, Tuổi trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục