Hà Nội đứng thứ 2 sau TP. HCM về thu hút FDI vào BĐS

(Kinhdoanhnet) - Trong lĩnh vực kinh doanh BĐS thì TPHCM là tỉnh thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong lĩnh vực này với hơn 190 dự án và 13,4 tỉ USD vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ hai với 92 dự án và 8 tỉ USD vốn đầu tư. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ ba với 10 dự án và 6,1 tỉ USD vốn đầu tư. Các tỉnh tiếp theo là Bình Dương, Quảng Nam, Đồng Nai, Hải Phòng...

Hà Nội đứng thứ 2 sau TP. HCM về thu hút FDI vào BĐS - Ảnh 1
TPHCM hút mạnh vốn FDI đầu tư vào bất động sản

Theo các chuyên gia, năm 2015, lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi thị trường này có sự tăng trưởng khá tốt và đang trên đà phục hồi, trong đó địa bàn TPHCM đang trở thành một địa chỉ hấp dẫn đầu tư với khối ngoại.

Căn cứ vào Báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài vào kinh doanh bất động sản Việt Nam vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thì đến nay đã có 475 dự án của khối doanh nghiệp FDI đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 48,4 tỉ USD, chiếm 2,5% tổng số dự án và 19% tổng vốn đầu tư của cả nước và đứng thứ hai về ngành lĩnh vực thu hút FDI. Quy mô bình quân dự án trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là 106 triệu USD.

Xét về hình thức đầu tư, các dự án trong lĩnh vực này chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài, chiếm khoảng 66,5% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này. Dự án theo hình thức liên doanh chiếm 30% tổng vốn đầu tư. Còn lại là đầu tư theo hình thức CTCP, hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Đáng chú ý, trong số các quốc gia đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh BĐS thì Singapore dẫn đầu với 75 dự án và 10 tỉ USD vốn đầu tư, chiếm 16,4% tổng số dự án và 20,6% tổng vốn đầu tư của toàn ngành kinh doanh BĐS. Đứng thứ hai là Hàn Quốc với gần 82 dự án và gần 7 tỉ USD vốn đầu tư, chiếm 18% tổng số dự án và 14,4% tổng vốn đầu tư của toàn ngành. Đứng thư ba là BritishVirginIsland với 66 dự án và 6,1 tỉ USD vốn đầu tư, chiếm 14,4% tổng số dự án và 12,7% tổng vốn đầu tư của toàn ngành. Các quốc gia, vùng lãnh thổ khác cũng có số dự án lớn trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là là Malaysia, Canada, Hồng Kông, Hoa Kỳ...

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2015 là năm nhiều chính sách kinh tế mới theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn chính thức có hiệu lực, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... trong đó có các quy định nới lỏng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam. Cơ hội sẽ càng mở ra nhiều hơn khi thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia vào Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương cũng như các khối thương mại tự do.

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, Luật kinh doanh bất động sản với nhiều thay đổi tiến bộ là không bắt buộc chủ dự án phải làm hạ tầng, chỉ cần sổ đỏ là có thể chuyển nhượng dự án nên dự báo thị trường mua bán dự án sẽ sinh động hơn. 

“Thị trường mua bán, sang nhượng dự án bất động sản đang thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, nhờ quy định dự án có sổ đỏ mới được mua bán sang nhượng, đáp ứng nhu cầu minh bạch và an toàn mà nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường tại Việt Nam” - ông Châu phân tích.

Hiện tại, nhiều “đại gia” ngoại quốc đã quay trở lại đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Đơn cử, sau thời gian tìm kiếm dự án, Tập đoàn Hamon Developments (Anh) đã quyết định đổ vốn vào dự án chung cư cao cấp Gateway tại khu Thảo Điền, quận 2, TP.HCM. Dự án này được xây dựng trên diện tích khoảng 1,1ha gồm 4 tòa tháp với 546 căn hộ cao cấp. Tổng vốn đổ vào dự án này là hơm 100 triệu USD do Hamon Developments liên doanh với Công ty CP Sơn Kim Land thực hiện. Đồng thời, đây còn dự án bất động sản thứ ba mà Hamon Developments đầu tư vào nước ta, sau dự án Nguyen Du Park Villas ở TP.HCM và Hanoi Business Center tại Hà Nội. 

Tại TP.HCM, sự xuất hiện của Tập đoàn Samsung tại Khu Công nghệ cao TP.HCM – SHTP với dự án Samsung CE Complex có tổng vốn 1,4 tỷ USD cũng là điểm nhấn ấn tượng... Theo các chuyên gia, việc thu hút vốn đầu tư ngoại vào thị trường theo hình thức nào cũng là việc làm hết sức cần thiết và là yêu cầu tất yếu góp phần phát triển kinh tế.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Lao động, TNCK)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục