UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 6869/VP-KT về tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sử dụng nhà, đất công trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản giao Sở Tài chính chỉ trì, phối hợp cùng Sở Tài nguyên Môi trường và các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất công trên địa bàn TP. Với các trường hợp sai phạm như cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, sử dụng làm nhà ở không đúng quy định sẽ xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Hết hạn cho thuê 5 năm nhưng 34.000 m2 đất số 107 Ngụy Như Kon Tum vẫn bị Công ty Seaprodex "xẻ thịt" cho thuê
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, từ năm 2008 - 2017, trên địa bàn thành phố có 9 doanh nghiệp đã thực hiện sáp nhập, giải thể theo quy định. Các doanh nghiệp này quản lý, sử dụng 28 cơ sở nhà đất với tổng diện tích khoảng 1.344,8 ha đất. Tuy nhiên, đến nay không một doanh nghiệp nào tiến hành trả đất cho thành phố.
Ngoài ra, hàng loạt khu đất công đang bị sử dụng sai mục đích, đất đai nhà máy sau di dời hóa chung cư trái với chủ trương chủ TP, nhiều doanh nghiệp đã di dời từ lâu nhưng vẫn ôm đất, xẻ đất cho thuê.
Trong đó có thể kể đến như dự án Thống Nhất Complex tại số 82 Nguyễn Tuân xây trên đất công nghiệp của Nhà máy xe đạp Thống Nhất; Dự án chung cư 90 Nguyễn Tuân trên đất vàng của Xí nghiệp xe buýt Hà Nội (Transerco); Dự án chung cư Thăng Long Garden tại số 250 Minh Khai xây dựng trên 13.500 m2 đất sau di dời của Công ty cổ phần May Thăng Long.
Khu đất số 107 Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân có diện tích 34.000m2 được giao cho Công ty CP XNK Thủy sản Hà Nội (Seaprodex) với mục đích sản xuất chế biến. Tuy nhiên, dù đã hết hạn thuê đất 5 năm, khu đất này vẫn ngang nhiên bị "xẻ thịt" thành hàng chục kiot cho thuê trái phép. Đại diện Seaprodex cho biết, dự án chưa được gia hạn thuê đất lý do là đang chờ thành phố quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành sản xuất, chế biến, xây chung cư hay trung tâm thương mại.
Hay CTCP Xây lắp cơ và cơ khí cầu đường dù đã di dời nhưng vẫn xẻ đất cho các xưởng in thuê gây ô nhiễm nghiêm trọng...
Tổng công ty Công nghiệp xi măng đang xin bán "đất vàng" trước khi cổ phần hóa (ảnh: Dự án VICEM Tower)
Mới đây, Tổng Cty Công nghiệp xi măng trong quá trình cổ phần hóa cũng đã xin chuyển nhượng các dự án đất vàng tại tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Mễ Trì; Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy; lô đất 166.527m2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An)... sử dụng sai mục đích dẫn đến nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay và việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại thành phố Hà Nội (giai đoạn 2003 - 2016).
Theo kết luận trên, UBND TP Hà Nội đã không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể nên các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.
Theo đó, có những doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ), việc tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất đối với các dự án đã không căn cứ vào Thông tư 145 năm 2007 của Bộ Tài chính và thông tư 36 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phương pháp xác định giá đất. Điều này dẫn tới chủ đầu tư được hưởng lợi kinh tế, ngân sách thất thu số tiền lên tới gần 4.000 tỷ đồng.
Theo Diendandoanhnghiep