Green View: “8 tháng tuổi” nợ nần vẫn làm dự án Lâm Đồng

Mặc dù mới chỉ “8 tháng tuổi” và hoạt động trong ngành nghề “Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống” nhưng Green View vẫn rộng cửa trở thành chủ đầu tư dự án ở Lâm Đồng. Ngoài ra, công ty con bị “trừ điểm” khi nằm trong hệ sinh thái yếu ớt, nợ nần.

“8 tháng tuổi” hoạt động trong lĩnh vực nông lâm sản

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đang thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Green View của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Green View (Công ty Green View).

Dự án này gây chú ý vì ứng cử viên tiềm năng – Công ty Green View mới được thành lập cách đây không lâu (ngày 22/8/2022). Bên cạnh đó, ngành nghề của Green View cũng không có “điểm chung” với chủ đầu tư một dự án bất động sản. Ngành nghề kinh doanh chính của Green View là “Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống. Chỉ kinh doanh động vật sống trong danh mục nhà nước cho phép”.

Công ty Green View xây dựng dự án Khu nông thôn kiểu mẫu tại xã Đam Bri, Tp. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh minh họa.
Công ty Green View xây dựng dự án Khu nông thôn kiểu mẫu tại xã Đam Bri, Tp. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh minh họa.

Dù mới có “8 tháng tuổi” và hoạt động trong lĩnh vực không liên quan bất động sản nhưng Công ty Green View vẫn rộng cửa trở thành chủ đầu tư dự án Green View khi mà Sở Tài chính Lâm Đồng khẳng định năng lực tài chính theo hồ sơ của Công ty Green View tại thời điểm cơ quan này xem xét thì "đảm bảo đủ điều kiện".

Cụ thể, Green View có tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng sẽ được xây dựng trên quỹ đất rộng 9,9ha tại thôn 12, xã Đam Bri, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Nguồn vốn của Công ty Green View là 104 tỷ đồng (tương đương 20% vốn đầu tư dự án); 416 tỷ đồng còn lại là vốn huy động. Ở thời điểm thành lập, vốn điều lệ của Green View là 200 tỷ đồng, cao hơn mức quy định 104 tỷ đồng.

Công ty mẹ bị tố “xẻ đồi” ở Lâm Đồng, nợ như chúa Chổm

Green View mới ra đời cách đây chưa lâu nên công ty chưa để lại nhiều dấu ấn trên thị trường. Trong khi đó, công ty mẹ vừa nợ nần chồng chất, vừa bị tố “xẻ đồi” ngay trên mảnh đất Lâm Đồng.

Cụ thể, ở thời điểm thành lập, Green View có 2 cổ đông. Đó là Cổ phần Đầu tư Eras Holdings (nắm giữ 85% vốn điều lệ công ty) và ông Lê Tuấn Anh (nắm giữ 15% vốn điều lệ công ty). Ông Lê Tuấn Anh cũng đồng thời là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc Green View.

Đáng chú ý ở chỗ, hồi năm 2021, công ty mẹ Eras Holdings khiến dư luận “dậy sóng” khi bị tố “xẻ đồi” ở chính xã Đam Bri, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, nơi có dự án Green View. Hồi tháng 5/2021, báo chí đồng loạt đưa tin quả đồi 36ha tại thôn 14, xã Đam B'ri, thành phố Bảo Lộc quảng cáo phân thành hơn 1.000 nền đất để bán mà không cần lập dự án.

Sau sai phạm này, tới cuối năm 2021, quả đồi 36ha này đã được một doanh nghiệp đề nghị tài trợ lập quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2.000. Doanh nghiệp này chính là Công ty cổ phần Đầu tư Eras Holdings.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát và tài trợ lập quy hoạch của doanh nghiệp. Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở đó, Eras Holdings còn xin được mở rộng vùng phụ cận lên tới 108ha.

Có thể thấy mẹ - con Eras Holdings - Green View khá thuận lợi tại Lâm Đồng dù đã bộc lộ không ít vấn đề nêu trên. Và công ty mẹ Eras Holdings còn một vấn đề lớn hơn đó chính là nợ như chúa Chổm suốt thời gian dài.

Tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả của Eras Holdings lên tới 654 tỷ đồng, cao gấp 5,4 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 84,4% tổng nguồn vốn. Trước đó, chênh lệch giữa nợ và vốn của công ty còn cao hơn rất nhiều.

Hồi cuối năm 2020 và 2019, nợ phải trả tại Eras Holdings lần lượt là 775 tỷ đồng và 988 tỷ đồng, cao gấp 7,7 lần và 10,4 lần vốn chủ sở hữu.

Hệ sinh thái thua lỗ của ông Lê Tuấn Anh

Như đã nêu trên, người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc Green View là ông Lê Tuấn Anh. Ngoài ra, ông Lê Tuấn Anh còn đại diện cho hàng loạt đơn vị khác như Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Bình Thuận (Bình Thuận Land), Công ty TNHH Đầu tư quốc tế TTA (Công ty TTA), Công ty TNHH Thương mại Du lịch quốc tế T&A (Công ty T&A) Công ty TNHH Sunrise Phan Thiết Hotel, Công ty TNHH Khai thác, chế biến và kinh doanh Vật liệu xây dựng Kỷ nguyên mới, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Eco Grand Land và Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Sunrise Land.

Đặc điểm chung của không ít các thành viên này chính hoặc quy mô siêu nhỏ hoặc mới thành lập hoặc thua lỗ triền miên. Bình Thuận Land thành lập năm 2017. Kể từ đó đến năm 2020, công ty lần lượt lỗ 1,5 triệu đồng (năm 2017), 302 triệu đồng (năm 2018), 1,7 tỷ đồng (năm 2019) và 525 triệu đồng (năm 2020). Công ty TTA, Công ty T&A thành lập năm 2021, 2016 với vốn điều lệ chỉ 9 tỷ đồng và 300 triệu đồng. Trong khi đó, Sunrise Phan Thiết Hotel, Kỷ nguyên mới, Eco Grand Land và Sunrise Land chỉ mới thành lập trong năm 2022.

Mộc Hương - Hoài Thương

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục