Sau khi cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường lần 1 thất bại do không đủ số lượng cổ đông có quyền biểu quyết tham gia, Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) vừa ra thông báo sẽ tiếp tục tổ chức cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường lần 2 vào ngày 27/6 tới đây. Mục đích cuộc họp lần này là nhằm kêu gọi cổ đông tham gia góp vốn nhằm tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo nguồn vốn hoạt động kinh doanh và giá trị thực của vốn điều lệ đáp ứng mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước quy định.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Đại hội lần 2 này của GPBank sẽ được tổ chức nhưng, GPBank sẽ khó có thể thực hiện tăng vốn pháp định theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Tương lai khả năng lớn GPBank sẽ phải “về tay” Ngân hàng Nhà nước giống 2 ngân hàng là VNCB và OCeanbank. Nếu điều này xảy ra thì đồng nghĩa với việc, các cổ đông hiện hữu của GP bank đang đứng trước nguy cơ mất trắng toàn bộ số tiền đã thực hiện đầu tư vào ngân hàng này.
GPBank khó có thể thoát khỏi “án tử”
Bởi rất khó để tìm được sự đồng thuận giữa các cổ đông của GPBank khi mà thông tin tài chính thực tế của ngân hàng này quá ít ỏi. Hơn nữa để một ngân hàng có thể thực hiện tăng vốn thành công trong tình hình kinh tế Việt Nam như hiện nay là một điều không đơn giản, kể cả khi đã được cơ quan đầu ngành cho phép. Có thể kể tới một số ví dụ điển hình như DongABank, MB, SHB… dù đã lên kế hoạch tăng vốn từ lâu nhưng nhiều năm kế hoạch này vẫn chỉ là “trên giấy”. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu GPBank phải thực hiện tăng vốn trong vòng 30 ngày kể từ ngày 4/6/2015, thử hỏi cổ đông nào sẽ có đủ tiềm lực tài chính cứu được GPBank lúc này?
Thêm vào đó, vào cuối tháng 05 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã Quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ 3 sếp lớn của ngân hàng này. Đó là ông Tạ Bá Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị và chức danh thành viên Hội đồng quản trị; ông Đoàn Văn An - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và chức danh thành viên Hội đồng quản trị; bà Tạ Thu Thủy đối với chức danh thành viên Hội đồng quản trị GPBank.
Đồng thời, để đảm bảo hoạt động của GPBank tiếp tục diễn ra bình thường, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định bà Trần Thị Lệ Nga là người đại diện (bao gồm người đại diện theo pháp luật) của GPBank kể từ ngày 08/4/2015. Bà Trần Thị Lệ Nga nguyên là Trưởng ban Kiểm soát của VietinBank. Đây được coi như là một động thái “dọn đường trước” của Ngân hàng Nhà nước trước khi mua lại bắt buộc ngân hàng này với giá 0 đồng.
Chính vì vậy hy vọng GPBank có thể thoát khỏi “án tử” là quá mong manh.
Được biết hiện nay GPBank đã bị âm vốn quá sâu, trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng có công văn gửi đến Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đề nghị ngân hàng này xem xét nhận GP.Bank vào hệ thống. Tuy nhiên lãnh đạo ngân hàng này đã từ chối với lý do đang còn phải đầu tư vào hệ thống sau khi sáp nhập với Công ty dịch vụ Tiết kiệm bưu điện.
Trong số 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu từ năm 2012, GP.Bank là ngân hàng còn lại duy nhất vẫn chưa có phương án khả thi trong khi 8 ngân hàng còn lại đã hoàn thành công cuộc tái cơ cấu thành công.
Theo các chuyên gia tài chính 3 năm qua đã là thời gian quá đủ để GPBank tìm ra phương án tái cơ cấu cho chính mình. Tuy nhiên ngân hàng này không thể tự tìm ra giải pháp thì việc NHNN ra tay là điều khó tránh. Lý do được các chuyên gia đưa ra đó là nếu để GPBank tồn tại quá lâu sẽ là gánh nặng cho toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
Tuy nhiên dù bị xử lý theo cách nào thì quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng của ngân hàng này sẽ vẫn luôn luôn được bảo đảm.
Ngọc Anh (TH theo Bizlive; LĐ; ANTT)