Hôm qua 5/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra quyết định bước ngoặt. Trong đó, một trong ba lãi suất điều hành chủ chốt của ngân hàng này là lãi suất tiền gửi lần đầu tiên được giảm xuống dưới 0% (-0,1%).
ECB không phải Ngân hàng Trung ương đầu tiên đột phá với lãi suất tiền gửi âm. Trên thực tế, Thụy Sĩ và Đan Mạch đã từng để lãi suất huy động ở mức dưới 0%. Nhưng đây là lần đầu tiên biện pháp này được áp dụng trên phạm lớn của 18 quốc gia thành viên trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Chưa kể, số quốc gia áp dụng có thể lên đến 19 nếu biện pháp được duy trì đến năm 2015 - thời điểm Eurozone dự kiến kết nạp thành viên mới là Cộng hòa Litva.
Nhưng thực sự thì lãi suất huy động âm được ECB áp dụng là gì?
Để định nghĩa khái niệm này, hãy bắt đầu bằng một hiện tượng phổ biến hơn: lãi suất huy động dương.
Nhưng trước tiên, cần làm rõ cả hai loại lãi suất huy động (dương hoặc âm) được xác lập trong khuôn khổ mối quan hệ giữa Ngân hàng Trung ương với các ngân hàng khác trong quốc gia (hoặc khu vực chẳng hạn như khu vực đồng tiền chung châu Âu).
Lãi suất huy động dương là một công cụ chính sách mà theo đó, các ngân hàng có thể gửi khoản tiền dự trữ của mình tại Ngân hàng Trung ương và nhận lại tiền lãi. Ở đây, lãi suất tiền gửi giống như một tài khoản tiết kiệm của các ngân hàng.
Chẳng hạn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từng trả 0,25% lãi suất cho những khoản tiền gửi như vậy. Lãi suất tiền gửi của ECB cũng đã từng ở mức 0% trước khi ngân hàng trung ương này giảm mức lãi suất xuống -0,1% sau cuộc họp chính sách tháng hôm qua 5/6.
Fed bắt đầu áp dụng mức lãi suất tiền gửi dương vào năm 2008 nhằm bình ổn lãi suất ngắn hạn trong cuộc khủng hoảng tài chính. Kể từ đó, các ngân hàng đã đưa hàng nghìn tỷ USD tiền dự trữ vào hệ thống. Bằng cách gửi tiền vào Fed, các ngân hàng Mỹ đã kiếm được nhiều hơn so với việc các ngân hàng khác vay qua đêm (overnight) do lãi suất tiền gửi tại Fed cao hơn 0,09%.
Thay đổi lãi suất huy động tiền dự trữ là một công cụ mà Ngân hàng Trung ương có thể sử dụng để gây ảnh hưởng đến cách sử dụng khoản tiền dự trữ của các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ lựa chọn gửi tiền vào Ngân hàng Trung ương nếu có thể kiếm lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, lựa chọn trên không còn là tối ưu khi điều kiện lãi suất thay đổi.
Bằng cách thiết lập lãi suất huy động âm, ECB bắt đầu đặt rủi ro lên các ngân hàng nếu để tiền "nằm im" trong hệ thống dự trữ tại ECB. Thay vào đó, các ngân hàng có khả năng chuyển tiền đến nơi khác. Mà một trong các lựa chọn đó là cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vay.
Qua đó, có tác dụng thúc đẩy tín dụng chảy vào nền kinh tế thực để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đang trên đà phục hồi tại khu vực đồng tiền chung. Quan trọng hơn, nhằm giải quyết một mục tiêu cấp bách: ngăn đà giảm giá của lạm phát.
Theo DVO/Market Watch