Trung Quốc thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD trong khi đó nhập khẩu từ quốc gia này ước tính đạt 36,8 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỷ USD.
Trung Quốc (TQ) hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Năm 2013, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam sang TQ đạt hơn 4 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc: thanh long 70%-80% , cao su lchiếm 47%, gạo chiếm hơn 33% trong số 6,6 triệu tấn gạo xuất khẩu.
Trong khi đó nước ta lại nhập siêu về máy móc, trang thiết bị công nghiệp, năng lượng từ Trung Quốc:
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: Tổng trị giá nhập khẩu trong 11 tháng lên gần 16,85 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó trị giá nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 5,93 tỉ USD, tăng 25,5%.
Về đối tượng nhập khẩu, khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu gần 9,49 tỉ USD và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 7,35 tỉ USD.
Khí đốt hóa lỏng: tính trong 11 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu gần 624.000 tấn khí đốt hóa lỏng, trị giá 562 triệu USD. Trung Quốc và Qatar là hai thị trường lớn nhất cung cấp khí đốt hóa lỏng cho VN, trong đó Trung Quốc gần 309.000 tấn, Qatar 172.000 tấn.
Những khó khăn khi không chơi với Trung Quốc
Khi được đặt vấn đề nền kinh tế cần giảm phụ thuộc từ Trung Quốc trong lúc này Ông Phạm Sỹ Thành Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho hay: Cho dù vấn đề “giảm phụ thuộc” được đặt ra trong bối cảnh hai nước đang căng thẳng, nhưng tôi mong nó sẽ được giải quyết và tư duy trên nền tảng mong muốn. Theo đó thì chính ra chúng ta cần “tận dụng tốt hơn nữa kinh tế Trung Quốc”. Một điều chắc chắn là dù quan hệ hai bên có tốt lên hay xấu đi thì chúng ta cũng phải thay đổi, xuất phát từ bài toán lợi ích hay giảm thiểu rủi ro cho chính mình.
Cùng là mặt hàng nông sản, chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc 30 triệu đô la Mỹ thì nhập khẩu từ quốc gia này 300 triệu đô la Mỹ mặt hàng nông sản cùng loại. Điều này cho thấy hoạt động quản lý thị trường hoặc chính sách thương mại của Việt Nam đang có vấn đề.
Bà Phạm Chi Lan nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trả lời: “ Việt Nam cần nhìn lại mình trong vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế. Ta chưa bàn gì đến hai nội dung tái cơ cấu đã có trong đề án tái cơ cấu tổng thể là tái cơ cấu ngành và tái cơ cấu vùng. Chúng ta cần điều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa của mình. Trước đây, ta quá tập trung vào công nghiệp nặng. Sau đổi mới có quan tâm hơn đến công nghiệp nhẹ nhưng quá tập trung hàng tiêu dùng mà “quên” công nghiệp phụ trợ - sản xuất sản phẩm trung gian như vật liệu, linh kiện...
Còn khi bàn về việc giảm phụ thuộc kinh tế từ Trung Quốc hay cải thiện chất lượng thương mại với Trung Quốc thì... khó cỡ nào?
- Ông Phạm Sỹ Thành: “Tôi muốn nói đến khó khăn trong việc làm thế nào để tận dụng đầy đủ lợi ích kinh tế từ Trung Quốc. Khó lớn nhất là thực lực kinh tế của Việt Nam cải thiện quá chậm trễ trong suốt thời gian dài. Số liệu cho thấy mức độ cải thiện năng suất lao động ngành công nghiệp của Trung Quốc trong giai đoạn 2001-2009 là xấp xỉ 8%, của các nước ASEAN dao động từ 1-3%. Trong đó, mức độ cải thiện của Indonesia và Việt Nam là thấp nhất - chưa đầy 1%.
Khó khăn thứ hai là công nghiệp phụ trợ - với tác động của chính sách ngành và tỷ giá - đã không vươn lên để đảm trách việc cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI hiện nay chiếm 60% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam (ước khoảng 80,9 tỉ đô la Mỹ), nhưng cũng chiếm gần 55% tỷ trọng nhập khẩu (57,7 tỉ đô la Mỹ).
Khó khăn thứ ba là nếu muốn thì việc tìm kiếm nguồn hàng thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc trong thời gian ngắn, với chi phí thấp như hiện nay cũng bất khả thi. Việc cần làm để đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước là các hàng rào kỹ thuật và công tác quản lý của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, do Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào kinh tế quốc tế, nên Việt Nam cần tuân thủ chặt chẽ quy định của các định chế hoặc tổ chức này về tự do hóa thương mại và đầu tư; cần đối xử công bằng với các đối tác thương mại cũng như nhà đầu tư nước ngoài của các quốc gia có liên quan.
- Bà Phạm Chi Lan: Cái khó của chúng ta là đã trễ để điều chỉnh chính sách. Các nước đã hình thành, đã cạnh tranh rồi, không dễ để chúng ta bắt đầu và cạnh tranh với họ. Cái khó nữa là nguồn lực của chúng ta hiện nay hạn chế hơn so với lúc đầu đổi mới. Khó nhưng phải làm. Nhà nước phải thay đổi hệ thống chính sách khuyến khích, hệ thống phân bổ nguồn lực, theo tiêu chí hiệu quả sử dụng nguồn lực. Phải khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, tạo năng suất cao hơn.
- Ông Phạm Sỹ Thành: Nhập siêu từ Trung Quốc không phải là điều “nguy hại” đối với kinh tế Việt Nam, nếu chúng ta có công nghệ tốt hơn hiện nay. Singapore nhập siêu lớn với Trung Quốc nhưng quốc gia này có công nghệ và có khả năng xuất khẩu các hàng có giá trị gia tăng lớn sang các nước khác và sang chính Trung Quốc từ nguồn hàng nhập khẩu này.
Vấn đề thực sự của nhập siêu với Trung Quốc là nhập khẩu từ nước này đang trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất thường ngày (bao hàm cả ý nghĩa cung cấp công nghệ) của các doanh nghiệp nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Chỉ 20% kim ngạch nhập khẩu là hàng tiêu dùng. Điều này tác động lâu dài đến khả năng nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp bản địa. Có khả năng Việt Nam rơi vào hiệu ứng giải công nghiệp hóa sớm khi chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc các hàng hóa dựa vào tài nguyên và nhập khẩu hàng công nghiệp chế tạo thành phẩm. Về lâu dài, sẽ làm suy giảm năng suất của Việt Nam dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
- Bà Phạm Chi Lan: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, lại nằm cạnh nền kinh tế lớn như Trung Quốc, chúng ta không thể từ chối hoàn toàn hàng hóa Trung Quốc mà phải tìm cách để chung sống, hai bên cùng có lợi. Để làm được điều này, cần có sự nỗ lực về mặt chính trị, kinh tế và cả cư xử của người dân.
Giải pháp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Chuyển hướng thị trường
Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận), từ nhiều năm nay sản phẩm thanh long chuyển hướng hiện 60% lượng hàng của DN chủ yếu xuất sang châu Âu có giá trị cao hơn nhiều, Ân Độ, thị trường TQ chỉ còn vài phần trăm.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho hay đã có một số DN thoát khỏi sự lệ thuộc thị trường TQ bằng cách xuất thêm nhiều loại trái cây mới xuất sang New zealand, xoài sang Hàn Quốc, chôm chôm và vải sang Mỹ.
Nguyên tắc xuất khẩu 3-3-2-1: Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - ông Trần Văn Lĩnh chia sẻ cách để DN không phải bị động phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu đó chính là biết cơ cấu phân bổ thị trường theo nguyên tắc 3-3-2-1. Nghĩa là 30% xuất sang Mỹ, 30% sang EU, 20% sang TQ và 10% sang Nhật, Hàn; còn lại bán nội địa hoặc tìm thị trường mới.
Như vậy, xuất khẩu không hề phụ thuộc thị trường nào. nếu xảy ra rủi ro ở thị trường TQ sẽ có thị trường EU hay Mỹ bù đắp. Đồng thời, DN phải thiết lập những vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được chất lượng từ giống đến nuôi trồng, chế biến.
Một số DN ngành hạt điều cũng đang làm tốt điều này, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhật Huy (Bình Dương), cho biết mặc dù nhu cầu mua hàng từ TQ rất lớn nhưng DN vẫn chỉ giữ ở mức 15%-20% tổng giá trị xuất khẩu. Nếu tăng xuất sang TQ thì những thị trường khác như Mỹ, Nhật hay Úc cũng tăng lên cân đối, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cũng đồng đều.
Cần đầu tư công nghệ chế biến sâu.
Một chuyên gia lĩnh vực thương mại cho biết ngành cao su đang phải đầu tư công nghệ mới để tăng tỉ trọng sản xuất các loại cao su kỹ thuật, phát triển các sản phẩm có giá trị cao hơn. Đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm như lốp xe, linh kiện cao su và sản phẩm cao su lưu hóa, đế giày cao su.
Thị trường gạo cũng đang chuyển hướng, xuất khẩu hàng chục tấn gạo thơm, gạo cấp cao 5% tấm sang thị trường Nhật Bản. Để xuất được sang thị trường này, hạt gạo của DN phải đáp ứng gần 600 các loại chỉ tiêu, thị trường này nổi tiếng khó tính nhưng đầy tiềm năng, hằng năm có nhu cầu nhập 700.000 tấn gạo các loại.
Thành quả này nhờ vào việc liên kết sản xuất, qua đó đã kiểm soát được quy trình canh tác, sử dụng vật tư, chế biến, bảo quản... đều đảm bảo sạch tuyệt đối. Hiện nay cũng có nhiều DN gạo sản xuất các loại gạo đặc sản, gạo đồ xuất sang thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Đông.
Chu Quỳnh (TH)