Theo thống kê của VietnamFinance, mở màn cho loạt đợt triệu hồi đối với các mẫu xe đang bán trên thị trường là vào tháng 3/2024, khi đó hãng ra liên tiếp 2 thông báo triệu hồi để kiểm tra, thay thế cụm bơm nhiên liệu trên nhiều dòng xe khác nhau.
Khi đó, chương trình triệu hồi đầu tiên liên quan tới 474 mẫu xe của Mercedes-Benz Việt Nam bao gồm: S450 4MATIC, Maybach S480 4MATIC, GLS 450 4MATIC, Maybach GLS480 4MATIC, Maybach GLS 600 4MATIC và GLC300 4MATIC. Các mẫu xe bị triệu hồi nêu trên được sản xuất trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 12/2022.
Đợt triệu hồi thứ hai diễn ra trong cùng một tháng là đợt triệu hồi đối với dòng xe Mercedes-Benz E-Class để tiến hành kiểm tra, thay thế cụm bơm nhiên liệu. Có tổng cộng 432 chiếc Mercedes-Benz E-Class gồm các phiên bản E180, E200 và E300 được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam từ tháng 6/2021 cho đến tháng 1/2023.
Tiếp đó, vào tháng 5/2024 Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phê duyệt cùng lúc hai chương trình triệu hồi của hãng xe Mercedes-Benz đối với nhiều dòng xe đang bán trên thị trường do liên quan tới lỗi cầu chì và lỗi bơm nhiên liệu.
Theo đó, đợt triệu hồi thứ nhất liên quan tới hộp cầu chì bên trong ở khu vực phía trước ghế hành khách phía trước. Số lượng xe bị ảnh hưởng là 1.776 xe, gồm các mẫu: GLC200 4Matic, GLC300 4Matic, C200 Avantgarde và AMG C43 4Matic. Số lượng xe bị triệu hồi được sản xuất trong khoảng thời gian từ tháng 3/2023 đến tháng 9/2023.
Đợt triệu hồi thứ hai liên quan tới cụm bơm nhiên liệu của xe, bao gồm 551 chiếc, gồm các mẫu: AMG GLE 53 4Matic; GLE 450 4Matic; GLS 450 4Matic; Maybach GLS 600 4Matic, S450 4Matic và AMG G 63. Các mẫu xe bị triệu hồi được Mercedes-Benz Việt Nam nhập khẩu và phân phối, có thời gian sản xuất từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2022.
Chỉ sau đó một tháng, “vận đen” tiếp tục đeo bám Mercedes-Benz Việt Nam khi hãng phải triệu hồi 1.871 xe do lỗi ắc quy tiềm ẩn nguy cơ gây cháy vào tháng 6/2024.
Cụ thể, theo thông báo phát đi từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, chương trình triệu hồi để kiểm tra mối nối nguồn âm của dây điện ắc quy 48V bên trong xe để khắc phục lỗi cho một số xe Mercedes-Benz, gồm: GLE/GLS 450 4MATIC, AMG GLE 53 4MATIC, Maybach GLS 480/600 4MATIC. Số lượng xe bị triệu hồi có thời gian sản xuất từ tháng 6/2019 đến tháng 12/2022.
Nguyên nhân được xác định do điểm nối nguồn âm (điểm nối mass) ở dây điện của ắc quy 48V vào thân xe ở dưới ghế hành khách phía trước có thể bị lỏng trong quá trình lắp ráp. Trong trường hợp này, điện trở của kết nối có thể tăng lên, do đó không thể loại trừ hoàn toàn việc tăng nhiệt độ ở khu vực này và nguy cơ tăng nhiệt gây cháy.
Trong phân khúc xe sang, ngoài hãng xe Mercedes-Benz, một hãng xe sang khác là Volvo cũng từng nhiều lần phải triệu hồi xe đang bán trên thị trường. Theo đó, trong năm 2024 hãng xe Volvo từng 2 lần công bố triệu hồi nhiều lần đối với mẫu xe XC90 do các nguyên nhân khác nhau.
Cụ thể, lần thứ nhất diễn ra ngay đầu năm 2024 (tháng 1/2024), Volvo Việt Nam ra thông báo triệu hồi đối với mẫu xe XC90, số lượng 7 chiếc để kiểm tra và siết vít khóa đai an toàn và bộ căng đai an toàn. Tổng số xe bị triệu hồi có thời gian sản xuất từ ngày 13/10/2015 đến ngày 16/8/2021.
Theo lý giải từ nhà sản xuất, quá trình điều tra đã xác định rằng khóa dây đai an toàn ở hàng ghế thứ hai có thể chưa được thắt chặt theo đúng thông số kỹ thuật. Nếu tình trạng này xảy ra, điều này có thể không cung cấp đủ khả năng bảo vệ trong trường hợp xảy ra va chạm cho hành khách ở hàng ghế thứ hai.
Lần thứ hai (tháng 12/2024), Volvo Việt Nam tiếp tục ra thông báo triệu hồi đối với mẫu xe XC90 đang bán trên thị trường. Theo đó, các xe XC90 trong diện triệu hồi được sản xuất từ tháng 8/2019 đến tháng 9/2019.
Nguyên nhân là bởi thanh đẩy bộ trợ lực phanh được lắp ráp không đúng cách, trong đó thanh nối bàn đạp phanh với bộ trợ lực phanh không được siết chặt đúng thông số kĩ thuật. Trong trường hợp thanh này bị tách ra, bàn đạp chân phanh sẽ không hoạt động bình thường, có thể dẫn tới rủi ro.
Phía hãng cho biết chương trình triệu hồi sẽ diễn ra từ nay và kéo dài tới ngày 31/12/2030.
Vietnamfinance
In bài viết