Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ Đan Phượng có ban hành văn bản trái thẩm quyền?

Có ý kiến cho rằng, việc ban hành văn bản do Giám đốc Chi nhánh VP Đăng ký đất đai huyện Đan Phượng (Hà Nội) đầy tính quan liêu, trái thẩm quyền và trái pháp luật.

Ngày 27/9 vừa qua, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (CNVPĐKĐĐ) huyện Đan Phượng ban hành văn bản số 4280/CNHĐP về việc chứng thực các văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất tài sản gắn liền với đất của UBND các xã, thị trấn do ông Trần Văn Chính - Giám đốc Chi nhánh ký khiến công chức tư pháp các xã, thị trấn trên địa bàn hoang mang vì một loại thủ tục hành chính họ vẫn giải quyết theo đúng thẩm quyền lại bị ngăn chặn không được làm bắt đầu từ 1/10.

Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ Đan Phượng có ban hành văn bản trái thẩm quyền? - Ảnh 1
Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ Đan Phượng có ban hành văn bản trái thẩm quyền? - Ảnh 2
Văn bản nhận được nhiều ý kiến phản đối của phòng chuyên môn và cấp cơ sở.


Một công chức tư pháp phản ánh, nhiều năm nay, Sở Tư pháp TP Hà Nội hướng dẫn cán bộ tư pháp cấp xã làm theo Nghị định 23 trong việc chứng thực các hợp đồng giao dịch về đất và tài sản gắn liền với đất. Nhưng không hiểu sao, lãnh đạo CNVPĐKĐĐ của huyện lại ban hành văn bản bắt cán bộ tư pháp cấp xã trước khi làm thủ tục này phải tra cứu lịch sử giao dịch của thửa đất trên phần mềm Uchi chỉ dành riêng cho CNVPĐKĐĐ và các văn phòng công chứng, còn nếu không tra cứu thì Văn phòng không tiếp nhận hồ sơ.

Nếu theo văn bản này, mọi giao dịch chứng thực hợp đồng liên quan đến đất đai sẽ bị hủy bỏ tại cấp xã vì phần mềm Uchi chưa được Sở Tư pháp hướng dẫn. Thực tế là từ khi nhận được văn bản số 4280, giao dịch chứng thực hợp đồng ở nhiều xã không dám làm, người dân thì bức xúc vì đáng lẽ thủ tục đơn giản có thể làm được tại cấp xã với lệ phí thấp thì họ phải lên văn phòng công chứng làm rất phức tạp với lệ phí cao hơn nhiều lần. Do vậy, các xã mất đi nguồn thu không nhỏ từ giao dịch chứng thực hợp đồng và ảnh hưởng cả quyền của công dân khi lựa chọn thủ tục hành chính phù hợp.

Trong quá trình chứng thực hồ sơ, nếu để xảy ra sai sót thì cán bộ tư pháp sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý, chứ không thể vì một số sự việc trên địa bàn xảy ra liên quan đến chuyển nhượng đất đai mà Văn phòng lại đình chỉ giao dịch này ở các xã. Hơn nữa, nếu có công văn phối hợp thực hiện thì trực tiếp phòng Tư pháp huyện phải có hướng dẫn cho các cán bộ tư pháp cấp xã, theo đúng ngành dọc chứ không thể nhận chỉ đạo chéo từ VPĐKĐĐ chuyển sang.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Chính - Giám đốc CNVPĐKĐĐ huyện Đan Phượng khăng khăng khẳng định, đây chỉ là công văn hướng dẫn, đề nghị phối hợp chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật mang tính chỉ đạo.

"Gần đây Chi nhánh nhận thấy các văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được UBNDcác xã, thị trấn chứng thực chưa thực sự đảm bảo về tính pháp lý, còn để xảy ra những hạn chế rủi ro nhất định. Chúng tôi chỉ cảnh báo các xã tra cứu thông tin đầy đủ và cập nhật thông tin lên phần mềm dùng chung của Sở Tư pháp, tránh phát sinh những rủi ro trong các giao dịch liên quan đến đất đai. Văn phòng cũng đã gửi văn bản sang phòng tư pháp và UBND huyện nhưng bên đó không có ý kiến gì", ông Chính cho biết.

Ông Nguyễn Nam Hà - Phó Phòng Tư pháp huyện Đan Phượng thì cho rằng, khi nhận được văn bản, một số xã cũng có ý kiến thắc mắc với phòng Tư pháp. CNVPĐKĐĐ nói là chỉ cảnh báo những rủi ro nhưng thực tế là ngăn chặn, thể hiện rõ trong phần nội dung: "Từ ngày 1/10, Chi nhánh huyện Đan Phượng chỉ tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ đăng ký biến động trong đó thành phần hồ sơ gồm văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân xã, thị trấn chứng thực có nội dung xác nhận đã tra cứu và cập nhật thông tin giao dịch của thửa đất trên hệ thống quản lý chung của sở Tư pháp...". Tức là yêu cầu các xã không được làm chứng thực hợp đồng và không được gửi hồ sơ lên CNVPĐKĐĐ nếu chưa tra cứu trên phần mềm Uchi. Trong khi phần mềm này sở Tư pháp TP Hà Nội đang dừng lại để nâng cấp. Hơn nữa, cấp xã chưa được phổ biến dùng phần mềm Uchi nên việc VPĐKQSDĐ đưa ra văn bản trái ngành như vậy là thiếu khách quan, không đúng so với thực tế.

Phòng Tư pháp sẽ tham mưu với UBND huyện cho hủy văn bản này và chỉ đạo các xã vẫn thực hiện chứng thực hợp đồng bình thường, có chăng thì chỉ hướng dẫn cán bộ tư pháp trong quá trình làm hồ sơ thì tư vấn cho công dân có thể lựa chọn hình thức chứng thực hay là công chứng sao cho phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Một văn bản ban hành ra thực tế cần phải có trình tự, khách quan và đúng pháp luật trên cơ sở tham mưu các phòng chuyên môn và khảo sát thực tế. Trái lại, Văn bản số 4280 nói trên từ khi ban hành đến nay đã gần 2 tháng và vấp phải ý kiến phản đối gay gắt từ cơ sở và phòng chuyên môn. Do vậy, UBND huyện Đan Phượng cần thiết phải thu hồi văn bản này và có biện pháp xử lý những cá nhân liên quan, tránh để tình trạng quan liêu kéo dài gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị chung của địa phương.

 

Ngô Huệ và nhóm PV/KD&PL

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục