VPBank vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 6347 tỷ đồng để trở thành ngân hàng thương mại có quy mô vừa với tốc độ tăng trưởng cao và lợi nhuận vượt trên nghìn tỷ. Nhưng đi song song với việc lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng cao thì nợ xấu của ngân hàng cũng đang tăng lên nhanh chóng khiến ngân hàng này phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Xếp hàng bán nợ xấu cho VAMC?
Nếu như năm 2011 tỷ lệ nợ xấu của VPBank được khống chế ở mức an toàn là 1,82% thì đến năm 2012 VPBank đã làm cho cổ đông của mình hết sức lo ngại khi nâng con số này lên mức dưới 3% trong ĐHCĐ. Việc này được lãnh đạo của VPBank giải thích là do tình hình ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn, và đây cũng là tình hình chung của toàn hệ thống. Tuy nhiên lời giải thích này không làm cho cổ đông hài lòng khi mà nợ xấu của ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lên sau đó.
Thống kê cho thấy năm 2012 tỷ lệ nợ xấu từ nhóm 3 - 5 của VPbank tăng lên mức 2,71% tổng dư nợ, tương ứng 1.003 tỷ đồng. Trong đó nợ nhóm 5, có nguy cơ mất vốn mới dừng lại ở con số 191 tỷ đồng.
Tình hình nợ xấu của VPBank tiếp tục trở lên tồi tệ hơn khi đạt hơn 1.474 tỷ đồng, chiếm gần 2,81% tổng dư nợ trong năm 2013. Lúc này nợ có khả năng mất vốn đã tăng gấp đôi lên mức 405 tỷ đồng. Điều này đã khiến ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng thêm 129,7 tỷ đồng, lên mức 386,2 tỷ đồng (cuối năm 2013).
Không dừng lại ở đó, quý I/2014, nợ xấu tiếp tục tiến lên một mức mới 1.573 tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng dư nợ. Đáng chú ý, so với cuối năm 2013, nợ nhóm 5 đã tăng thêm 366 tỷ đồng, lên 771 tỷ đồng (chiếm 1,42% tổng dư nợ). Trong khi đó, biến động dự phòng chung cho vay khách hàng lại chỉ tăng nhẹ 3,4 tỷ đồng, lên 389,6 tỷ đồng.
Khi nợ xấu gia tăng thì một giải pháp tối ưu mà hầu hết các ngân hàng hiện nay áp dụng đó là bán nợ cho công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và nhận về trái phiếu đặc biệt (tỷ lệ chiết khấu tối đa 80% giá trị trái phiếu). Nhưng khi mà nợ xấu của cả hệ thống đều tăng lên thì sẽ xuất hiện tình trạng các ngân hàng phải “xếp hàng” để bán nợ. Năm 2013, VPBank cũng nằm trong diện này. Dù không tiết lộ số nợ xấu đã bán đi, song các báo cáo tài chính cho thấy, đến cuối năm 2013, VPBank đã nắm giữ gần 636,7 tỷ đồng trái phiếu do VAMC phát hành. Theo số lượng trái phiếu mà VPBank nắm giữ và giả sử tỷ lệ chiết khấu bình quân trái phiếu là 70% thì số nợ xấu mà ngân hàng bán được là khoảng hơn 900 tỷ đồng.
Việc bán nợ xấu của VPBank vẫn tiếp tục trong quý I/2014 và thu về số trái phiếu có giá trị hơn 46,6 tỷ đồng. Và đến giờ, ngân hàng mới thực hiện trích dự phòng khoảng 10% tổng giá trị trái phiếu VAMC, thấp hơn mức quy định là 20%/năm.
Cần nhanh chóng xử lý nợ xấu
Để tạo ra một môi trường kinh doanh khỏe mạnh, các ngân hàng cần phải nhanh chóng xử lý nợ xấu. Ngoài cách truyền thống là tăng trưởng dư nợ và tích cực thu hồi nợ đang rất khó khăn, thì từ tháng 9/2013, các ngân hàng có thêm công cụ hỗ trợ, "dọn" nợ xấu là công ty VAMC. Tuy vậy, không phải khoản nợ xấu nào đưa sang cũng được VAMC mua, mà sẽ có sự sàng lọc, lựa chọn mua các khoản nợ đủ điều kiện.
Còn với các khoản nợ xấu khó thu hồi như không có tài sản bảo đảm, tài sản không hợp pháp, con nợ ngừng hoạt động kinh doanh, không còn khả năng phục hồi…thì cách xử lý hiện nay của các ngân hàng là lấy nguồn dự phòng rủi ro để bù đắp phần thiệt hại mất vốn. Việc này được các ngân hàng tiến hành âm thầm.
Về quá trình xử lý nợ xấu của VPBank thì hầu như được giữ bí mật. Doanh nghiệp không hề tiết lộ về việc đã xử lý, thu hồi được bao nhiêu nợ xấu, sử dụng nguồn dự phòng bao nhiêu. Nhưng có một điều ai cũng có thể thấy là biến động dự phòng rủi ro cho vay của ngân hàng liên tục tăng lên đồng nghĩa với việc lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm đi. Nếu như lợi nhuận trước thuế năm 2011 - 2012 lần lượt là 1.064 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng, thì năm 2013, chỉ tăng nhẹ lên 1.354 tỷ đồng. Tuy nhiên năm 2014, ngân hàng đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng gần 40%, đạt 1.890 tỷ đồng.
Với mức lợi nhuận tăng lên thì ngân hàng sẽ có thêm nguồn để xử lý các vấn đề tài chính, trong đó, có thể phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. Do đó, nếu không tích cực "dọn dẹp" nợ xấu, thu hồi nợ ở mức tối đa thì lợi nhuận sau thuế của nhà băng này sẽ không được như con số mong đợi
Một số cách xử lý nợ xấu
VAFI đã kiến nghị một số các giải pháp để giải quyết nợ xấu của ngân hàng. Trong số đó có nhiều giải pháp cần sự hỗ trợ của nhà nước.
- Chủ động tăng mức trích lập dự phòng các khoản nợ xấu.
- Thắt chặt chính sách lương thưởng của nhân viên. Cách thức này giúp giảm chi phí một cách hợp lý nhằm hỗ trợ cho việc tăng mức trích lập dự phòng tỷ lệ nợ xấu.
- Chứng khoán hóa các khoản nợ khó đòi theo 3 phương pháp: một là, chuyển một phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn áp dụng với doanh nghiệp có lịch sử quản trị kinh doanh tốt. Phương pháp 2 là chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần và chuyển vị thế các ngân hàng đang là chủ nợ thành cổ đông lớn nắm đa số cổ phần nếu nhận thấy sau tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phát triển. Các ngân hàng nên sử dụng các công ty con của mình như công ty quản lý mua bán nợ, công ty chứng khoán hay công ty quản lý quỹ để tham gia chủ động vào tiến trình chứng khoán hóa.
- Tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng lên 40%. Đồng thời cũng cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lên mức 25% hoặc 30% vốn điều lệ.
- Cho phép một số ngân hàng nước ngoài có tiểm lực tài chính mạnh, quản trị doanh nghiệp tốt mua lại những nhà băng yếu kém.
- Khuyến khích các ngân hàng thật sự mạnh mua lại những ngân hàng yếu kém.
- Miễn các loại thuế (thuế GTGT, thuế Thu nhập doanh nghiệp…) cho các hoạt động mua bán nợ nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ
- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho nghiệp vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
- Phá băng thị trường bất động sản và nên giảm 50% thuế GTGT trong các ngành kinh tế đang gặp khó khăn như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, sửa chữa tàu biền, vận tải biển nội địa, cơ khí.
- Cơ cấu lại phân bổ ngân sách cho năm 2013 theo hướng tăng chi ngân sách cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng
Chu Quỳnh (TH)