Giải pháp nào cho dịch vụ thẻ ngân hàng?

Hiện nay, các ngân hàng đang đẩy mạnh công tác marketing, quảng cáo, tuyên truyền về dịch vụ thẻ để người dân biết đến và quan tâm hơn.

Năm 2003 được coi là điểm khởi đầu của thị trường thẻ, hai loại thẻ nội địa dùng trên ATM là của Vietcombank và Techcombank. Lúc này, tổng số lượng thẻ phát hành mới chỉ đạt 234 nghìn thẻ. Tuy nhiên, đến nay tốc độ tăng trưởng của thị trường thẻ đã lên rất cao, có những năm đạt trên 300%.

Theo các số liệu thống kê thì số thẻ đã có sự tăng trưởng khá nhanh. Ngân hàng Nhà Nước cho biết: đến cuối tháng 3/2013 đã có trên 57,1 triệu thẻ các loại được phát hành, tăng 38,5% so với năm 2011. Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm tỷ lệ cao nhất đạt 93,6%, thẻ tín dụng chiếm 3,1%. Tính đến thời điểm này có 46 ngân hàng thương mại đã trang bị máy ATM và POS với số lượng trên 14.300 máy ATM, 104.400 máy POS.

Số lượng thẻ phát hành tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2013 đã đạt trên 66 triệu thẻ (trên 90% là thẻ ghi nợ nội địa). Tính đến nay đã có 52 ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài đăng ký phát hành thẻ, số lượng máy ATM cũng tăng lên 14.700 máy và 122.000 POS.

Số lượng giao dịch bình quân hàng ngày khoảng 140.000 giao dịch với giá trị giao dịch trung bình khoảng 160.000 tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh tốc độ thanh toán và luân chuyển vốn trong nền kinh tế.

Mặt khác, theo đánh giá của một số chuyên gia, thị trường thẻ Việt Nam đang dần tiến tới bão hoà khi mà tốc độ tăng số lượng thẻ giảm rõ rệt. Nếu như giai đoạn 2010-2012, số lượng thẻ tăng trưởng trung bình khoảng 30% thì đến năm 2013, chỉ tăng trên 4%, mặc dù các ngân hàng vẫn tiếp tục triển khai nhiều chương trình ưu đãi phát hành thẻ mới.

Giải pháp cho phát triển dịch vụ thẻ

Hiện nay, các ngân hàng đang mở rộng hợp tác phát hành thẻ đồng thương hiệu với một số tổ chức, doanh nghiệp nhằm cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng. Trào lưu này sẽ góp phần khuyến khích thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Năm 2012, Saigon Co.op phát hành thẻ đồng thương hiệu Co.opmart cùng các ngân hàng Vietcombank, BIDV, DongA Bank nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Giải pháp nào cho dịch vụ thẻ ngân hàng? - Ảnh 1
Thẻ đồng thương hiệu của DongA Bank-Co.opmart.

Ngày 27/5/2014, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) và Công ty Thông tin Di động (MobiFone) đã ra mắt thẻ đồng thương hiệu MobiFone-SeABank.

Thẻ đồng thương hiệu vẫn là thẻ VISA do SeABank phát hành nhưng có gắn thêm logo của MobiFone. Thẻ đồng thương hiệu được phát hành dưới hai hình thức, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ quốc tế.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong khi thị trường thẻ tín dụng tại Viêt Nam đang dần bão hoà, sự xuất hiện của các loại hình thẻ đồng thương hiệu (co-branded card) đang trở thành một hướng đi mới cho các ngân hàng trong cuộc đua mở rộng thị phần.

Ngày 15/10/2013, thẻ đồng thương hiệu của Vietinbank và Webtretho chính thức phát hành. Ngoài ra, Vietinbank còn có hàng chục loại thẻ đồng thương hiệu khác nhau như với Vietnam Airlines, otofun, Bigc,....

Ngày 8/3/2014, Vietcombank cùng Bigc và Công ty thẻ Visa International chính thức ra mắt sản phẩm đồng thương hiệu Vietcombank Big C Visa.

Các ngân hàng khác cũng đẩy mạnh liên kết với hàng loạt thương hiệu, doanh nghiệp lớn, đội bóng quốc tế, các trường đại học, cao đẳng… để phát hành thẻ đồng thương hiệu.

Việc phát hành thẻ đồng thương hiệu giúp ngân hàng có thể giảm đáng kể chi phí phát hành lẫn chi phí quản lý thẻ. Bên cạnh đó, việc phát hành thẻ cho các đối tượng là khách hàng của doanh nghiệp, tổ chức liên kết cũng giúp ngân hàng tăng thị phần một cách đáng kể.

Ngoài ra, các ngân hàng đang đẩy mạnh công tác marketing, quảng cáo, tuyên truyền về dịch vụ thẻ để người dân biết đến và quan tâm hơn.

Ngày 24/5, Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và Taxi Thành Công đã ký kết hợp đồng hợp tác. Trong đó, OceanBank sẽ cung cấp dịch vụ thanh toán POS trên toàn bộ hệ thống xe của Taxi Thành Công.

Đổi lại ngoài việc cam kết sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng do OceanBank, Taxi Thành Công còn phối hợp quảng bá hộ OceanBank trên hệ thống xe taxi thuộc quản lý của hãng.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã triển khai dịch vụ thanh toán thẻ trên xe taxi như VietinBank với Taxi Vinasun, BIDV và Đông Á với Taxi Mai Linh, Vietcombank với Taxi Group….

Giải pháp nào cho dịch vụ thẻ ngân hàng? - Ảnh 2
Liên kết giữa Vietinbank và Taxi Group.

TP Bank cũng đã ký hợp tác cùng nhiều đối tác trong lĩnh vực thực phẩm, mua sắm, giáo dục, giải trí, triển khai một số chương trình như "Vui tết thiếu nhi- Lì xì ưu đãi".

Hiện nay, các ngân hàng cạnh tranh hết sức khốc liệt, để giành lấy thị phần, ngân hàng không thể chỉ tập trung tăng số lượng, mà còn phải chú trọng phát triển về chiều sâu, cải thiện, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ thẻ... Bởi điều khách hàng đang quan tâm nhất là tính tiện lợi của việc thanh toán bằng thẻ thay cho việc thanh toán bằng tiền mặt.

Vì vậy, để khách hàng tin tưởng và ưa chuộng sử dụng thẻ trong giao dịch thì ngân hàng nên tiến hành một số biện pháp như:

- Tăng cường đầu tư công nghệ, đặc biệt là các thiết bị thẻ và mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ, tăng tỷ lệ thẻ hoạt động để tiến tới giảm dần sự phụ thuộc của giao dịch thẻ vào hệ thống ATM.

-Các ngân hàng, hiệp hội thẻ cần tăng cường công tác truyền thống phổ biến các lợi ích, sự an toàn cũng như hiệu quả khi sử dụng thẻ thanh toán để người dân và DN hiểu để tăng cường sử dụng thẻ.

-Bên cạnh việc tích cực phát triển thẻ ghi nợ như thời gian vừa qua, các ngân hàng cần có chính sách và hệ thống công cụ phù hợp để đẩy nhanh việc triển khai dịch vụ thẻ tín dụng, từ đó hướng người dân vào sử dụng các dịch vụ tín dụng phục vụ tiêu dùng theo hình thức chi tiêu trước trả tiền sau. Hiện nay, người dân có tâm lý chuộng “tiền tươi thóc thật”, việc yêu cầu ngay chủ thẻ nội địa sử dụng tiền để thanh toán thẻ của họ là khá khó nhưng nếu với người dùng thẻ tín dụng tiêu trước trả sau thì chắc chắn thói quen sử dụng thẻ của người dân sẽ dần dần thay đổi và từ đó có tác dụng khuếch tán đến thói quen của những người khác để hình thành những thói quen ngày càng phù hợp hơn, giúp cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế đạt được mục tiêu của mình. 

-Tích cực đầu tư mở rộng liên kết hợp tác trong thanh toán thẻ thông qua việc triển khai toàn diện hoạt động kết nối các hệ thống thẻ để khai thác tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư, đồng thời tăng cường dịch vụ phục vụ khách hàng sử dụng thẻ. Tích cực nỗ lực làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước, điện thoại… để mở rộng việc chấp nhận thanh toán các phí giao dịch cơ bản hàng ngày thông qua dịch vụ thanh toán bằng thẻ. Các ngân hàng cần chủ động trong việc đặt mục tiêu giảm dần tỷ lệ dùng thẻ để rút tiền mặt trong thời gian tới. Với tỷ lệ dùng thẻ, nhất là thẻ nội địa để rút tiền mặt qua ATM chiếm tới 97% doanh số như hiện nay thì không có yếu tố bền vững và rất khó cho các ngân hàng đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế thông qua việc phát triển POS và kênh thanh toán điện tử khác.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý rủi ro trong hoạt động thanh toán thẻ bảo vệ quyền lợi của của khách hàng, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng như dịch vụ giải quyết tra soát khiếu nại, hỗ trợ giải đáp thắc mắc… liên quan đến các giao dịch thanh toán thẻ.

Bích Ngọc (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục