Giải mã nguyên nhân khiến giá dầu tăng vọt

Nếu tiếp tục vắng bóng 1 thoả thuận ở OPEC+, giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao và đe doạ đà phục hồi vốn đã mong manh của kinh tế toàn cầu.

Nếu tiếp tục vắng bóng 1 thoả thuận ở OPEC+, giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao và đe doạ đà phục hồi vốn đã mong manh của kinh tế toàn cầu.

Giải mã nguyên nhân khiến giá dầu tăng vọt - Ảnh 1

Thị trường năng lượng hiện đang nóng lên với giá dầu vượt mốc 75 USD/thùng. Nguyên nhân là do Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ quốc tế (OPEC) và các đồng minh không đạt được thoả thuận quan trọng về sản lượng vào tuần trước, mà chủ yếu là căng thẳng leo thang giữa Saudi Arabia và UAE.

Hôm nay nhóm OPEC sẽ tiếp tục họp một lần nữa sau khi đã không thể đạt được thoả thuận tới 2 lần trong tuần trước. Nếu tiếp tục vắng bóng 1 thoả thuận, giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao và đe doạ đà phục hồi vốn đã mong manh của kinh tế toàn cầu. Thậm chí 1 cuộc chiến về giá có thể xảy ra mặc dù các chuyên gia phân tích cho rằng xác suất là không lớn.

Theo Reuters, các nước thành viên mà dẫn đầu là Saudi Arabia đang hướng tới 1 thoả thuận tăng sản lượng và gia hạn thoả thuận về nguồn cung như hiện nay cho tới tận cuối năm sau. Tuy nhiên UAE không đồng tình và khiến các cuộc họp rơi vào bế tắc.

Sau khi căng thẳng bùng nổ, cả giá dầu thô biển Bắc và dầu ngọt nhẹ WTI Mỹ đều tăng vọt hơn 2%, lên trên 75 USD/thùng – mức cao nhất kể từ 2018. Thoả thuận của OPEC đổ vỡ lần đầu tiên vào hôm 1/7, và cuộc họp thứ hai diễn ra vào ngày 2/7 cũng không thể đạt được đột phá.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá dầu thô đã tăng hơn 45% do lực cầu tăng vọt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại sau đại dịch.

Vì sao giá dầu tăng?

Dù là đồng minh lâu năm của Saudi Arabia (nước có thể được coi là lãnh đạo của nhóm OPEC) nhưng UAE đã có tới 2 lần phản đối thoả thuận chung trong tuần trước.

Thoả thuận mà UAE phản đối bao gồm nhất trí tăng sản lượng một cách từ từ đồng thời gia hạn thoả thuận về sản lượng mà các nước đã đạt được trong năm 2021 đến cuối năm 2022. Năm ngoái, để đối phó với nhu cầu sụt giảm do Covid, OPEC đã nhất trí từ tháng 5/2020 đến cuối tháng 4/2022 sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày.

Tại cuộc họp tuần trước, Nga cũng đề xuất gia hạn thoả thuận sản lượng đến cuối năm 2022. Đồng thời các nước lớn như Saudi Arabia và Nga đã đạt được thoả thuận sơ bộ sẽ tăng sản lượng thêm khoảng 400.000 nghìn thùng mỗi ngày trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12/2021 để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên nhanh chóng.

UAE muốn gì?

Trao đổi với CNBC hôm 4/7, Bộ trưởng năng lượng và cơ sở hạ tầng của UAE cho biết nước này ủng hộ "vô điều kiện" việc tăng sản lượng. Tuy nhiên, "vấn đề là phải có điều kiện", ông Suhail Al Mazruouei nói. Và đề nghị hiện nay về việc gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng không phải là có lợi cho UAE.

Trọng tâm của vấn đề nằm ở yếu tố gọi là "baseline" - mức sản lượng cơ bản quy định sản lượng mà mỗi nước thành viên có thể sản xuất. Mọi con số liên quan đến cắt giảm hoặc tăng sản lượng đều được tính toán dựa trên "baseline". Con số càng cao thì quốc gia đó càng được phép sản xuất nhiều dầu hơn.

UAE muốn xem xét lại và điều chỉnh mức sản lượng cơ bản của nước này trước khi gia hạn thoả thuận về sản lượng tới cuối năm 2022 vì muốn một con số lớn hơn. Hạn ngạch hiện đang áp dụng cho UAE đã được đặt ra từ tháng 10/2018, khi nước này đang sản xuất khoảng 3,2 triệu thùng mỗi ngày. Năm ngoái UAE đã đạt sản lượng 3,8 triệu thùng/ngày.

"Từ 2018 đến 2022 là tận 4 năm, do đó con số đưa ra sẽ vô lý và không công bằng", ông Al Mazrouei nói.

UAE đã chi hàng tỷ USD để tăng công suất và tăng sản lượng. Tuy nhiên, các quốc gia sẽ chỉ có thể đàm phán lại mức baseline khi thoả thuận sản lượng sắp hết hạn. Nhưng giờ thì Saudi Arabia và Nga lại muốn kéo dài thời hạn đó.

Vì sao thoả thuận của OPEC quan trọng?

Nếu như OPEC không đạt được thoả thuận tăng sản lượng, giá dầu sẽ tăng vọt vì căng thẳng nguồn cung. Đến một điểm nào đó, giá dầu tăng sẽ phá huỷ tăng trưởng lực cầu và đe doạ đà hồi phục của kinh tế thế giới ngay tại thời điểm các nước bắt đầu tái mở cửa nhờ vaccine.

Theo chuyên gia Helima Croft của RBC Capital Markets, giá dầu chắc chắn sẽ tăng nếu như OPEC giữ nguyên thoả thuận ban đầu, tức không tăng sản lượng. Khả năng tăng giá giảm xuống nếu như OPEC chọn giữ nguyên thoả thuận sản lượng ban đầu nhưng phát tín hiệu thoả thuận sẽ chỉ kéo dài đến tháng 4/2022".

Dù nhận định triển vọng giá dầu đạt 100 USD/thùng là "vô lý về mặt chính trị" nhưng RBC Capital Markets cho rằng 1 cuộc chiến về giá là khó tránh khỏi nếu như các cuộc đàm phán tiếp tục bế tắc. "Nếu có mâu thuẫn quá lớn nổ ra, sẽ xảy ra kịch bản các nước "mạnh ai nấy làm" và gây ra xáo trộn lớn cho thị trường. Khả năng xảy ra kịch bản này là không lớn nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận hoàn toàn, dù đó không phải là 1 kịch bản thiên nga đen".

Tham khảo CNBC

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục