Giá mủ cao su những năm qua liên tục xuống thấp, thu không bù đắp được chi phí đầu tư nên thời gian qua nhiều nông dân tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang dần mất kiên nhẫn, chặt bỏ hàng loạt diện tích cao su - loại cây từng được coi là vàng trắng của Việt Nam, để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu… với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà thông tin: “Diện tích cao su trên toàn thị xã Hương Trà là 2.459,36 ha, trong đó diện tích đang trong quá trình khai thác mủ là 1893,57 ha. Từ năm 2013 đến nay, người trồng cao su khai thác chặt bỏ cao su bán gỗ khoảng 51,3ha và đã trồng lại 31,3ha.
Giá mủ rớt thảm hại, dân chặt bỏ hàng chục ha cây cao su
Tại huyện Nam Đông, vốn được xem là “thủ phủ” cao su, một trong những loại cây đã giúp người dân ở xã miền núi nơi đây xóa nghèo, vươn lên làm giàu... cũng xuất hiện tình trạng chặt bỏ rừng cao su. Nhiều hộ dân địa phương ở đây cho biết, thời kỳ “hoàng kim” của cây cao su ngày trước nay không còn nữa, bởi vì giá 1kg mủ nay còn thấp hơn giá bán... một cốc nước mía.
Mủ cao su liên tục rớt giá từ 50.000 đồng/kg xuống 30.000 đồng rồi đến 10.000 đồng và nay là 5.000 đồng/kg đã khiến nhiều nông dân trồng cao su ở huyện miền núi nơi đây rơi vào cảnh điêu đứng bởi tiền thu vào không đủ trả chi phí phân bón, thuê nhân công. Không ít hộ dân buộc phải chặt bỏ rừng cao su để chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày cho giá trị kinh tế cao hơn.
Mười hộ dân tại xã Phú Lộc, huyện Krong Năng tỉnh Đắc Lắc vừa đồng loạt chặt bỏ 20 hecta cao su để trồng loại cây mới. Chị Nguyễn Thị Bảy, một trong 10 hộ dân cho biết, đã mấy tháng nay chị bỏ cạo mủ cao su vì giá xuống quá thấp, không đủ bù công thuê người cạo.
Theo ông Trương Ngọc Dũng, cán bộ địa chính xã Bình Thành cho biết toàn xã Bình Thành có 118ha cao su được trồng vào năm 2005, trong đó có 100ha trong giai đoạn thu hoạch. Ngoài hộ bà Nguyễn Thị Cúc trong xã có thêm 2 hộ bán cao su làm gỗ cho doanh nghiệp. Không chỉ người dân xã Bình Thành phá bỏ cao su, nhiều người dân xã Hương Bình (TX Hương Trà) cũng đang ồ ạt bán tháo vườn cao su bao nhiêu năm mất công chăm sóc để chuyển đổi sang trồng cây khác khi cho rằng giá cao su quá thấp. Anh La Văn Cời (48 tuổi) ở thôn Bình Dương, xã Hương Bình cho hay: Nhà tôi trồng cao su từ năm 1994 với hơn 3,5ha, lúc mủ cao su có giá cao bình quân tôi cạo một mình cũng cho thu nhập từ 300 – 400 nghìn đồng/ngày. Nhưng bây giờ mủ cao su xuống giá quá thấp đi cạo từ 1h khuya đến 7h sáng mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, không bằng thu nhập vác keo thuê cho người ta. Thế là tôi bán 1ha cao su với giá 40 triệu đồng, bình quân mỗi cây như vậy thương lái mua từ 100 – 150 nghìn đồng, mặc dù cao su vẫn cho mủ nhưng cũng phải bán. Không chỉ riêng tôi mà nhiều hộ dân ở đây cũng đang bán vườn cao su cho thương lái, có hộ còn bán vườn cao su trồng năm 2001.
Cây cao su là cây trồng lâu năm, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 5-6 năm với chu kỳ thu kinh doanh kéo dài hơn 20 năm. Vì vậy, người dân cần tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định chặt phá để chuyển sang trồng loại cây trồng khác, bởi giá cả các mặt hàng nông sản luôn biến động bất thường và khó lường, tránh tình trạng chạy theo thị trường sẽ gây thiệt hại đến kinh tế gia đình.
Tuyết Nhi (Th)