Giá dịch vụ y tế, học phí, giá gạo khiến CPI tăng 0,25%

Theo Tổng cục Thống kê, một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, tăng học phí và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước.

So với tháng 12/2022, CPI tháng 11 tăng 3,46% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức tăng 0,25% của CPI tháng 11/2023 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không biến động.

Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,9% (làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm), trong đó dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 2,27%; khám chữa bệnh nội trú tăng 5,13%; nhóm giáo dục tăng 0,38%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 0,42%  do một số địa phương thực hiện tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; một số trường đại học, cao đẳng công lập, dân lập, tư thục cũng tăng học phí năm học 2023-2024 để bảo đảm thu chi thường xuyên. Bên cạnh đó, giá vở, giấy viết các loại tháng 11 tăng 0,04% so với tháng trước; giá bút viết tăng 0,1%; giá văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,17%.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,32%, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ trang sức tăng 2,39%; dụng cụ cá nhân không dùng điện tăng 0,24%; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 0,51%; dịch vụ về hỉ tăng 0,36% do nhu cầu tăng. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,2% do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng…

Lạm phát cơ bản  tháng 11/2023 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,22%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 11 tháng năm 2023 giảm 12,12% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 7,5% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/11/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.982,01 USD/ounce, tăng 3,8% so với tháng 10/2023 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lập trường giữ lãi suất điều hành ở mức 5,25-5,5% để kéo lạm phát về 2%. Sự sụt giảm lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD đang làm tăng sức hấp dẫn đầu tư vào vàng. Bên cạnh đó, giá vàng tăng do nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng Trung ương và ở khu vực châu Á trong dịp cuối năm. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 11/2023 tăng 2,77% so với tháng trước; tăng 8,8% so với tháng 12/2022; tăng 9,29% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 3,38%.

Trên thế giới, giá đồng USD có xu hướng giảm khi chỉ số CPI tháng 10/2023 của Mỹ cũng như chỉ số giá sản xuất (PPI) ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020 do giá năng lượng suy yếu. Đồng bạc xanh đã ghi nhận mức giảm mạnh so với các loại tiền tệ chính khác khi lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Đồng thời việc FED ngừng tăng lãi suất cũng khiến giá USD khó hồi phục. Tính đến ngày 25/11/2023, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 105,05 điểm, giảm 0,91% so với tháng trước.

Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.605 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 11/2023 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 1,61% so với tháng 12/2022; giảm 1,03% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 1,94%.

Bình An

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục