Giá BĐS TP.HCM sẽ tăng 10 - 20% nhờ Tàu điện ngầm

(Kinhdoanhnet) - Theo dự báo của CBRE Việt Nam. trong khu vực có tàu điện ngầm số 1 chạy qua, giá bất động sản đã nhích hơn các khu vực khác từ 2-5%. Đặc biệt, giá nhà đất sẽ tiếp tục tăng tới 20% khi tuyến metro đi vào hoạt động.

Giá BĐS TP.HCM sẽ tăng 10 - 20% nhờ Tàu điện ngầm - Ảnh 1
Khi tuyến tàu này đi vào hoạt động, giá đất của khu vực cách ga tàu điện trong vòng mười phút đi bộ có thể tăng 10% - 20% so với giá đất ở các khu vực khác.

Theo bộ phận nghiên cứu CBRE, các BĐS nằm trong khu vực tuyến tàu điện ngầm số 1 chạy qua bao gồm quận Bình Thạnh, quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện tại đang chào bán với mức giá nhỉnh hơn dao động trong khoảng 2% đến 5%, so với các căn hộ có mức độ hoàn thiện và tiện ích tương tự nhưng không nằm gần tuyến đường sắt đô thị. Giá chào bán của các dự án căn hộ cao cấp tại quận 2 tăng từ mức trung bình 1.490 USD cho mỗi mét vuông vào năm 2012 lên 1.650 USD hiện nay, tăng 11%, so với mức tăng 3% trên toàn thành phố.

“Khi tuyến tàu này đi vào hoạt động, giá đất của khu vực cách ga tàu điện trong vòng mười phút đi bộ có thể tăng 10% - 20% so với giá đất ở các khu vực khác”, CBRE nhận định.

Về số lượng chào bán mới, trong ba năm qua số lượng căn hộ chào bán tăng mạnh tại các khu vực có tuyến tàu điện ngầm chạy qua. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của nguồn cung căn hộ tại quận 2 là 36%, so với 24% tại quận 4 hay 10% tại quận 7. Dự kiến đến năm 2017 nguồn cung căn hộ tại quận 2 và quận 9 sẽ tăng mạnh lần lượt là 58% và 200%.

Tương tự, tổng diện tích sàn xây dựng các TTTM dự kiến sẽ tăng 10% tại Quận 2 trong vòng ba năm tới, bao gồm nhưng không giới hạn trong các dự án Estella Heights (37.290 m2 GFA), Vincom Megamall Thảo Điền (120.000 m2 GFA), Thảo Điền Pearl(20.400 m2 GFA), Lexington Residence và The SunAvenue.

Đặc biệt, số lượng căn hộ giao dịch thành công cũng tăng lên. Theo nghiên cứu của CBRE, số lượng các căn hộ bán được ở quận 2 tăng từ 329 căn trong năm 2012 lên 3.710 căn trong hiện tại.

Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám Đốc Điều hành của CBRE Việt Nam, nhận xét: “Trước sự kiện tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại TP.HCM đang được đẩy nhanh tiến độ và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020, tất cả người dân đang sinh sống và làm việc tại thành phố đều háo hức chờ đợi những thay đổi lớn và thú vị mà tuyến đường sắt đô thị này mang lại. Riêng đối với BĐS, cuộc chơi sẽ chứng kiến những đổi thay ngoạn mục hơn.”

Kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy dự án tàu điện ngầm sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất lên giá trị BĐS. Việc phát triển các trạm tàu điện giúp mang lại diện mạo mới cho khu vực quanh đó: giá đất tăng, các dự án BĐS bùng nổ, các đơn vị bán lẻ và dự án văn phòng được dịch chuyển ra xa trung tâm hơn.

Theo ông Marc: “Về lý thuyết, một tòa nhà nằm gần trạm trung chuyển công cộng thường có giá thuê hoặc giá bán cao hơn so với những tòa nhà nằm xa hơn vì hệ thống giao thông công cộng tốt cho phép cư dân sống gần đó dễ dàng di chuyển đến các điểm quan trọng. Điều này đã được kiểm chứng tại một số quốc gia với giá bán nhà tại những nơi gần hệ thống giao thông công cộng có giá trị cao hơn từ 6% đến 45%.”

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng: “Tác động của hệ thống giao thông công cộng đối với giá nhà phụ thuộc vào một số yếu tố trung gian bao gồm quyền sử dụng và loại nhà ở, mức độ và độ tin cậy của hệ thống công cộng, tiềm lực của thị trường nhà ở, bản chất của các dự án phát triển lân cận và các yếu tố khác. Tại những khu vực có thị trường nhà đất phát triển mạnh và hệ thống giao thông công cộng đáng tin cậy giúp người dân kết nối hiệu quả với công việc và các điểm đến khác, mức chênh lệch giá cũng có thể cao hơn nhiều so với mức trung bình.”

Theo đánh giá của CBRE, với lưu lượng dự kiến khoảng 186.000 hành khách mỗi ngày cho tuyến tàu điện đầu tiên tại TP.HCM, cơ hội càng rõ nét hơn đối với thị trường bán lẻ do các trung tâm thương mại thường được phát triển trong cộng đồng đông dân cư để có thể hưởng lợi từ mật độ giao thông bộ hành cao. Mặt khác, tuyến tàu điện cũng sẽ giúp mở rộng khu vực khách mua sắm tiềm năng thông qua việc tiết kiệm chi phí đi lại cho khách mua sắm ở xa, khuyến khích họ năng đến khu vực ngoài trung tâm thành phố để mua sắm.

Theo bà Dương Thuỳ Dung, Trưởng phòng Nghiên cứu Thị trường & Tư vấn Phát triển CBRE, cho rằng: “Một trong những điều lâu nay cản trở sự phát triển của TP.HCM, đó là hệ thống cơ sở hạ tầng không đồng bộ và giao thông công cộng thiếu hiệu quả. Đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, bất cứ vị trí nào cách xa khu vực trung tâm khoảng nửa tiếng lái xe đều không được coi là một cơ hội đầu tư hấp dẫn. Thời gian di chuyển quá lâu và đôi khi khó có thể tiếp cận vào thành phố hoặc sân bay trong khoảng thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, sự ra đời của Tuyến đường sắt đô thị số 1 trong năm 2020 sẽ cắt giảm ít nhất phân nửa thời gian di chuyển, đồng nghĩa với việc bất cứ điểm nào có thể tiếp cận tốt với tuyến đường sắt đô thị nàyđều sẽ được hưởng lợi thực sự".

"Vì vậy, chúng ta có thể mong đợi sự phát triển các dự án phức hợp bao gồm chung cư, căn hộ, văn phòng, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, các tụ điểm sinh hoạt ngoài trời, cơ sở giáo dục, văn hóa và các điểm tham quan khác xoay quanh nhà ga tàu điện – như hiện nay tại HồngKông, Bangkok hay Singapore", bà Dung nhấn mạnh.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ, Infonet) 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục