Germanwings chia tay “hồ sơ trong sạch” sau vụ tai nạn thảm khốc

(Kinhdoanhnet) - Germanwings được mệnh danh là hãng hàng không giá rẻ được ưa chuộng tại Đức và chưa từng có một tai nạn nào nghiêm trọng trước đây nhưng tai nạn hôm qua trên đất Pháp đã ảnh hưởng không ít đến hình ảnh của hãng.

Germanwings vốn là một hãng hàng không giá rẻ có lịch sử hoạt động khá "trong sạch" từ trước tới nay, tuy nhiên tới chiều ngày hôm qua 24/3 theo giờ Việt Nam, một chiếc Airbus A320 mang số hiệu 9525 của hãng đã bị rơi ở dãy Alps của Pháp khi đang trên đường từ Barcelona đến Düsseldorf.

Germanwings chia tay “hồ sơ trong sạch” sau vụ tai nạn thảm khốc
Máy bay trực thăng tiếp cận hiện trường vụ tai nạ

Germanwings hiện là một trong 18 công ty con sở hữu bởi hãng hàng không Lufthansa - hiên đang được xếp hạng là hãng hàng không lớn nhất nước Đức và lớn thứ hai châu Âu.

Giám đốc điều hành Carsten Spohr của Lufthansa từng tự hào nhắc tới Germanwings như một điểm sáng trong hoạt động của công ty.

“Chi nhánh hàng không giá rẻ Germanwings là một thành công lớn hơn kỳ vọng của chúng tôi”, ông nhấn mạnh.

Hoạt động với mô hình giá rẻ

Trong những năm gần đây, hãng này chỉ chuyên sử dụng loại các loại máy bay Airbus và mở rộng hoạt động giữa một số thành phố lớn của châu Âu. Hãng có trụ sở chính đặt tại thành phố Cologne (Đức) và có một số văn phòng trung tâm khác tại các sân bay như Cologne, Stuttgart, Hamburg, Berlin và Düsseldorf.

Germanwings chia tay “hồ sơ trong sạch” sau vụ tai nạn thảm khốc
Một máy bay của Germanwing

Trong năm 2013, Lufthansa giới thiệu trên thị trường về Germanwings như một hãng hàng không cho phép hành khách đặt vé có ba khung giá thấp ngang ngửa nhau, điều mà ai cũng thấy rõ ràng nó không phải là kiểu hình với các gói bay dành cho hành khách thương gia.

Germanwings nâng đội bay của mình lên thành 87 chiếc máy bay vào cuối năm 2014, trong đó bao gồm 64 máy bay Airbus A319 và A320, cộng thêm 23 chiếc máy bay CRJ-900 thuộc sở hữu của Eurowings và Luftverkehrs AG mà trong tương lai bay sẽ chỉ bay cho hãng Germanwings.

Trong năm 2014, Germanwings tiếp tục mở thêm nhiều tuyến bay thường xuyên giữa Berlin - Nice, Hamburg - Prague, Hamburg - Toulouse, Berlin - Dubrovnik và Hamburg - Reykjavik.

Xếp hạng trên trang đánh giá các chỉ số về hàng không AirlineRatings.com, hãng Germanwings được đánh giá 6/7 cho chỉ số an toàn và 3,5 /5 cho chỉ số về chất lượng.

Dập tắt hy vọng

Trên thực tế, Lufthansa đang trong quá trình dịch chuyển lưu lượng chuyến bay châu Âu từ hãng hàng không mẹ sang Germanwings và Eurowings - một chi nhánh giá rẻ khác, để tiết kiệm chi phí.

Ông Spohr trả lời tạp chí Fortune cho biết ông kỳ vọng Germanwings sẽ bắt đầu có lãi vào năm 2015, sau 13 năm hoạt động. “Có vẻ chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu này”, ông nói.

Nhưng tai nạn thảm khốc ngày 24/3 có thể dập tắt hy vọng trên.

Một máy bay Airbus A320 của Germanwings chở 144 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn đã rơi tại vùng Digne, miền Nam nước Pháp. Tổng thống Pháp François Hollande  cho rằng có thể không còn ai sống sót.

Ông Spohr đăng trên mạng xã hội nói đây là một ngày đen tối đối với Lufthansa.

Sau tin dữ, cổ phiếu Lufthansa lập tức “bốc hơi” hơn 4%, tuy nhiên hồi phục một phần để chốt lại phiên giao dịch giảm 1,56%. Tuy nhiên đây vẫn là mã cổ phiếu chuyển động tệ nhất trên sàn Giao dịch chứng khoán Frankfurt ngày 24/3.

Tương lai khó đoán

Một cựu lãnh đạo hàng không - ông Robert Mann - nhận định hầu hết các vụ đâm máy bay không ảnh hưởng quá nhiều tới hoạt động của hãng, cho dù có thảm khốc và giật gân đến đâu.

Germanwings chia tay “hồ sơ trong sạch” sau vụ tai nạn thảm khốc
Ông Spohr nói đây là một ngày đen tối đối với Lufthansa

Tuy nhiên có một số trường hợp ngoại lệ, khi các vụ tai nạn phơi bày vấn đề trong hệ thống công ty hoặc năng lực yếu kém. ValuJet là một ví dụ điển hình.

Năm 1996, chuyến bay 592 của ValuJet bốc cháy không lâu sau khi cất cánh và đâu xuống vườn quốc gia Florida Everglades, Mỹ. Toàn bộ 110 hành khách trên khoang đã tử nạn.

Kết quả điều tra cho thấy một đối tác của ValuJet đã gắn bình oxy bất hợp pháp vào khoang chứa hàng của máy bay, là nguyên nhân gây ra thảm họa này.

“Thật mỉa mai khi đây thậm chí không phải lỗi của ValuJet, mọi việc xảy ra vì một nhà cung cấp của họ tắc trách”, ông Mann cho biết.

Tuy nhiên  ValuJet không thể lấy lại được niềm tin nơi khách hàng. Cuối cùng, công ty sáp nhập với AirTran Airways – một hãng hàng không nhỏ hơn.

Phương Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục