Gặp khó vì Donald Trump: Biểu tượng Trung Quốc tụt dốc, điều tồi tệ ở phía trước

Hàng loạt biểu tượng của Trung Quốc lao dốc. Kỷ nguyên tăng trưởng ngoạn mục dường như đã chấm dứt sau sự xuất hiện của ông Donald Trump. Một tầng lớp đang vật lộn với "giấc mơ Trung Quốc" và bị lựa chọn trở thành vật hy sinh.

Biểu tượng lao dốc

Theo Bloomberg, cổ phiếu Ctrip của Trung Quốc vừa chứng kiến một cú rớt thảm hại: giảm 19% chỉ trong một phiên. Đây là phiên giảm điểm chưa từng có của một cổ phiếu được xem là “Booking” của Trung Quốc kể từ khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đặt phòng và du lịch này phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) vào năm 2003.

Ctrip là doanh nghiệp tiếp theo gia nhập danh sách các “ông lớn” hoạt động kinh doanh trên nền tảng Internet của Trung Quốc không thể tránh khỏi cơn gió ngược suy giảm kinh tế đang hoành hành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Giờ đây, ít nhà đầu tư dám tin tưởng các doanh nghiệp đầu ngành hoạt động trên nền tảng Internet của Trung Quốc có thể giữ được tốc độ tăng trưởng bùng nổ như trong cả thập kỷ trước.

Gặp khó vì Donald Trump: Biểu tượng Trung Quốc tụt dốc, điều tồi tệ ở phía trước - Ảnh 1
Cổ phiếu Ctrip của Trung Quốc tụt giảm 19% trong phiên ngày 8/11.
Trước đó, tập đoàn bán lẻ số một ở Trung Quốc - Alibaba của tỷ phú USD Jack Ma - cũng chứng kiến cổ phiếu lao dốc thảm hại vì triển vọng kinh tế kém sáng sủa. Trong khi đó, nhà điều hành công cụ tìm kiếm Internet lớn nhất Trung Quốc Baidu cũng trải qua một thảm kịch tương tự.

Tencent của tỷ phú Pony Ma, người giàu nhất Trung Quốc, thậm chí còn rơi vào tình trạng bi đát hơn. Cổ phiếu của doanh nghiệp này lặng lẽ đánh mất gần 50% giá trị trong sự ngỡ ngàng của thị trường tài chính thế giới. Các chuyên gia bán khống trên thế giới cũng rất bất ngờ và khi bừng tỉnh thì không thể tham gia vào bữa tiệc cổ phiếu Tencent giảm giá trị giá 250 tỷ USD.

Gã khổng lồ mạng Internet của Trung Quốc (nổi tiếng với ứng dụng nhắn tin WeChat) đã mất tới 250 tỷ USD giá trị vốn hóa sau khi ghi nhận một năm 2017 bùng nổ với lần đầu tiên vốn hóa vượt ngưỡng 500 tỷ USD. Cú trượt dốc khiến túi tiền của chủ tịch Tencent Holdings - Ma Huateng (Pony Ma) cũng bốc hơi với tỷ lệ tương tự, khoảng 25 tỷ USD.

Ông Pony Ma là người vượt Jack Ma của Alibaba trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, giàu hơn hai đồng sáng lập Google - Larry Page và Sergey Brin - và lần đầu tiên được Forbes đưa vào danh sách 10 CEO quyền lực nhất thế giới năm 2018.

Hiện tại, giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào một số tập đoàn công nghệ lớn khác của Trung Quốc như Xiaomi, JD, Sina Corp,... nhưng theo chuyên gia của Bloomberg, tất cả chỉ mới bắt đầu. Mọi thứ còn có thể tồi tệ hơn trong thời gian tới.

Gặp khó vì Donald Trump: Biểu tượng Trung Quốc tụt dốc, điều tồi tệ ở phía trước - Ảnh 2
Các hãng công nghệ Trung Quốc lao đao.
Trung Quốc được cảnh báo đối mặt với rất nhiều bong bóng và nguy cơ kinh tế, từ chứng khoán, bất động sản, nợ công lớn, tín dụng ngầm khổng lồ, đồng Nhân dân tệ (NDT) tụt dốc, cho tới cả bong bóng startup bùng nổ trong vài năm gần đây. Sự suy giảm tăng trưởng và một cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến tình hình trở nền tồi tệ hơn. Một cú hạ cánh nhẹ giờ là mơ ước, trái lại hậu quả sẽ khôn lường.

Điều tồi tệ hơn còn ở phía trước


Trong tuần vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng suy giảm mạnh. Giới đầu tư lo lắng về sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và cú trượt dốc của các cổ phiếu công nghệ.

Từ đầu năm tới nay, TTCK đã giảm sâu và vốn hóa đã bốc hơi khoảng 4,3 ngàn tỷ USD.

Hiện tại, Trung Quốc đang đối mặt với rất nhiều vấn đề. Theo SCMP, đầu tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên Bộ Chính trị Trung Quốc thừa nhận áp lực kinh tế trong bối cảnh áp lực cuộc chiến thương mại với Mỹ gia tăng.

Bắc Kinh đã phác thảo một bản kế hoạch mới nhằm củng cố nền kinh tế tư nhân và thị trường chứng khoán trong lúc đất nước đang chuẩn bị đối đầu với nhiều đòn tấn công thương mại từ Mỹ.

Cuộc chiến thương mại do ông Donald Trump châm ngòi đã buộc Trung Quốc phải rút lui khỏi một cuộc chiến cũng khốc liệt không kém mà Bắc Kinh đang phải đối mặt: cuộc chiến chống nợ nần.

Hai thập kỷ phát triển dữ dội với hàng dài các dự án lớn đã giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhưng đổi lại, Bắc Kinh phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong đó có nợ công lớn và núi nợ tiềm ẩn khổng lồ.

Theo Bloomberg, nợ công Trung Quốc rất lớn, hơn tất cả thị trường mới nổi cộng lại. Trong khi đó, núi nợ ngầm đáng sợ không kém. S&P đánh giá đây là núi nợ ngầm khổng lồ, thuộc về chính quyền địa phương Trung Quốc - một ẩn họa nội bộ Trung Quốc thực sự đáng sợ. Núi nợ này có thể lên tới 6 ngàn tỷ USD, tiềm ẩn những rủi ro to lớn đối với Trung Quốc.

Theo một báo cáo của Citi, nếu Trung Quốc tạm ngừng tiến trình giảm nợ, thì tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc có thể vượt lên trên ngưỡng 270% vào cuối năm nay - một mối lo ngại lớn mà thị trường đã cảm nhận được.
Gặp khó vì Donald Trump: Biểu tượng Trung Quốc tụt dốc, điều tồi tệ ở phía trước - Ảnh 3
Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan
Trong bối cảnh Trung Quốc phải xoay sở để đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế thì Bắc Kinh có thể sẽ nới lỏng các chính sách tiền tệ, bơm thêm tiền cho nền kinh tế và đồng NDT có thể sẽ suy giảm hơn nữa.

Đây cũng là một vũ khí để Bắc Kinh chống lại các đòn thuế thương mại của Washington. Tuy nhiên, nếu áp dụng chính sách này thì mức độ an toàn của hệ thống tài chính Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm và dòng vốn nước ngoài có thể tiếp tục tháo chạy. Đây là con dao hai lưỡi.

Trước đó, giới quan sát thị trường đã từng lo ngại về khả năng Trung Quốc lặp lại cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn giống như tại Mỹ hồi trước năm 2008. Thị trường bất động sản Trung Quốc được đánh giá là tiềm ẩn một quả bong bóng rất lớn. Cuộc chiến thương mại khiến các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các doanh nghiệp BĐS vốn có đòn bẩy tài chính lớn, sẽ chịu áp lực khủng. Đây là lý do khiến khả năng nền kinh tế nước này hạ cánh mềm sẽ là một điều xa xỉ.

Sự ổn định xã hội ở Trung Quốc cũng là một thách thức. Gần đây, việc đồng NDT tụt giảm mạnh, chứng khoán lao dốc và lạm phát tăng cao,... đã ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.

Cuộc chiến tthương mại Mỹ- Trung gần đây làm tăng thêm sự bất định cho tầng lớp trung lưu Trung Quốc. JPMorgan ước tính, cuộc chiến tranh thương mại có thể làm cho Trung Quốc mất đi ít nhất 700.000 việc làm.

Theo CNN, chi phí ăn ở tăng cao chiếm gần hết thu nhập của những người trung lưu Trung Quốc. Trong khi đó, giá cổ phiếu giảm 20-40% khiến họ phải bán cổ phiếu trong lúc giá rẻ, rút ra những đồng tiền tiết kiệm của mình và đang phải vật lộn với "giấc mơ Trung Quốc".

M. Hà/Vietnamnet

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục