Gam màu xám tiếp tục bao phủ ngành xây dựng cuối năm 2023

Mùa báo cáo tài chính quý III/2023 đã khép lại, kết quả cho thấy gam màu xám vẫn đang bao trùm bức tranh chung ngành xây dựng khi các doanh nghiệp (DN) trong ngành vẫn chưa có sự đột phá nào cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Khó khăn bủa vây toàn ngành xây dựng 

Theo Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý III và dự báo quý IV/2023 do Tổng cục Thống kê công bố, quý IV/2023, có đến 34% doanh nghiệp ngành xây dựng nhận định khó khăn, tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng. Chỉ có 25,5% DN xây dựng nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh quý III/2023 của DN thuận lợi hơn quý II.

Theo Tổng cục Thống kê, quý IV/2023, có đến 34% doanh nghiệp ngành xây dựng nhận định khó khăn
Theo Tổng cục Thống kê, quý IV/2023, có đến 34% doanh nghiệp ngành xây dựng nhận định khó khăn

Cũng theo Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng vẫn bị ảnh hưởng bởi nhiều khó khăn. Trong đó, việc “giá nguyên vật liệu tăng cao” và “không có hợp đồng xây dựng mới” được xem là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành này.

Bên cạnh đó, sức ép từ bên ngoài và chi phí vốn cũng tăng, trong khi nợ đọng xây dựng cơ bản cũng tăng; thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục dù đã có chính sách hỗ trợ gỡ khó cho bất động sản… cũng làm DN gặp khó càng thêm khó.

Bức tranh tài chính ảm đạm

Theo dữ liệu của VietstockFinance cho thấy, trong quý II/2023, 55 doanh nghiệp xây dựng dân dụng trên sàn chứng khoán ghi nhận doanh thu giảm gần 2% về mức 23.000 tỷ đồng, tổng lãi ròng tăng gần 4% lên hơn 1.300 tỷ đồng. Nhưng mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ 9 doanh nghiệp có lãi ròng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, còn lại đa phần thua lỗ. Bên cạnh đơn hàng hay nguồn vốn, một nỗi lo lớn khác là tình trạng nợ đọng kéo dài.

Bước sang quý III, bức tranh tài chính ngành xây dựng vẫn chìm trong sắc xám, dù đang le lói nhiều tia sáng hơn. Việc doanh thu không có nhiều đột phá, chất lượng lợi nhuận thấp kỷ lục khiến phần lớn nhà thầu xây dựng vẫn đối diện với hàng loạt thách thức trong quá trình phục hồi.

Ngay cả “ông lớn” hàng đầu như Hòa Bình (HOSE: HBC) cũng tiếp tục trải qua một quý kinh doanh không mấy khả quan. Theo đó, tổng lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 9 lên tới gần 3.000 tỷ đồng, cao gấp 8 lần vốn chủ sở hữu. Giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp giảm 86% còn 40 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III.

Xây dựng Hòa Bình cũng tiếp tục trải qua một quý kinh doanh không mấy khả quan
Xây dựng Hòa Bình cũng tiếp tục trải qua một quý kinh doanh không mấy khả quan

Năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 17/10 vừa qua, ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình, thừa nhận khả năng để doanh nghiệp đạt được kế hoạch thật sự khó khăn. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu mảng xây dựng của HBC, các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như bán hàng. 

Hay tại Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; HoSE: VCG) trong quý III/2023 khi nhận mức lãi sau thuế đạt 27,5 tỷ đồng, giảm hơn 89% so với cùng kỳ và giảm gần 79% so với quý II.

Lũy kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu thuần 8.915 tỷ đồng, tăng 33% so với 9 tháng năm 2022 nhưng lãi sau thuế lại giảm 79%, xuống 205 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty mới thực hiện được 54,6% kế hoạch doanh thu và 23,8% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Trong gam màu xám xịt của ngành, vẫn có những tia sáng le lói, đó là mức lãi “mỏng như lá lúa” mà một số doanh nghiệp ghi nhận trong quý III.

Công ty CP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) trong quý đầu tiên của năm tài chính 2024 (1/7/2023 đến 30/6/2024) lại tiếp tục có những khởi sắc hơn so với quý liền trước và cùng kỳ năm 2022 nhờ chủ yếu cắt giảm chi phí dự phòng qua đó giảm mạnh chi phí quản lý doanh nghiệp.

Cụ thể, trong quý vừa qua, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.124 tỷ đồng, tăng 1.010 tỷ đồng, tương đương tăng 32,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 66,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ sau thuế 3,5 tỷ đồng. 

Hoặc Công ty CP Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN), lợi nhuận quý III/2023 còn vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng, giảm 64,7% so với cùng kỳ và giảm tới 97,5% so với quý trước đó. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 42,4% so với cùng kỳ, lãi sau thuế gần 27 tỷ đồng, giảm 79,7%.

Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (UpCOM: CC1) kết thúc quý III/2023 với khoản lãi trước thuế 24 tỷ đồng, tăng 50%, lãi sau thuế 18 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 9 tháng, CC1 có lãi trước thuế đạt 56 tỷ đồng, tăng 5%. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ thuế, lãi của CC1 chỉ còn 37 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.

“Liều thuốc” nào giúp sức khỏe doanh nghiệp xây dựng phục hồi?

Trước tình hình khó khăn chung của ngành, Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các DN xây dựng đã đưa ra một số kiến nghị.

Trong đó, có 47,1% DN đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh; 45,7% DN đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu; 37,5% DN đề nghị thông tin đấu thầu cần công khai, minh bạch; 33,3% DN đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; 24,7% đề nghị được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết; 23,3% đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Trước tình hình khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh
Trước tình hình khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh

Bên cạnh đó, nhằm nhanh chóng tháo gỡ những rào cản pháp lý để trợ lực cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, Chính phủ thậm chí đã ban hành riêng Nghị quyết số 105/NQ-CP, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết. Bởi lẽ, theo phản ánh đại diện của nhiều doanh nghiệp, sau 3 năm thực thi, Nghị định 132 đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh cả nền kinh tế vừa phải hứng chịu “cú giáng” nặng nề từ COVID-19. Các doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng khi Chính phủ chỉ đạo sửa đổi Nghị định này. 

Chia sẻ trên báo điện tử Tiền Phong, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, tinh thần sửa đổi Nghị định 132 là hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, nhưng trong tình thế cấp bách hiện nay thì nên hướng tới mục tiêu ưu tiên cho doanh nghiệp bởi đây chính là động lực quan trọng của nền kinh tế. Từ đó, DN mới có thể thuận lợi hơn trong tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu năm 2023 và cùng góp phần vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

PV

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục