Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019 vừa công bố của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu - Eximbank, ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 16,3 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận thuần của Eximbank từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của quý 4/2019 là 583 tỷ đồng, tăng 490,7 ty đồng (tương ứng 532%) so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm 11% đạt 796 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà băng này đã mạnh tay trích lập chi phi dự phòng rủi ro tín dụng tăng 189 tỷ đồng (tương đương 47%) lên gần 591 tỷ đồng.
Nguồn BCTC hợp nhất quý 4/2019.
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh chính trong quý 4/2019 tuy có tăng trưởng nhưng con số không quá ấn tượng. Cụ thể, mảng dịch vụ tăng 42% ghi nhận 134 tỷ đồng, mảng kinh doanh ngoại hối và vàng lãi 132,5% tăng 10%, mảng mua bán chứng khoán đầu tư lãi 102 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 82 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí hoạt động của quý 4/2019 tại Eximbank giảm hơn 370 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018 (tương đương khoảng 35,5%) còn 677 tỷ đồng là do năm 2018, Eximbank đã phải trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi liên quan đến 2 vụ kiện tiền gửi là 390,3 tỷ đồng. Thế nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 189 tỷ đồng (tương đương 47%) lên gần 591 tỷ đồng do trước thời điểm khóa sổ kế toán, Eximbank trích bổ sung dự phòng cho trái phiếu VAMC nhiều hơn cùng kỳ năm trước 138 tỷ đồng theo Thông tư 08/2016 của Ngân hàng Nhà nước.
Mức lỗ của quý 4/2019 đã kéo lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm 2019 của Eximbank còn 1.095 tỷ đồng, tăng 278 tỷ đồng so với năm 2018, tương ứng 32%.
Nguồn BCTC hợp nhất quý 4/2019.
Tính đến cuối tháng 12/2019, tổng nợ xấu tại Eximbank ở mức 1.933 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 15% lên mức 973 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 23% lên 145 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn lại giảm đến 15% ở mức 815 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Eximbank ở mức 1,85%, thuộc top 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất năm 2019.
Eximbank hiện là ngân hàng có nhiều biến động nhân sự thời gian qua. Trong năm 2019, Eximbank đã 2 lần tổ chức ĐHĐCĐ thường niên (lần thứ 35) nhưng không thành. Trong lần đầu tiên, đại hội đã không thể tiến hành vì không đủ túc số tham dự. Còn lần tổ chức thứ 2 bị “vỡ” khi các nhóm cổ đông lớn có sự bất đồng sâu sắc và không thể thông qua quy chế đại hội.
Kỷ lục thay 3 chủ tịch HĐQT chỉ trong 2 tháng tại Eximbank.
Vấn đề xuyên suốt 2 phiên họp ĐHĐCĐ thường niên của Eximbank là những tranh chấp giữa các nhóm cổ đông lớn, biểu hiện rõ nét nhất là sự “đổi ngôi” liên tục xoay quanh chiếc ghế Chủ tịch HĐQT của nhà băng này. Từ ông Lê Minh Quốc rồi chuyển giao sang cho bà Lương Thị Cẩm Tú. Tuy nhiên, sau hàng loạt diễn biến bất ngờ đã được giao cho ông Cao Xuân Ninh hồi cuối tháng 5/2019.
Dù hiện tại ông Cao Xuân Ninh vẫn đảm nhiệm vị trí này nhưng một số nhóm cổ đông khác vẫn 'lăm le' đặt vấn đề liên quan đến tính hợp pháp trong những quyết định bổ nhiệm ông.
Trong thông cáo hồi cuối 11/2019, Eximbank cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 12/12 và dự kiến tổ chức họp bất thường vào ngày 5/32020. Nội dung chính của cuộc họp là bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị vào nhiệm kỳ VI (2015-2020) theo kiến nghị của một nhóm cổ đông trước đó.
Hà Phương (t/h)