Reuters cho biết quyết định này không nằm ngoài dự đoán khi mà những lãnh đạo của EU kêu gọi phải có tiến triển hơn nữa trong vấn đề hòa bình tại miền đông Ukraine dẫn đến việc sáp nhập Crime.
Trong một tuyên bố, EU nêu rõ Hội đồng châu Âu đã quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào những lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế Nga cho đến ngày 31/1/2017, sau khi các biện pháp hiện hành hết hiệu lực vào cuối tháng 7/2016.
Quan hệ Nga-EU vẫn chưa bớt căng thẳng. Ảnh minh họa
Các biện pháp trừng phạt này chủ yếu nhằm vào các ngành năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga. Theo đó, hạn chế tiếp cận các thị trường tài chính sơ cấp và thứ cấp của EU đối với 5 thực thể tài chính nhà nước lớn của Nga và các công ty chi nhánh được thành lập bên ngoài EU, cũng như 3 tập đoàn năng lượng và 3 tập đoàn quốc phòng lớn của Nga. Quyết định này đã được các đại sứ của EU nhất trí thông qua từ hôm 21/6.
Bên cạnh đó, lệnh cấm buôn bán vũ khí và một số sản phẩm dầu khí cũng được kéo dài đến tháng 1-2017.
Đáp lại những lệnh trừng phạt này, mới đây, 29/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh gia hạn cấm nhập khẩu các loại lương thực - thực phẩm từ các nước phương Tây tới cuối năm 2017.
Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt Nga kể từ tháng 7/2014 với các cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Putin luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, đồng thời tuyên bố sẽ có những biện pháp đáp trả tương xứng.
Lệnh trừng phạt này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của Nga lẫn EU.
Hãng tin RT của Nga cho biết trao đổi thương mại giữa Nga và EU chỉ còn 235,7 tỷ USD trong năm 2015, giảm đáng kể so với con số 417,7 tỷ USD năm 2013.
Trâm Anh